Cuộc đời phủ đầy thăng trầm của nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent

(Dân trí) - Cuộc đời của Yves Saint Laurent - một trong những nhà thiết kế thời trang danh tiếng nhất thế giới, trải đầy thăng trầm, khi là đỉnh cao của sự thăng hoa trong nghệ thuật nhưng cũng có chuỗi ngày "ngập" trong bóng tối với các loại chất kích thích và căn bệnh trầm cảm.

Yves Saint Laurent (tên đầy đủ Yves Henri Donat Mathieu Saint Laurent) sinh năm 1936 tại Oran - lgerie, là con trai của giám đốc một công ty bảo hiểm, trong một gia đình quý tộc người Pháp. Thủa nhỏ, Yves Saint Laurent đã có năng khiếu hội họa, nhưng không được gia đình khuyến khích để theo đuổi ngành thiết kế.

Phải đến khi 17 tuổi, ông tham gia vào một cuộc thi thiết kế trong chuyến thăm gia đình bên ngoại. Ban giám khảo cuộc thi gồm những tên tuổi lớn của làng may mặc thời bấy giờ là Balmain, Givenchy và Balenciaga. Và Yves đoạt giải nhất. Bố ông nhận ra tài thiết kế của đứa con trai, đồng ý cho con ghi tên vào trường thiết kế của ngành kỹ nghệ may mặc với điều kiện Yves phải đỗ bằng tú tài.

Cuộc đời phủ đầy thăng trầm của nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent - 1

Sau khi ra trường, Yves Saint Laurent đến Paris lập nghiệp với “vốn liếng” là giải nhất cuộc thi International Wool Secretariat với thiết kế là chiếc váy cocktail vào năm 1954. Tài thiết kế của Yves Saint Laurent lọt vào mắt của Michel de Brunhoff, nguyên là giám đốc của Vogue, tạp chí thời trang nổi tiếng hàng đầu thời bấy giờ. Ông đã giới thiệu tài năng mới này với người bạn là nhà tạo mốt lừng danh Christian Dior nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ bộ sưu tập thời trang New Look.

Năm 1955, Dior mời Yves Saint Laurent về thực tập và hai năm sau bổ nhiệm ông vào vị trí trợ lý. Yves Saint Laurent đã có một bước khởi đầu đầy ngoạn mục với cương vị giám đốc nghệ thuật. Bộ sưu tập haute couture (thời trang cao cấp) đầu tiên cho nhà Dior đã khẳng định được tài năng thiên bẩm trong các mẫu thiết kế tinh tế đến từng chi tiết của ông.

Năm 1957, Christian Dior bất ngờ qua đời sau cơn đột quỵ tim. Ở tuổi 21 tuổi, Yves thừa hưởng một di sản đồ sộ nhưng đồng thời là một gánh nặng rất lớn. Ông vùi đầu vào công việc, tự nhốt mình vào trong một căn phòng, vẽ đến 800 bức phác họa khác nhau cho một bộ sưu tập. Trong ba năm liền, ông là người duy nhất thực hiện 6 bộ sưu tập thời trang cho Dior, 3 bộ xuân hạ, 3 bộ thu đông. Đỉnh cao chỉ trong vòng một đêm thức trắng, Saint Laurent đã phác thảo 1000 mẫu, và sau đó chọn ra tâm điểm cho buổi ra mắt bộ sưu tập đầu tiên dưới nhà Dior vào tháng 1 năm 1958.

Năm 1960, Yves Saint Laurent bị gọi nhập ngũ theo quy định của Pháp. Tuy nhiên, thời gian phục vụ trong quân đội của ông rất ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 20 ngày, do chứng trầm cảm phải điều trị tại bệnh viện tâm thần.


Yves Saint Laurent và người tình đồng tính Pierre Bergé.

Yves Saint Laurent và người tình đồng tính Pierre Bergé.

Chán nản tuyệt vọng, Yves Saint Laurent không còn muốn làm việc trong ngành thời trang. Nhưng Pierre Bergé, nhà thiết kế tài năng, người tình đồng tính của Yves, đã thuyết phục ông điều ngược lại: đây là cơ hội để cho Yves Saint Laurent thoát khỏi tầm ảnh hưởng của bậc đàn anh, không còn phải nấp mình dưới bóng cây đại thụ. Pierre Bergé đã thuyết phục nhà tỷ phú người Mỹ J.Marck Robinson tài trợ cho bộ sưu tập thời trang haute couture đầu tiên gắn nhãn hiệu YSL, chữ viết tắt của Yves Saint Laurent. Với sự hỗ trợ của nhà tỷ phú, chỉ mười năm sau khi tung ra thị trường, thương hiệu này đã đuổi kịp Dior về cả hai mặt: doanh thu lẫn uy tín.

Sau khi hồi phục và được sự hỗ trợ tài chính cũng như tinh thần, các cửa hàng boutique của YSL Rive Gauche dành cho nữ giới được thành lập vào năm 1966, tiếp theo đó là các boutique dành cho nam giới vào những năm 70 được mở tại những địa điểm sang trọng nhất Paris.


Bộ sưu tập Le Smoking thể hiện tinh thần nổi loạn của nữ giới.

Bộ sưu tập "Le Smoking" thể hiện tinh thần nổi loạn của nữ giới.

Thập niên 60 cũng là những năm tháng rực rỡ nhất trong sự nghiệp của nhà tạo mốt danh giá. Những tiêu chuẩn mới của thế giới thời trang được YSL thiết lập. Bộ sưu tập “Le Smoking” phát đi tinh thần nổi loạn của nữ giới tạo nên những cơn sao chép rộng khắp ở cả Pháp và Mỹ. Không ai khác ngoài tài năng của Yves đã sáng tạo ra chiếc váy hình thang có tên gọi trapeze được tán dương bởi giới phê bình, khi nó giải phóng người phụ nữ khỏi hình dáng bó sát cơ thể bằng bộ váy xoè rộng chít eo - thiết kế New Look đặc trưng của Dior, mà vẫn thanh nhã, sang trọng. Cuộc cách mạng về nữ quyền cũng được thể hiện qua việc YSL phá cách bộ trang phục tuxedo vốn dành cho các quý ông để khoác lên mình phái đẹp.

Ngoài việc vực dậy dòng thời trang cao cấp haute couture đang đứng trước sự suy thoái, ông còn mang đến những BST thuộc dòng thời trang “ready to wear” hoàn thiện tiêu biểu là chiếc đầm suôn nằm trong BST “Riant Monde” năm 1966 với những đường kẻ đen và ô vuông màu nổi bật được lấy cảm hứng từ những bức tranh trừu tượng của họa sĩ Piet Mondrian. Ông còn khẳng định tên tuổi của mình qua một loạt những trang phục mang tính chất cải cách phong cách ăn mặc cho nữ giới như những chiếc váy trong suốt xuyên thấu (1966 ), áo jacket (1962) , jumsuit (1968) …

Mỗi giai đoạn đột phá trong sự nghiệp của YSL thường gắn với các “nàng thơ” là những người mẫu có phong cách nổi bật, mang vẻ đẹp được đề cao của mỗi thời. Đó là “nàng thơ” thời kỳ đầu Victoire Doutreleau có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt góc cạnh, hay cô nàng nổi loạn gắn bó lâu dài nhất với YSL là Loulou de la Falaise.

Từ năm 1962 trở đi, Yves Saint Laurent thành công rực rỡ trong bốn thập niên liền. Ngay từ năm 1966, tạp chí Harper Bazaar đã trao tặng cho Yves Saint Laurent danh hiệu nhà tạo mốt xuất sắc nhất làng thời trang quốc tế. Năm 1982, Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ trao tặng cho ông giải nhất, nhân sinh nhật 20 năm ngày thương hiệu Yves Saint Laurent ra đời. Một năm sau vào năm 1983, Yves Saint Laurent là nhà thiết kế đầu tiên có tác phẩm trưng bày tại một viện bảo tàng, trong lúc ông còn sống. Sau Viện Bảo tàng Metropolitan ở New York, cuộc triển lãm này lần lượt được tổ chức ở Sydney, Bắc Kinh, Matxcơva, Tokyo để rồi kết thúc tại Paris vào năm 1986.


Ngoài thời trang, YSL còn nổi tiếng bởi các dòng mỹ phẩm cao cấp.

Ngoài thời trang, YSL còn nổi tiếng bởi các dòng mỹ phẩm cao cấp.

Yves Saint Laurent cũng dễ bị ảnh hưởng lôi kéo. Ông sa ngã vào rượu chè ma túy, ăn chơi trác táng, ông nghiện cả hai lọai thuốc kích thích và an thần với hệ quả là khi thuốc hết tác dụng ông lại lâm vào chứng trầm cảm kinh niên vì áp lực công việc. Trên đỉnh cao thành công, vầng hào quang của tiền tài và danh vọng lại càng thu hút nhiều kẻ ăn bám.

Cuộc đời của Yves không thể không nhắc tới Pierre Bergé, người bạn cũng là người tình đồng tính của ông từ năm 1957 đến năm 1976, tức khi họ gặp nhau cho đến khi hai người chia tay. Ông Pierre Bergé nổi tiếng cứng đầu và có tính nóng cho nên quan hệ của họ lại càng nhiều phong ba sóng gió. Sau gần 20 năm sống chung, Pierre Bergé đã quyết định dọn ra ở riêng nhưng vẫn tiếp tục điều hành công ty, làm việc chung với Yves Saint Laurent cho đến khi nhà thiết kế tuyên bố giải nghệ vào năm 2002.

Yves Saint Laurent từ trần vào năm 2008 vì bệnh ung thư não, hưởng thọ 71 tuổi. Sự ra đi của ông đã khép lại một trang đời thăng trầm vĩ đại, bỏ lại sau lưng những hỉ nộ ái ố tầm thường của cuộc đời sóng gió. Nhưng những giá trị đỉnh cao của nghệ thuật, của tinh thần, của đam mê và khát khao sáng tạo thì còn mãi.

Yves Saint Laurent trở thành một trong hai nhà thiết kế thời trang quan trọng nhất của thế kỷ 20, đã thay đổi cuộc sống của phụ nữ trên toàn thế giới cũng như vực dậy dòng thời trang cao cấp mang tên Haute Couture.

Khôi Linh