"Cuộc chiến" đường về quê: Ăn bánh mì, uống nước lọc vạ vật nửa ngày trời
(Dân trí) - Ông Thành kể, trên xe ồn ào, phụ nữ thì nôn ọe vì say xe, trẻ con thì khóc mếu, người thì liên tục đòi xuống đi vệ sinh. Đường tắc, xe chạy chậm, nhiều người đói chỉ biết chia nhau từng mẩu bánh mì.
Ngao ngán tắc đường, ngồi 5-6 tiếng trên ô tô
Sáng nay 29/4, chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) dậy từ 5h để chuẩn bị cho hành trình về quê nghỉ lễ. Gia đình 4 người ăn vội bữa sáng rồi lên xe khi đồng hồ chỉ 6h đúng.
Chị Phương cứ ngỡ dậy sớm sẽ tránh được tắc đường nhưng khi vừa tới vành đai ba trên cao đoạn Nguyễn Xiển, chị thấy xe đã kẹt cứng.
"Xe gần như đứng im một chỗ ở Nguyễn Xiển khoảng 1 tiếng đồng hồ. Tôi cũng xác định đường ngày lễ sẽ tắc nhưng không ngờ tắc ngay từ đầu và tắc sớm như vậy", chị Phương nói.
Hai vợ chồng chị Phương cập nhật tình hình giao thông qua radio, kiểm tra Google maps. Cuối cùng, vì cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liên tục "báo đỏ", không thể di chuyển, chồng chị Phương lái xe thẳng lên cầu Thanh Trì, di chuyển theo cao tốc Hà Nội Hải Phòng, sau đó đi qua Khoái Châu (Hưng Yên) về cầu Hưng Hà (Thái Bình).
Thông thường, chị Phương chỉ mất 1 tiếng 45 phút từ Hà Nội về thành phố Thái Bình nhưng sáng nay chị phải ngồi trên xe gần 5 tiếng.
"Cảm giác như đi đến đâu cũng tắc đường vì mọi người đổ về quê quá đông. Không chỉ ở Hà Nội, về đến Hưng Yên đoạn Khoái Châu, chúng tôi cũng chôn chân một chỗ suốt 40 phút.
Trên đường, chồng tôi không dám di chuyển nhanh vì khoảng cách các xe rất gần nhau, chỉ cần có chút sai sót là sẽ không đảm bảo an toàn. Nhà tôi mất gần 5 tiếng di chuyển nhưng dù sao vẫn còn may, nhiều gia đình còn phải đi lâu hơn nữa", chị Phương nói.
Rời nhà riêng ở quận Hoàng Mai từ lúc 9h nhưng đến 11h30, anh Vũ Ngọc Chinh mới về đến gần nút giao Liêm Tuyền (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ).
Anh Chinh sốt ruột cho biết: "Thông thường, tôi đi từ Hà Nội về quê chỉ mất 2 tiếng đồng hồ nhưng hôm nay gần 3 tiếng vẫn chưa đi hết cao tốc. Đường liên tục ùn tắc cục bộ, nhiều đoạn chỉ đi được tốc độ 10-15km/h. Đặc biệt, đoạn lối ra Liêm Tuyền về Thái Bình, Nam Định ùn dài 2-3km, các xe chỉ đi được tốc độ 5-7km/h".
Đường tắc, trời lại mưa nên anh Chinh luôn phải chú ý quan sát. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng có ý thức như anh. Nhiều người vẫn tìm mọi cách lấn làn, chen ngang khi thấy một khoảng trống trên đường. Các xe khách thì luôn tìm cách vượt hoặc đi vào làn khẩn cấp. "Lái xe ngày lễ vì thế vô cùng căng thẳng và cần sự tập trung", anh Chinh chia sẻ.
Đang ngao ngán với cảnh tắc đường, anh Chinh lại phát hiện phía trước xảy ra một vụ va chạm giữa hai xe con. Người đàn ông thở dài không biết khi nào mới về đến nhà.
"Lường trước được hành trình mệt mỏi này, gia đình tôi đã chuẩn bị một chút bánh ngọt, hoa quả và nước uống. Đó sẽ là bữa trưa tạm của gia đình. Khả năng, phải đến đầu giờ chiều chúng tôi mới về đến nhà", anh Chinh nói.
Chuyến xe bão táp
Biết rằng năm nào về quê ngày lễ cũng như một cuộc chiến trên đường nên vợ chồng chị Hà Thị Thu (quê Phú Thọ) quyết định rời Hà Nội từ tối 28/4.
8h tối cả nhà chị lên xe riêng, di chuyển theo hướng Phạm Văn Đồng qua cầu Thăng Long. Tuy nhiên, họ mất 3 tiếng mới ra Hà Nội vì tình trạng xe cộ như nêm.
"Đến 1h đêm chúng tôi mới về đến nhà. Bình thường chúng tôi chỉ mất 2 tiếng đi xe nhưng hôm qua mất tới 6 tiếng đồng hồ. Đúng là một hành trình ám ảnh", chị Thu chia sẻ với Dân trí.
Ngày thường, chị Thu không bị say xe nhưng hôm qua, vì ô tô chỉ có thể nhích từng chút một trên đường, liên tục dừng lại nên chị luôn cảm thấy đau đầu, nôn nao và mệt mỏi.
Ông Phạm Văn Thành (70 tuổi, quê Nam Định) cũng trải qua một chuyến xe bão táp ngày lễ. Bảy giờ tối 28/4, ông lên chiếc xe khách ở điểm đón thuộc quận Hai Bà Trưng. Xe 39 chỗ nhưng nhét đến 60 người.
Ông Thành nói: "Bình thường người già còn được ưu tiên chứ ngày lễ thì cũng bị nhồi nhét, ngồi chen chúc đến ngộp thở. Trên xe ồn ào, người thì nôn ọe vì say xe, trẻ con thì khóc mếu, người thì liên tục đòi xuống đi vệ sinh.
Xe chạy chậm, không thể về nhà như dự kiến nên nhiều người chỉ biết chia nhau từng mẩu bánh mì. Tính ra có người nhịn đói nửa ngày trên xe".
Quê ở Thanh Hóa, Nguyễn Phúc biết chắc sẽ gặp tình trạng nhồi nhét trên xe khách ngày lễ nên quyết định cùng em trai đi xe máy về quê.
Tuy nhiên, họ cũng không tránh khỏi cảnh "đi đến đâu cũng tắc". Đứng giữa trời mưa, Phúc tranh thủ viết lên mạng dòng cảnh báo: "Mình khuyên thật, ai chưa ra về thì quay xe vẫn còn kịp".
Chia sẻ về hành trình của mình, Phúc cho hay: "Tôi xuất phát ở Hà Nội lúc 6h nhưng 10h mới tới Cầu Giẽ, Phú Xuyên. Đoạn đường này chỉ hơn 40km.
Đoạn quốc lộ 1A cũ rất đông người đi xe máy, lại cộng thêm ô tô tránh đường cao tốc cũng chen vào khiến con đường gần như tê liệt".
Thời tiết mưa lớn khiến cho hành trình về quê của anh em Phúc càng thêm vất vả. Sau khi "thoát khỏi" Hà Nội, họ mới thảnh thơi tay lái hơn một chút. Cả hai dự kiến sẽ về đến nhà lúc 1-2h chiều, kết lúc hành trình 7 tiếng trên xe máy.
Dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay trùng với ngày Giỗ tổ Hùng Vương nên người dân được nghỉ lễ khá dài. Vì vậy, ai cũng mong muốn về quê thăm gia đình hoặc đi du lịch. Điều này khiến lưu lượng giao thông gia tăng đột biến.
Đa số gia đình dù biết đường tắc nhưng không còn lựa chọn nào khác vẫn ra về vì mong muốn có nhiều thời gian bên người thân nhất. Họ chấp nhận ngồi xe gấp đôi, gấp ba thời gian thông thường để về nhà.
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, tình trạng tắc đường dịp lễ năm nào cũng diễn ra. Các gia đình nên lựa chọn, tính toán hợp lý để tránh cảnh vạ vật, mệt mỏi trên xe. Như thế mới là nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Anh Trần Thành Công (Hà Đông, Hà Nội) cho biết sáng 30/4 anh mới về quê chứ không chen chân ra đường đúng ngày đông nhất. "Một là về sớm hẳn, xin nghỉ phép về trước một ngày. Hai là về muộn hẳn", anh Công nói.