Cùng người dân tỉnh Bến Tre phòng trừ sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học

Trường Thịnh

(Dân trí) - Vào đầu tháng 8 vừa qua, Hội nghị Phòng trừ sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học đã được diễn ra tại các xã có vùng nguyên liệu dừa Organic trên toàn tỉnh Bến Tre.

Sự kiện đã giới thiệu công nghệ sinh học phòng trừ sâu đầu đen hại dừa của Betrimex và SRDC, giúp bà con nông dân diệt trừ loài sinh vật ngoại lai, khôi phục lại diện tích dừa.

Sau hơn 2 năm phát hiện sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker), hơn 1.000 ha dừa ở Bến Tre bị ảnh hưởng, nhiều vườn dừa bị đốn bỏ làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như kinh tế của bà con nơi đây.

Hiểu được nỗi lo của người nông dân tỉnh Bến Tre, từ ngày 1/8 đến ngày 5/8 vừa qua với sự hỗ trợ từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Hội nghị tập huấn về sâu đầu đen đã được tổ chức tại 8 xã với sự có mặt đông đảo của bà con nông dân.

Vào sáng ngày 04/08/2022, buổi hội nghị đã tiếp tục được diễn ra tại hội trường UBND xã Minh Đức. Tại đây, mọi người được hướng dẫn sử dụng ong ký sinh mắt đỏ (Trichogramma sp) - giải pháp phòng trừ sâu sinh học của công ty Betrimex và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường TTC (SRDC).

Bên cạnh đó, tham dự hội nghị còn có sự góp mặt các ban ngành lãnh đạo thuộc tỉnh Bến Tre, cho thấy sự quan tâm tới công tác sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành dừa nói riêng.

Cùng người dân tỉnh Bến Tre phòng trừ sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học - 1

Hội nghị Phòng trừ sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học.

Cùng người dân tỉnh Bến Tre phòng trừ sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học - 2

Trao đổi với bà con phòng trừ sâu hại bằng biện pháp sinh học.

Thiên địch tự nhiên của sâu đầu đen

Với quá trình nghiên cứu thực nghiệm, công ty Betrimex và Trung tâm SRDC đã phát hiện được nhiều đặc tính cũng như vòng đời phát triển theo mùa của loài sâu bệnh đầu đen trên cây dừa. Tại buổi hội nghị, đại diện của hai đơn vị đã giải thích rõ cho người dân phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học ong ký sinh mắt đỏ cùng với đó là phương pháp canh tác, áp dụng công nghệ mới vào quá trình chăm sóc cây.

Ong mắt đỏ là giải pháp hiệu quả đối với trứng sâu mới đẻ. Loài ong này đẻ trứng vào trứng của sâu đầu đen, gây chết và tạo nên một thế hệ ong mới trong tự nhiên, góp phần giảm số lượng sâu sinh ra. Không chỉ có tác dụng trên cây dừa, ong mắt đỏ còn giúp kiểm soát sâu hại và các loại bọ dừa, sâu đục trái, sâu đục thân mía, sâu ăn lá rau, sâu ăn lúa,...

Sau quá trình thực nghiệm phương pháp sinh học bằng ong mắt đỏ, trên 54ha dừa ở xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã cho ra kết quả như mong đợi. Ông Nguyễn Minh Luân - đại diện công ty Betrimex cho biết rằng mật độ sâu bệnh, sâu hại dừa giảm đi nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn. Các vườn dừa kết hợp áp dụng phòng trừ sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học đã hoàn toàn hồi phục và phát triển mạnh.

Cùng người dân tỉnh Bến Tre phòng trừ sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học - 3

Mẫu ong mắt đỏ được giới thiệu đến bà con nông dân xã Minh Đức.

Trong 5 ngày diễn ra hội nghị tại 8 xã có vùng nguyên liệu dừa Organic tỉnh Bến Tre, có tổng cộng 5.081 túi ong mắt đỏ với khoảng 2.296.400 cho đến 2.870.500 con ong mắt đỏ được trao đến bà con.

Sắp tới, Công ty Betrimex và SRDC sẽ phối hợp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ thực hiện trên địa bàn, giúp đỡ bà con nông dân giảm thiểu tác hại của sâu đầu đen đến cây dừa canh tác. Theo kế hoạch, đợt thả ong ký sinh mắt đỏ đầu tiên tại xã Minh Đức sẽ diễn ra vào ngày 04/08/2022. Với hơn 1.788 túi ong mắt đỏ ước tính từ 715.000 cho đến 894.000 con ong mắt đỏ được thả. Với mong muốn hỗ trợ nhiều hơn cho người dân trồng dừa, địa bàn xã còn được trao tặng thêm 200 túi ong chứa khoảng 90.000 con ong mắt đỏ.

Mong rằng với sự đồng hành từ doanh nghiệp, sự đồng lòng của các hộ trồng dừa, cũng như sự ủng hộ của ban ngành lãnh đạo tỉnh Bến Tre sẽ giúp cho vườn dừa của tỉnh được phục hồi, năng suất cung cấp nguyên liệu dừa Organic ổn định, từ đó trực tiếp nâng cao kinh tế của người dân tại địa bàn tỉnh.