Cuộc sống chật chội giữa lòng phố cổ Hà thành: Lay lắt đến bao giờ!

(Dân trí) - Phố cổ vốn được nhớ đến như “linh hồn” của Thủ đô. Nhưng ít ai ngờ rằng, ở nơi đó vẫn còn những câu chuyện đáng buồn khi nhiều gia đình hàng ngày phải khổ sở, thậm chí chui rúc trong căn nhà vỏn vẹn chưa đầy chục mét vuông.

Vất vả trăm bề cuộc sống mưu sinh


Khu sinh hoạt chung của các gia đình trong ngõ 4 Hàng Gà.

Khu sinh hoạt chung của các gia đình trong ngõ 4 Hàng Gà.

Nằm sâu trong ngõ 4 Hàng Gà, cả 5 người trong gia đình anh Hải Anh hàng ngày cùng sinh hoạt trong căn hộ 13m2.

Nhà có một căn gác xép nhỏ, để vài vật dụng linh tinh. Căn gác xép ấy thấp đến mức chỉ có bò lên chứ không thể ngồi hay khom lưng được. Vậy mà nơi ấy lại chính là phòng tân hôn của vợ chồng anh. “Hồi vợ tôi có thai, cô ấy vẫn phải ở trên gác xép vì dưới này không có chỗ ngủ, cứ bò lên bò xuống cái cầu thang dựng đứng nhỏ tí teo này”, anh Hải Anh nhớ lại.

Các hộ gia đình trong ngõ số 4 Hàng Gà có khu bếp và nhà vệ sinh trong sân chung. Theo lời anh, việc sinh hoạt chung rồi có xích mích với nhau là điều không thể tránh khỏi. “Cái cần thiết và quan trọng nhất là mọi người phải biết nhìn nhau mà sống, bao năm rồi vẫn vậy.”

Gia đình anh Hải Anh có 5 người. Ban ngày, anh gửi các con học bán trú hoặc cho chúng về nhà ông bà. Chỉ đến tối muộn, gia đình anh mới quây quần đông đủ. “Cả đời mưu sinh ở đây quen rồi, giờ chuyển đi nơi khác cũng chả biết làm nghề gì. Mình lại không trình độ, không bằng cấp, chính vì thế nên 2 vợ chồng bảo nhau cứ phải cố bám lấy căn nhà ở phố cổ này.”, anh Hải Anh chia sẻ.


Toàn bộ căn nhà 13m2 của anh Hải Anh.

Toàn bộ căn nhà 13m2 của anh Hải Anh.

Cách đó không xa, ngõ 47 Hàng Đường cũng là một trong những con ngõ có nhiều căn nhà nhỏ hẹp, là nơi che nắng, che mưa của bao phận đời vất vả. Ngõ chạy dài hàng trăm mét, tạo thành “địa đạo” lắt léo. Nằm trong cùng của con ngõ là nơi ở của cụ Nguyễn Thị Mùi (76 tuổi).

Lối lên nhà cụ nằm sát khu vệ sinh chung nên nặng mùi khá khó chịu. Trèo hết những bậc cầu thang cao ngất, căn nhà rộng 12m2 của cụ dần hiện ra. Đây là nơi ở của cụ Mùi và gia đình người con trai. Nhà cao chưa đến 1m70, tối tăm và không có đồ đạc gì giá trị.

Cụ kể về cuộc sống mà mắt rưng rưng: “Các con đi làm còn phải nuôi con chúng nó, tôi sống dựa vào hàng nước chè ở đầu ngõ. Những tưởng thế là có đồng ra đồng vào, nhưng nhiều hôm bị công an phường đuổi, mất cả vốn lẫn lời. Ở đã khó khăn, tiền thì không có, không biết còn lay lắt đến bao giờ…”


Ngõ 47 Hàng Đường.

Ngõ 47 Hàng Đường.

Đứng lặng nghe câu chuyện của người hàng xóm già, đến lúc này, một người sống cùng ngõ cụ Mùi mới cất lời: “Cùng là người lao động, chúng tôi chỉ biết thương lấy nhau. Nhiều khi muốn đỡ đần cụ, nhưng thú thực là cũng chẳng có ai khá giả.”

Chú chia sẻ, một tháng chú được trả lương 1.500.000 đồng, tháng nào cũng so đo, thiếu trước hụt sau. Các nhà trong ngõ 47 Hàng Đường được xây sát nhau đến nỗi không có không gian đặt bếp chung. “Đến bữa là buộc phải ăn cơm bụi. Một hộp cơm 25.000 đồng, 1 tháng riêng ăn cũng đã mất cả triệu đồng. Rồi còn tiền điện, tiền nước,…. Cứ thế này làm sao tôi dám mơ đến một ngôi nhà khang trang hơn…”

Những niềm an ủi riêng…

Nhà ông Nguyễn Minh Cường (20 Hàng Bè) có diện tích 10m2 nhưng có đến… 9 người ở. Vợ ông, bà Nga cho biết: “Bữa cơm là lúc mọi người đông đủ nhất. Phải chia làm 2 ca ăn, trẻ con ăn trước, người lớn ăn sau, hôm nào có cỗ thì cho một mâm ra ngoài ngõ ngồi.”


Nơi sinh hoạt rộng 10m2 của nhà ông Nguyễn Minh Cường (20 Hàng Bè).

Nơi sinh hoạt rộng 10m2 của nhà ông Nguyễn Minh Cường (20 Hàng Bè).

Nhà ông Cường có một chiếc cầu thang di động đặc biệt dẫn lên gác xép,

Căn nhà 10m2 của vợ chồng ông Cường nhìn khá gọn gàng, ngăn nắp: “Chúng tôi cảm thấy thoải mái khi sống ở đây. Nhà chật thì mình có cách bày trí dành cho nhà chật. Chỉ cần dọn dẹp, để lại những đồ thực sự cần thiết. Nhà này mà có cái giường kiêm ghế sô-fa thì còn gọn hơn nữa.”

Vừa rót chén trà ấm nóng, ông Cường vừa tâm sự: “Nhà tuy chật chội, nhưng sống giữa phố cổ cũng có niềm an ủi riêng. Mình không có điều kiện, không thể ước có nhà rộng, xe sang, chỉ mong cuộc sống được bình yên. Buổi sáng đi vài bước chân là đến Bờ Hồ tập thể dục, hàng xóm thân cận, hay đỡ đần nhau, con cháu có dịp là về sum vầy. Thế cũng là một cuộc sống đầy đủ đấy chứ.”

Lời tâm sự của ông Cường có lẽ cũng là lời nói vui vẻ, lạc quan nhất, là chút niềm an ủi dành cho bao phận đời đang phải chịu cảnh sống chật chột, nhọc nhằn giữa lòng phố cổ.

Hoàng Ngọc