Cuộc đời chìm nổi của nữ “thuyền trưởng” Bệnh viện quốc tế Bumrungrad tại Việt Nam

Gặp doanh nhân Nguyễn Thanh Phương trong hiện tại, ít ai nghĩ rằng chị từng là giáo viên mầm non, dạy thể dục… và có những năm tháng tuổi thơ chật vật với cuộc sống mưu sinh cùng mẹ. Sau nhiều nỗ lực không ngừng và những cơ duyên kỳ lạ, giờ chị đã trở thành một gương mặt sáng giá trong giới doanh nhân Hà Nội và Sài Gòn.

Tuổi thơ đắng ngắt

Trong vai trò là Trưởng đại diện cho Bệnh viện quốc tế Bumrungrad Thái Lan tại Việt Nam hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thanh Phương đã không ngừng mở rộng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo xu hướng toàn cầu hóa. Chị từng được nhận khá nhiều giải thưởng lớn từ các chương trình vinh danh doanh nhân như giải thưởng Hoa mai vàng, giải doanh nhân “Sắc – Tâm – Tài”….

Nhìn vào cuộc sống và công việc hiện tại của chị, sẽ không mấy người ngờ rằng chị từng trải qua những năm tháng đầu đời gian truân vất vả. Mẹ chị sinh ra chị trong một hoàn cảnh trớ trêu khi lỡ mang thai mà người cha lại chối bỏ.

Chị kể, khi bắt đầu nhận thức được, chị thấy mẹ ngày nào cũng tần tảo gánh rau củ bán cho các sinh viên trường Đại học Thái Nguyên. Để bán được hàng, mẹ phải đi chợ từ tờ mờ sáng… Cứ thế, gánh rau của mẹ đã nuôi chị khôn lớn. Chị kể: “Dù mẹ tôi vất vả như thế, mẹ cũng không có điều kiện để học hành nhưng mẹ đã luôn động viên để tôi cố gắng học hành vươn lên. Mẹ thường bảo: “Đời mẹ không học hành đã vất vả rồi, con phải cố gắng để sau này cuộc sống bớt khổ”. Nghe lời mẹ, tôi cũng gắng học cũng hy vọng sẽ thay đổi được cuộc đời và làm được một điều gì đó giúp mẹ”.

Chị Nguyễn Thanh Phương chụp ảnh lưu niệm với biểu tượng Flame of Peace tại Vienna, Áo cùng: Công chúa Herta Margarete Habsburg - Lothringen - Chủ tịch Hiệp hội Flame of Peace; Hoàng tử Sandor Habsburg - Lothringen - Phó Chủ tịch Hiệp hội Flame of Peace; Nhà thiết kế thời trang Patrick Phạm - Patrick Phạm Création
Chị Nguyễn Thanh Phương chụp ảnh lưu niệm với biểu tượng "Flame of Peace" tại Vienna, Áo cùng: Công chúa Herta Margarete Habsburg - Lothringen - Chủ tịch Hiệp hội "Flame of Peace"; Hoàng tử Sandor Habsburg - Lothringen - Phó Chủ tịch Hiệp hội "Flame of Peace"; Nhà thiết kế thời trang Patrick Phạm - Patrick Phạm Création

Nói về những năm tháng ấy, chị vẫn không nguôi những nỗi tủi hờn. Chị tâm sự: “Tôi lớn lên trên sự bội bạc và trưởng thành trong sự hy sinh. Định nghĩa “cha” trong tôi không tồn tại. Có thể người ngoài sẽ nghĩ tôi thiệt thòi, sẽ thương xót vì tôi thiếu điểm tựa nhưng tôi nói tôi ổn, và tôi sống để chứng minh sự thất bại của mẹ tôi trong hôn nhân không có nghĩa bà sẽ thất bại trong việc giáo dục con cái hay bản thân đứa trẻ sẽ thất bại khi bước vào đời. Trải nghiệm không cha 42 năm. Tôi muốn chia sẻ những cảm nhận chân thật này cho các bạn, cảm nhận từ một người con, để mọi người có thể hiểu thêm đôi chút về con đường mình sẽ đi sắp tới. Đừng quá lo sợ vì con người được sinh ra trong hoàn cảnh nào rồi cũng sẽ thích nghi được cả. Quan trọng là định hướng và giáo dục. Là môi trường học tập và sinh sống. Điều đó sẽ tạo nên tính cách, tương lai của những đứa trẻ. Một cuộc đời không cha có thể sẽ gai góc hơn, cay đắng hơn nhưng bù lại sẽ độc lập và bản lĩnh hơn. Nếu đứa bé không có một người cha tốt vậy hãy cố gắng trở thành một người mẹ tốt và nuôi dạy con mình thật tốt. Rồi khó khăn nào cũng sẽ đi qua, không bằng cách này thì cách khác. Hạnh phúc bình yên sẽ quay trở lại”.

Tuổi thơ sống trong cay đắng nhưng có lẽ đúng như chị nói, điều quan trọng không phải là sinh ra ở hoàn cảnh nào mà đó chính là sự giáo dục của người nuôi dưỡng thì mọi thứ đều sẽ ổn thỏa. Từ tình yêu của người mẹ, từ những ngang trái của cuộc đời dường như đã khiến Nguyễn Thanh Phương luôn cố gắng học hành và trở thành một doanh nhân vững vàng sau này.

Nguyễn Thanh Phương - Tổng Giám Đốc Công Ty TNHH WHS, Trưởng Đại diện BV Bumrungrad Thái Lan tại Việt Nam.
Nguyễn Thanh Phương - Tổng Giám Đốc Công Ty TNHH WHS, Trưởng Đại diện BV Bumrungrad Thái Lan tại Việt Nam.

Bước ngoặt cuộc đời

Chị Phương kể, khi còn học phổ thông, chị học rất giỏi các môn Hóa – Sinh. Dự kiến thi vào ngành y nhưng mẹ chị lại lo học y quá dài, 7 năm sau khi ra trường chẳng biết con gái có lấy được chồng nữa không. Vậy là chị quyết định thi vào Đại học Thể dục thể thao… Và khi ra trường, chị Phương bắt đầu bằng việc đi dạy học mẫu giáo… Sau đó chị chuyển qua dạy ở các câu lạc bộ thể thao… và dường như đó cũng chính là cơ duyên để chị lại gắn bó với công tác y tế sau này.

Chị Phương tâm sự về những ngày mới ra trường, còn đang loay hoay đủ thứ với việc mưu sinh: “Trong những ngày tháng đó, tôi dạy gym và tình cờ gặp gỡ, kết thân với một phụ nữ Úc làm chuyên gia tại bệnh viện Việt-Pháp, người sau này trở thành mẹ nuôi tôi. Chính bà là người định hướng, tạo điều kiện cho tôi đi học, giới thiệu tôi đến ngành y tế. Bà từng là Y tá trưởng, quản lý điều dưỡng, cố vấn chuyên môn cho những bệnh viện quốc tế hàng đầu. Năm 2002, bà bị bệnh ung thư và chuyển sang Thái Lan chữa bệnh tại Bệnh viện Brumrungrad International, nằm trong top 10 bệnh viện thế giới. Trong thời gian ở bệnh viện chăm sóc bà bị bệnh, tôi cũng tranh thủ tìm hiểu, học hỏi thêm về hệ thống bệnh viện tiên tiến này. Dù không có nền tảng chuyên môn về y khoa nhưng với những kiến thức đã tích lũy từ trước và một khát khao học hỏi rất tự nhiên, tôi dần dần nắm được những kiến thức của ngành quản lý y tế. Khi bệnh tình mẹ nuôi có những biến chuyển tốt cũng là lúc tôi được đề nghị làm việc tại bệnh viện này.”

Chân dung chị Nguyễn Thanh Phương
Chân dung chị Nguyễn Thanh Phương

Chia sẻ về chuyện từ một cô giáo dạy thể dục, bỗng rẽ ngang sang một công việc hoàn toàn mới, chị Phương không giấu diếm: “Ở vị trí mới tôi phải làm nhiều công việc trước nay chưa từng được đào tạo như lên kế hoạch Marketing, tổ chức đưa bác sỹ sang tập huấn, thực hiện các thủ tục pháp lý pháp nhân. Đây là những công việc thuộc về công tác tổ chức y tế, vừa cần một lượng kiến thức lớn và khả năng thích nghi cao để xứng đáng công tác trong một cơ sở y tế đầu ngành. Ban đầu, nó đặt tôi trước yêu cầu bắt buộc phải học thêm và sau đó là thúc đẩy tôi luôn sẵn sàng với những điều mới mẻ. Rồi những chuyến đi dài ngày theo mẹ nuôi và gia đình đến nhiều quốc gia khác như Úc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Bangladesh, Hàn Quốc, Hồng Kông… được học hỏi các nền y tế khác nhau, tôi tích lũy hành trang cho mình để hôm nay cũng mang được một số điều hạnh phúc đến cho một số người. Điều đó đem lại cho tôi niềm hạnh phúc từ trái tim. Điều khiến tôi buồn nhất là có những người tuy có thu nhập cao nhưng không quan tâm đúng mức đến sức khỏe, cứ làm việc điên cuồng, thậm chí bỏ qua những dấu hiệu sớm của bệnh với tâm niệm rồi “cứ đến lúc đấy hẵng hay”. Tôi muốn nói với những người đang lao động cực nhọc rằng: các anh chị là vốn quý của xã hội, hãy chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Trở thành gương mặt đại diện của “Flame of Peace” tại Việt Nam

Trong quá trình hoạt động ở lĩnh vực y tế, Nguyễn Thanh Phương đã được tiếp cận với Hiệp hội “Flame of Peace” và sau một thời gian gắn bó, chị đã được Hiệp hội công nhận là thành viên chính thức.

Hiệp hội “Ngọn lửa hòa bình - Flame of Peace” là một hiệp hội phi chính trị, phi lợi nhuận nhằm tôn vinh những cá nhân có những nỗ lực đáng kể trong việc thúc đẩy hòa bình. Hiệp hội “Ngọn lửa hòa bình - Flame of Peace” là một biểu tượng cho hòa bình toàn cầu, nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh của mình đối với việc gìn giữ hòa bình trong tư tưởng, lời nói và hành động - Herta Margarete Habsburg - Lothringen.

Quyết định bổ nhiệm chị Nguyễn Thanh Phương là Đại diện của Hiệp hội Flame of Peace tại Việt Nam.
Quyết định bổ nhiệm chị Nguyễn Thanh Phương là Đại diện của Hiệp hội "Flame of Peace" tại Việt Nam.

Trên thực tế, sứ mệnh này đã được trao cho H. José de Bouza Serrano - Cựu Đại sứ Bồ Đào Nha, sau đó đến Vương quốc Hà Lan và H.E. Ông Ben Bot, Chủ tịch Quỹ Carnegie tại Cung điện Hòa bình ở The Hague – thành phố Quốc tế về hòa bình và công lý.

Herta Margarete Habsburg - Lothringen, một nữ doanh nhân thành đạt và là người đưa ra sáng kiến thành lập tổ chức vào năm 2000 và sau đó đã phát triển thành hiệp hội các nhà hoạt động vì hòa bình ở hơn 70 quốc gia như hiện nay. Trong chiếc váy thêu tinh tế, trang nhã và lộng lẫy theo phong cách Hoàng gia Áo, bà Herta đã tuyên bố về nhận thức toàn cầu: “Suy nghĩ, lời nói và hành động theo tinh thần hòa bình”.

Trở thành đại diện cho Hiệp hội “Flame of Peace” tại Việt Nam là niềm vinh hạnh và tự hào của chị Phương. Chị cho biết, trong thời gian tới, chị sẽ tăng cường thêm các hoạt động hướng đến việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, kết nối công tác khám chữa bệnh với các chuyên gia quốc tế. Chị Phương cho rằng, với cá nhân mình, để hướng đến một xã hội hòa bình, văn minh thì công tác chăm sóc sức khỏe luôn đóng vai trò hàng đầu.

Nam Phong