DMagazine

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại "độc cô cầu bại" võ Việt ở đèo An Khê

(Dân trí) - Với tài năng tiếng tăm trong giới võ thuật, võ sư Phi Long từng một thời từng được nhiều người đẹp "gửi phận". Tuổi xế chiều,"rồng đen"- biệt danh của võ sư - sống cô đơn nơi miền sơn cước.

Với tài năng tiếng tăm trong giới võ thuật, sư Phi Long từng một thời được nhiều người đẹp "trao thân, gửi phận" nhưng tuổi xế chiều, "rồng đen"- biệt danh của võ sư - sống cô đơn nơi miền sơn cước.

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại độc cô cầu bại võ Việt ở đèo An Khê - 1

Năm nay 88 tuổi, võ sư Phi Long đã có hơn 30 năm sống gần như ẩn dật, tập trung nghiên cứu tinh hoa võ thuật trong ngôi nhà nơi ông chọn sinh sống đến cuối đời ngay trên đỉnh đèo An Khê, nằm giữa Bình Định và Gia Lai.

Võ sư Phi Long (tên thật Trần Quốc Phi Long) là con thứ 3 trong 7 người con của võ sư Trần Sỹ Nghĩa ở đất võ Tây Sơn, Bình Định.

Tinh thông võ thuật từ thuở bé với tài năng nổi trội, cuộc đời ông đến nay vẫn chưa từng một lần nếm mùi thất bại trong các cuộc tỉ thí. Bởi lẽ đó, giới võ thuật xưng danh võ sư Phi Long là "độc cô cầu bại", "rồng đen".

Tài năng võ thuật bẩm sinh nhưng con đường học võ của ông trắc trở từ thưở thiếu thời.

Mang trong mình dòng máu của người học võ, từ khi 6 tuổi, Phi Long đắm chìm trong các chiêu thức và gần như đã học hết những thế cơ bản trong võ thuật cổ truyền từ cha.

Năm 10 tuổi, ông theo một người bác học tinh hoa võ thuật. Thế nhưng, trong một buổi luyện võ bên dòng sông Côn (Bình Định), cả người thầy và 36 đồng môn của võ sư Phi Long đều bị sét đánh chết.

Lớp học chỉ còn mỗi ông bởi hôm đó ông không đi học. Sự kiện tang thương chấn động đất võ vẫn còn ám ảnh ông đến tận bây giờ.

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại độc cô cầu bại võ Việt ở đèo An Khê - 3

Không còn thầy, không còn bạn học, cậu bé 10 tuổi ngày đêm lủi thủi, ít nói. Nhưng dòng máu con nhà võ vẫn chảy âm ỉ trong ông. Thương con và nhận định tài năng nổi trội của con, võ sư Trần Sỹ Nghĩa lặn lội tìm thầy cho Phi Long.

Phi Long sau đó được võ sư Trần Thái Sơn (ở huyện Hoài Ân, Bình Định) nhận làm học trò. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì sư phụ của ông ngã ốm. Ông lại được cha cho học võ sư Trịnh Thiếu Anh. Con đường học võ của Phi Long tiếp tục trắc trở bởi chiến tranh, thầy trò loạn lạc.

 "Cha thấy tôi không có duyên nên không cho tôi đi học võ nữa. Tôi đã cầu xin cha nhiều lần nhưng không được vì cha sợ tôi đam mê quá, sẽ gây ra nhiều điều xấu. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi tình yêu võ thuật", ông Phi Long nói.

Bị người cha của mình ngăn cản, ông Phi Long trốn nhà và xuống xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) để tìm tới võ sư Huỳnh Liễu xin bái sư học võ cổ truyền của người Bình Định. 

Theo ông Phi Long, võ sư Huỳnh Liễu - thời bấy giờ rất tiếng tăm khi thắng nhiều đối thủ người Pháp - là một người ông biết ơn nhất. Sư phụ đã truyền dạy cho ông hiểu rõ từng chiêu thức, cặn kẽ từ lý thuyết đến thực hành về võ học, võ y. 

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại độc cô cầu bại võ Việt ở đèo An Khê - 5

Sau khi học ở chỗ võ sư Huỳnh Liễu, ông Phi Long được đưa đi thi đấu một số đấu trường trong tỉnh và khu vực miền Trung & Tây nguyên. Khi được sư phụ cho thi đấu, ông Long càng hăng say tập luyện, ngày đêm không mệt mỏi.

Trận đấu đầu tiên trong đời của ông là ở huyện Tuy Phước (Bình Định) với ông Nguyễn Thành Công (hiện định cư ở Mỹ). Trận đó, ông Long có kết quả hòa nhưng không vì thế mà ông nản chí. Ngày ngày, ông vẫn rèn luyện võ thuật mà sư phụ truyền dạy. 

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại độc cô cầu bại võ Việt ở đèo An Khê - 7

Năm 1967, võ sư Huỳnh Liễu hướng dẫn học trò cùng con trai Huỳnh Thảo mở võ đường, lấy tên Phi Long Thảo. Từ võ đường này, Phi Long đi thi đấu ở các võ đài lớn và bắt đầu nổi danh "độc cô cầu bại", bơi ông chỉ thắng hoặc hòa, chưa một lần thất trận trước đối phương.

Cũng nhờ tiếng tăm ấy mà người cha - võ sư Trần Đại Nghĩa - mới biết người con trai trốn nhà đi tìm thầy học võ năm ấy giờ đã thành danh.

Từ Nam Trung Bộ, võ sư Phi Long tiếp tục tiến thân ở các võ đường miền Nam, tham gia nhiều giải đấu ở võ đường của thần tượng của ông lúc bấy giờ là nhà vô địch quyền anh Việt Nam - võ sư Trần Minh Cảnh.

Năm 1969, Phi Long được võ sư Huỳnh Liễu cho phép xuất sư và trở về quê hương đất võ Sơn Tây, Bình Định mở võ đường riêng mang tên Phi Long. Võ đường của ông dần nổi tiếng và được các đồ đệ ở cả trong và ngoài nước tới bái sư.

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại độc cô cầu bại võ Việt ở đèo An Khê - 9

Năm 1970, Phi Long tìm đến vùng đất An Khê (Gia Lai) để thi đấu với võ sư Lưu Lễ nổi tiếng ở đây. Tận dụng thế mạnh của mình là luôn nghiên cứu trúng khuyết điểm của đối phương, Phi Long thắng trận. Đến năm 1971, võ sư Lưu Lễ tìm Phi Long thách đấu, nhưng lại nhanh chóng bại trận chỉ trong 1 hiệp đấu.

Biệt danh "rồng đen" của võ sư Phi Long có từ sau trận đấu thắng võ sư Lam Chinh, người Campuchia, tại nhà hát Hoa Mộc Lan (tỉnh Kon Tum).

"Ở trận đánh này, tôi vận dụng đòn đạp hậu là sở trường của mình để hạ gục đối thủ sau khi đã tấn công dồn dập", võ sư nhớ lại một trong những cuộc tỉ thí mà ông ấn tượng nhất trong những năm 1970 và gắn tên mình với biệt danh "rồng đen" từ đó.

Trong những trận tỉ thí sau này, có những đối thủ không trong sáng, không giữ tinh thần thượng võ đã đánh lén ông đến mức ông bị gãy chân, ông vẫn không bại trận. Tuy nhiên di chứng về sau khiến ông tưởng chừng có lúc phải rời bỏ võ đường khi bác sĩ đề nghị phải tháo khớp chân. Thế nhưng ông vẫn kiên cường bền bỉ điều trị và trở về truyền lửa đam mê võ thuật cổ truyền cho các môn đệ ở võ đường Phi Long.

"Nguyên tắc dạy võ của tôi là các học trò phải được trang bị thật vững cái gốc của võ cổ truyền, tránh tình trạng "tam sao thất bản". Tôi dạy rất khó, học trò nào ngang thì trị ngay, nhưng dần rồi họ sẽ hiểu và biết ơn tôi", võ sư Phi Long nói về cách ông truyền dạy võ thuật.

Theo võ sư Phi Long, ông tham gia tổng cộng 87 trận đấu, trong đó có 68 trận thắng, còn lại 19 trận hòa. Vào năm 1975, ông được mời làm Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tây Sơn (Bình Định). 

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại độc cô cầu bại võ Việt ở đèo An Khê - 11

Đến năm 1980, Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Nghĩa Bình (nay đã tách 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi) mời ông về làm huấn luyện viên bộ môn đối kháng của đội tuyển võ thuật cổ truyền của tỉnh. Đồng thời, phụ trách huấn luyện võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). 

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại độc cô cầu bại võ Việt ở đèo An Khê - 13

Tài năng, nổi danh khắp các võ đường với biệt danh "rồng đen", "độc cô cầu bại", võ sư Phi Long còn có tiếng hào hoa khi rất nhiều người đẹp có duyên với ông. Ông có đến 12 đời vợ và 6 người con. Nhưng con đường tình duyên của ông cũng trắc trở.

Người vợ cuối cùng là bà Trần Thị Cần, "rất đẹp người đẹp tính", võ sư Phi Long nói, đã nguyện rời nhà ở thị tứ Đồng Phó (Tây Sơn, Bình Định) đến đèo An Khê (Gia Lai), theo ông sống cuộc đời ẩn dật, vui thú điền viên.

Nhưng rồi, mối duyên cuối đời cũng lận đận. Từ năm 2009, bà Cần trở về Đồng Phó sinh sống, võ sư Phi Long sống một mình trong căn nhà rộng mênh mông trên đỉnh đèo An Khê.

Cuộc đời ẩn dật của huyền thoại độc cô cầu bại võ Việt ở đèo An Khê - 15

Niềm say mê vĩnh cửu với ông là võ thuật, như dòng máu chảy trong người ông từ lúc sinh ra trong nhà võ ở đất Tây Sơn, Bình Định, cho dù qua bao nhiêu "thác ghềnh" của cuộc đời vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Ông chuyên tâm nghiên cứu tinh hoa võ thuật và võ y.

Suốt một đời theo nghiệp võ thuật, võ sư Phi Long tâm đắc rằng, người học võ đến độ tinh hoa sẽ biết "lấy nhu thắng cương" mới là tài tình, lấy mạnh áp đảo yếu để thắng thế là bình thường và tinh thông võ y là để cứu người

Nội dung: Phạm Hoàng - Nay Săt

Thiết kế: Tuấn Huy