Nghệ An:
Cựu chiến binh tiên phong trồng hoa trên đất nhiễm mặn
(Dân trí) - Chúng tôi về đội 4 thôn Hồng Phong, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thăm vườn hoa của ông Trần Ngọc Vinh (77 tuổi) hội viên hội sinh vật cảnh Quỳnh Lưu vào một ngày áp Tết Nguyên Đán. 2 vạn cây hoa cúc các loại tại đây đang trong thời kỳ cho nụ.
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Lão nông Trần Ngọc Vinh đã có thời vào sinh ra tử. Ông nhập ngũ ngày 21 tháng 5 năm 1958 tại Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam. Học Sĩ quan Hậu cần từ năm 1959 tốt nghiệp năm 1961, ông về làm giáo viên giảng dạy tại Trường Sĩ quan Hậu cần.
Năm 1965, ông Vinh đi B vào miền Nam tham gia đánh giặc Mỹ tại đơn vị E66F304 quân đoàn 2, cấp bậc thượng úy, chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Đến tháng 4 năm 1972 thì bị thương tại thành phố Đông Hà - Quảng Trị nên phải chuyển ra Bắc điều trị.
Tháng 9 năm 1972, ông vào học ngành rau - hoa - quả tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, tốt nghiệp năm 1976. Sau đó, ông được điều về làm giám đốc Nông trường cây ăn quả Nghệ An tại huyện Nghĩa Đàn từ năm 1978 đến năm 2000.
Ở đời, về hưu thường là lúc con người ta nghỉ ngơi hưởng an nhàn, nhưng ông Vinh đã cùng với vợ là bà Vũ Thị Huấn bắt tay vào việc làm giàu trên chính mảnh đất vườn cằn cỗi vẻn vẹn 250m2. Theo ông Vinh, những năm 80 của thế kỷ trước vùng đất này bị nhiễm mặn rất nặng. Riêng mảnh vườn của ông xưa kia chính là chân ruộng muối. Nếu bây giờ đào sâu xuống đất vườn cỡ 50cm sẽ gặp một lớp bùn đất với cơ man nào là vỏ sò, vỏ điệp...
“Việc cải tạo đất hồi đó gặp rất nhiều khó khăn, chồng thì công tác xa nhà, con thì còn nhỏ, tôi là giáo viên trường làng, vừa đi dạy lại phải tự tay làm lấy mọi việc. Trước tiên là dùng nước ngọt để rửa mặn rồi sau đó mới bồi đất trồng màu như lạc, đậu, rau các loại... Nhưng thấy rau màu hiệu quả kinh tế thấp, chúng tôi đã chuyển sang trồng cây ăn quả và sau này là trồng hoa”, bà Huấn tâm sự.
Hơn chục năm trở lại đây, cứ vào khoảng giữa năm, ông Vinh lại lặn lội vào tận Đà Lạt rồi ra cả Hà Nội tìm đặt các loại giống hoa. Cây con sau đó sẽ được tập kết về tại nhà ông. Từ đây các giống hoa sẽ được phân phối cho nông dân trong và ngoài huyện.
“Mùa hoa năm nay, tôi đặt mua ở Đà Lạt và Hà Nội 100 vạn cây hoa cúc các loại, phân phối cho Diễn Châu, Yên Thành, TP.Vinh, Nghi Lộc, Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu mỗi huyện 10 vạn cây con, riêng Nghĩa Đàn là 20 vạn cây”, ông Vinh cho biết.
Mảnh vườn nhỏ của gia đình ông, những năm đầu thử nghiệm mô hình chỉ có một vài loài cúc và hoa thúy. Gần đây vườn nhà ông còn có thêm nhiều loài hoa đẹp như lay ơn, ly, đồng tiền, thạch thảo, cẩm chướng... nhưng cúc vẫn là loài hoa chủ đạo, đều đặn mỗi năm trồng hai vụ.
Tết năm nay vườn hoa ông Vinh trồng 14 loại cúc cho ra 14 sắc màu khác nhau với 2 vạn cây cùng với 1200 gốc ly và 1000 gốc lay ơn. “Trồng hoa không khó nhưng muốn hoa nở vào dịp Tết như ý định lại là cả một vấn đề, chỉ có bắt tay vào làm thì mới rút được kinh nghiệm”, ông chia sẻ.
Không chỉ trồng hoa, ông còn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trồng các loại rau ăn, quả cao cấp. Năm 2012, ông đưa giống ớt xào Hà Lan đặt mua từ Đà Lạt về tự nhân giống và trồng thử nghiệm thành công.
Ông Vinh cho biết: “Trung bình mỗi cây ớt cho 3kg quả, mỗi kg ớt giá bán tại vườn là 30.000 đồng. Với 500 cây ớt xào, vụ xuân hè vừa qua tôi đã thu về 45 triệu đồng, còn vụ đông này do diện tích đất hạn chế nên tôi chỉ trồng được 200 cây ớt xào đang trong thời kỳ sinh trưởng và bán kịp Tết”.
Cũng theo ông Vinh, ớt xào trồng vụ đông rất sai quả, trung bình mỗi cây có thể cho tới 5kg quả, giá bán sỉ tại vườn không đổi. Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng loại ớt này rất hiếm giống, vụ đông năm 2014 ông chỉ ươm được 2000 cây ớt con phân phối cho các hộ có nhu cầu.
Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, với diện tích 250m2 đất vườn, cây trồng chủ đạo là cúc các loại và ớt xào hai vụ/năm đã mang lại thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Vinh. Thành công của mô hình này còn tạo ra sức hút đối với nông dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Người thầy của nông dân
Ngay sau khi về hưu, từ năm 2001 ông được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An nhiều lần mời về giảng dạy kỹ thuật trồng hoa, rau, cây ăn quả cho nông dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Nam Đàn, thành phố Vinh...
Năm 2008 ông cũng được Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh mời về giảng dạy và hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa cho nông dân. “Chăm hoa cũng như chăm con mọn vậy không thể lơ là được, một sai sót nhỏ về kỹ thuật là hỏng cả mẻ hoa”, ông luôn căn dặn các học viên của mình như vậy.
Bà Trần Thị Đức đội 4 thôn Hồng Phong cho biết: “Trồng hoa đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên mới đầu làm cũng vất vả lắm, nhưng cũng may nhà tui ở gần bên nên cứ thấy khó chỗ mô thì chạy sang hỏi ông, thấy ông làm như răng thì bắt chước làm theo như rứa”.
Vậy là mảnh vườn khô cằn sỏi đá chưa đầy 500m2, từ chỗ trồng rau hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng hoa từ năm 2007, đã mang về cho gia đình bà thu nhập trung bình 40 triệu đồng mỗi vụ. Những hộ nông dân ở xa không có điều kiện như bà Đức, mỗi khi gặp khó khăn về giống, kỹ thuật hay vật tư... đều gọi điện nhờ ông tư vấn.
Chị Trần Thị Hường (con gái ông Vinh) cũng đã nối nghiệp cha mình trồng hoa từ năm 2000, mỗi năm mang về thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng. Để phục vụ cho thị trường Tết năm nay, chị Hường mạnh dạn đầu tư trồng tới 9 vạn hoa cúc các loại phủ kín cả 4 sào đất vườn.
“Loại đất nào có thể trồng rau thì trồng được hoa. Chỉ tính riêng thôn Hồng Phong (An Hòa - Quỳnh Lưu) năm 1998 diện tích trồng hoa chỉ có mảnh vườn nhỏ trên 200m2 của tôi, nay đã có gần 20 hộ trồng với diện tích xấp xỉ 10.000 m2”, ông Vinh tâm sự.
Thu hoạch hoa vào thời điểm áp Tết hàng năm là dịp mà ông Trần Ngọc Vinh và bà con thôn Hồng Phong chờ đợi nhất, bởi họ sẽ được gặt hái thành quả sau bao ngày lao động vất vả. Những chiếc xe lam, xe tải, xe máy từ các đại lý trên địa bàn Nghệ An nườm nượp về mua hoa.
Vừa dẫn chúng tôi đi một vòng thăm vườn, ông Vinh vừa tâm sự: “Năm nay người trồng hoa chúng tôi gặp nhiều thuận lợi do trời nắng ấm hơn mọi năm, cây hoa sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh...”.
Lòng đầy hứng khởi, lão nông Trần Ngọc Vinh khoe mấy câu thơ mới sáng tác: “Sáng dậy ngắm chùm hoa nhỏ/Chiều về thơ thẩn tỉa cành chơi/Làm bạn với hoa cùng cây cảnh/Mà vui mà sướng cả cuộc đời”.
Ở cái tuổi 77, có lẽ ít ai được mạnh khỏe, yêu đời và ý chí làm giàu như ông. Ông nói: “Duyên cơ với rau, hoa, quả và người nông dân đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống!”.
Nguyễn Hòe - Nguyễn Duy