Đại lễ tưởng niệm công chúa nhà Lý – Ni sư Diệu Nhân
(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam - 20/10, Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức Đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch.
Ni sư Diệu Nhân là công chúa Lý Ngọc Kiều cháu gái nội vua Lý Thái Tông được vua Lý Thánh Tông nhận làm con nuôi, được gả cho Châu Đăng họ Lê (miền Tam Nông, Phú Thọ).
Ni sư xuất gia tu Phật, làm đệ tử của Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) nối pháp từ đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Bà là người tu hành đắc đạo, tài đức vang dội, công đức sánh ngang với hàng Tăng chúng, xứng danh là vị Tổ Sư Ni tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam.
Đây là dịp để Phân ban Ni giới Trung ương, hàng Ni giới, nữ Phật tử noi gương và kế thừa tư tưởng của Ni sư Diệu Nhân và chư vị tiền bối Ni trong sự nghiệp tu tập, hoằng dương chính pháp.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Việc một vị sư được nối dõi dòng thiền đã là vô cùng quý, và ở Việt Nam chỉ duy nhất Ni sư Diệu Nhân là nữ giới được trao truyền Tâm ấn, nối dõi dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đây là một hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt những giá trị phi vật thể mà Ni sư Diệu Nhân để lại mang ý nghĩa rất lớn về tư tưởng Phật học, về triết lý nhân sinh”.
Đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học về Ni sư Diệu Nhân sẽ có Lễ dâng hương tại chùa Hương Hải vào ngày 25/10 ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội (nơi Ni sư Diệu Nhân tu hành, viên tịch); Hội thảo khoa học tại Hội trường lớn Bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam và thắp nến tri ân tại Quảng trường Viên Quang vào ngày 26/10; Đại lễ tưởng niệm vào ngày 27/10 tại Hội trường lớn Bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội…
Theo BTC Đại lễ và hội thảo là sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được tổ chức thành kính, trang nghiêm, long trọng, an toàn và tiết kiệm. Dự kiến có hơn 3.000 người tham gia Đại lễ.
Hà Tùng Long