Cuộc sống thường ngày qua ống kính của người khuyết tật

(Dân trí) - “Sắc màu hòa nhập” là triển lãm trưng bày 150 bức ảnh qua 30 ống kính của những tác giả khuyết tật. Triển lãm do Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) tổ chức hướng ứng 18 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) và 100 năm Quốc khánh Phần Lan.

Chiều ngày 13/4, tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt- Hà Nội), triển lãm “Sắc màu hòa nhập” nằm trong khuôn khổ dự án: “Thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật Việt Nam” đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo các tác giả và người yêu nhiếp ảnh với 150 bức ảnh là 150 lát cắt cuộc sống thường ngày. Đằng sau mỗi bức ảnh là mỗi số phận, mỗi câu chuyện nhưng đầy tình yêu, khát vọng sống và ý chí vươn lên hòa nhập.

Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Phát biểu trong triển lãm, đại sứ Phần Lan Ilkka-Pekka Similä chia sẻ: “Tất cả mọi người đều có quyền có được một môi trường trong lành, nền giáo dục tốt, đảm bảo an ninh, kinh tế, sinh kế và cơ hội để tạo sự thay đổi. Các chính phủ có nghĩa vụ phải xây dựng một xã hội không có rào cản, một xã hội mà tất cả mọi người đều có quyền được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục,… Phát triển và hòa nhập với môi trường cho phép đàn ông, đàn bà, trẻ em được hòa nhập một cách toàn diện vào xã hội. Ưu tiên của chúng tôi cũng là đảm bảo tiếng nói của người khuyết tật được lắng nghe, tất cả mọi người có thể có quyền được hưởng các quyền lợi”.

Đại diện tác giả Hà Đức Sinh chia sẻ: Tôi rất vui trước những tình cảm, sự nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật như chúng tôi. Tôi biết rằng những tác phẩm của chúng tôi chưa thể gọi là tác phẩm tốt nhưng đó là cả một sự cố gắng. Tôi đã hiểu ra một điều: Không có gì là không thể, chỉ cần bạn có cơ hội. Và chúng tôi rất cần cơ hội”.
Đại diện tác giả Hà Đức Sinh chia sẻ: "Tôi rất vui trước những tình cảm, sự nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật như chúng tôi. Tôi biết rằng những tác phẩm của chúng tôi chưa thể gọi là tác phẩm tốt nhưng đó là cả một sự cố gắng. Tôi đã hiểu ra một điều: Không có gì là không thể, chỉ cần bạn có cơ hội. Và chúng tôi rất cần cơ hội”.

Bà Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển hòa nhập- IDEA phát biểu: “Sắc màu hòa nhập là triển lãm được chọn 150 bức từ hơn 1500 bức ảnh do tác giả là những người khuyết tật. Chúng tôi mong thông qua hoạt động này, sẽ nâng cao sự nhìn nhận về người khuyết tật dựa trên quyền cơ bản của họ, đảm bảo tính độc lập, tự trọng của họ. Từ đó, giảm các hành vi phân biệt, ứng xử cũng như nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật”.

Một bức ảnh chụp cuộc sống thường ngày của tác giả khuyết tật
Một bức ảnh chụp cuộc sống thường ngày của tác giả khuyết tật

Người xem tranh gửi tới những lời nhắn nhủ tới các tác giả và triển lãm
Người xem tranh gửi tới những lời nhắn nhủ tới các tác giả và triển lãm

Nhiếp ảnh gia Bùi Đăng Thanh- người trực tiếp hướng dẫn những học viên phát biểu: “Các học viên đã nhận ra năng lực trong bản thân mình bằng sự tự tin; bằng chiếc máy ảnh, họ đã dần xóa bỏ mặc cảm để tự tin, hòa nhập cùng cộng đồng. Nhiếp ảnh với người khuyết tật là con đường đến với cộng đồng gần nhất”.

Chị Phạm Thị Hoa (Thái Nguyên) đang giới thiệu 1 trong số 17 bức ảnh chị chụp tại triển lãm.
Chị Phạm Thị Hoa (Thái Nguyên) đang giới thiệu 1 trong số 17 bức ảnh chị chụp tại triển lãm.

Đến với triển lãm, công chúng cùng những người đam mê nhiếp ảnh sẽ được gặp trực tiếp “Mỗi cuộc đời là một tiểu thuyết”, họ là những người khuyết tật đam mê nhiếp ảnh, không ngừng vươn lên và khát khao hòa nhập cộng đồng.

Triển lãm còn kéo dài đến hết ngày 23/4/2017.

Ngân Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm