Cuộc sống an yên "trồng rau, nuôi gà" của cô gái Sài Gòn bỏ phố về quê
(Dân trí) - Sau gần bốn năm chạy trốn ồn ào của phố thị, Dương Khánh Huyền (28 tuổi, TP.HCM) quyết định "bỏ phố về rừng".
Trước đây, Khánh Huyền từng có công việc ổn định với mức lương cao mà bao người mơ ước, những năm tháng nơi phố thị, Huyền làm cật lực để rồi đối mặt với stress và trách nhiệm cuộc sống.
Đến một ngày Huyền cảm thấy mệt mỏi với môi trường công sở, với bàn phím máy tính và nhất là cuộc sống ồn ào của phố thị nên đã quyết định từ bỏ thành phố, tạm xa hết các mối quan hệ để đến Đà Lạt bắt đầu hành trình mới hồi năm 2018.
Nhớ lại khoảng thời gian trước khi gắn bó với vùng đất mờ sương, Khánh Huyền nói, bản thân cô từng là dân văn phòng, nhưng không làm việc 8 tiếng mà làm tận 12 -14 tiếng do Huyền làm hai công việc khác nhau.
Ban đầu cô nghĩ bản thân còn trẻ, có cơ hội thì cống hiến hết mình và bỗng nhiên cô gái trẻ biến mình thành cái máy, chỉ biết vùi đầu vào công việc.
"Mình tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, hàng ngày công việc gắn liền với máy tính, với bốn bức tường của công sở. Có thời gian mình bị stress nặng, không còn tha thiết với công việc nên đã dành một tuần đi vài nơi để giải tỏa căng thẳng và mình tìm đến Đà Lạt.
Sau chuyến đi, mình đã "phải lòng" mảnh đất mờ sương bởi, khí hậu mát mẻ, trong lành và con người thân thiện. Và thế là mình quyết định rời bỏ công việc tại Sài Gòn đến Đà Lạt sống", Khánh Huyền cho hay.
Ngày rời thành phố, Huyền bỏ lại hết giấc mộng hoa lệ nơi Sài thành. Trở về phố núi, cuộc sống của cô gái trẻ tưởng chừng như sẽ khó vượt qua sự buồn chán, nhưng với Huyền điều đó không phải là khó khăn mà chính là động lực để cô quyết định "bỏ phố về rừng", mang theo mong ước về một ngôi nhà vườn nhỏ hòa mình giữa thiên nhiên.
Với số tiền tiết kiệm được sau nhiều năm đi làm, Huyền đến Đà Lạt và dừng chân tại ngôi nhà nhỏ mà bạn trai đã dựng sẵn từ lâu để đón bạn bè, gia đình có dịp ghé chơi.
Nhìn thấy tiềm năng xây dựng mô hình homestay, Huyền cùng bạn trai bắt tay gây dựng lại, sửa sang ngôi nhà nhỏ để đưa vào kinh doanh. Tay ngang về vườn, cô nàng bắt đầu với công việc trồng trọt, thu hoạch như một người nông dân.
Huyền tin rằng, khoảng thời gian này, sẽ giúp bản thân xếp lại mạch suy nghĩ, tìm được bản ngã của mình. Vì vậy, cô gái 9x không ngại khó, ngại khổ xắn tay vào công việc lao động chân tay.
Với Huyền khi mới lên Đà Lạt, khái niệm kinh doanh du lịch, cũng như dịch vụ lưu trú, homestay hay farmstay thật mơ hồ, thế nên, cô dành vài tháng đầu tự trải nghiệm cuộc sống.
Sau khi khảo sát hoạt động du lịch và dựa trên những trải nghiệm đã có của bản thân, Khánh Huyền tự mày mò, tìm hiểu thêm ở các trang booking, cách quản lý fanpage, hay các hội nhóm du lịch lữ hành để tích lũy thêm kinh nghiệm cho mình.
Nguồn thu từ homestay đầu tiên không có nhiều, đất vẫn là đất thuê, nên mọi chi tiêu đều rất tiết kiệm. Toàn tâm toàn ý với nơi chốn mới, Huyền tự tay đảm nhiệm mọi công việc để duy trì hoạt động homestay. Khi rảnh Huyền làm đồ handmade trang trí từ len, dây thừng, giấy nhún, chai lọ, hay vẽ tranh decor trong phòng.
"Có thời điểm tiền tích cóp không còn, mình nhận trang trí quán, bán ý tưởng, quản lý page, theo công trình đi làm quán xá khắp Đà Lạt từ sáng sớm đến tối mịt. Cho tới khi áp lực về tiền bạc đổ dồn buộc mình và bạn trai phải nghĩ cách vực dậy và phát triển nó", Khánh Huyền nói.
Thay vì cặm cụi bên máy tính như trước, giờ đây Huyền phải làm quen với việc thức khuya dậy sớm đón khách, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho họ mỗi khi ghé nhà.
"Từ một nhân viên văn phòng, quần áo xúng xính, mình cũng phải làm quen với việc cuốc đất, làm cỏ, trồng rau, hay tất cả mọi việc từ trang trí phòng, dọn dẹp, đón khách...
Nếu không học cách tự làm, việc gì cũng thuê người thì sẽ "thu không đủ chi", nên mình chỉ dám thuê hai người phụ, dù homestay của chúng mình khá lớn", Khánh Huyền cho biết.
Sau tất cả những gian nan ban đầu thì đây là lúc Huyền được sống những ngày thật vui và ý nghĩa.
Kể từ khi quyết định về rừng cũng gần bốn năm, Huyền dần quen và yêu mến không gian tĩnh lặng, yên bình của nơi đây. Mặc dù, việc tự kinh doanh homestay vất vả hơn nhiều, nhưng đổi lại cô nàng có được niềm vui từ du khách, không bị áp lực, hay gò bó thời gian.
Không chỉ cung cấp dịch vụ ăn uống thoải mái cho du khách, Huyền còn cố gắng xây dựng căn nhà gỗ của mình thật gần gũi để mỗi vị khách đến đây đều cảm nhận được không khí bình yên của phố núi.
Khi công việc đã ổn định, Khánh Huyền và bạn trai quyết định kết hôn. Hiện vợ chồng cô đang sở hữu 5 cơ sở kinh doanh và 2 công ty bao gồm homestay, quán cà phê và phim trường.
"Thời gian trước, homestay của mình luôn thu hút nhiều đoàn khách lui tới. Hầu hết họ đều luyến tiếc khi rời đi vì cuộc sống nơi đây bình yên, giản dị giúp họ vơi đi lo âu, buông bỏ gánh nặng kinh tế.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát buộc homestay, quán cà phê của mình phải đóng cửa. Không có khách du lịch nên việc kinh doanh cũng gần như tê liệt. Mình phải lấy chi phí kinh doanh các mảng khác để bù vào ngành dịch vụ, du lịch. Nếu không có nhiều mảng kinh doanh khác nhau thì khó lòng trụ vững.
Bỏ phố về rừng không chỉ có mộng mơ. Mình vẫn đang tiếp tục học thêm ngoại ngữ, marketing và quản trị kinh doanh… để phát triển bản thân, cũng như mô hình kinh doanh du lịch của mình", Khánh Huyền bày tỏ.