Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) luôn từng ngày, từng giờ kề vai sát cánh cùng ngư dân xã đảo vươn khơi bám biển, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
CBCS Đồn Biên phòng Ngọc Vừng tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng. (Ảnh do Đồn Biên phòng Ngọc Vừng cung cấp)
Đồn Biên phòng Ngọc Vừng quản lý 35km đường biển, giáp biên với 2 xã đảo Thắng Lợi và Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn). Địa bàn rộng, người dân chủ yếu làm nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, nên việc hỗ trợ người dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng. Đảng uỷ, Chỉ huy Đồn cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra. Hàng năm, Đồn Biên phòng và Hội Nông dân (HND) xã ký kết chương trình phối hợp theo từng nội dung, duy trì tốt công tác gặp gỡ, trao đổi tình hình, đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động. Có thể kể đến chương trình phối hợp trong việc vận động người dân Thắng Lợi và Ngọc Vừng thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Đơn cử là mô hình nuôi ốc đá tại xã Ngọc Vừng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Nguyễn Thị Bẩy (thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng), phấn khởi cho biết: Trước đây do không có kinh phí đóng tàu công suất lớn, nên gia đình chị chủ yếu khai thác thuỷ sản gần bờ, đời sống cũng chỉ đủ ăn. Năm 2012, được HND xã và Đồn Biên phòng Ngọc Vừng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc đá, gia đình chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Lúc đầu do nguồn vốn ít, chị chỉ nuôi 1 tạ ốc đá, nhưng chỉ sau 1 năm số lượng đã tăng gấp 5 lần. Thu nhập trung bình hàng năm từ nuôi ốc khoảng 150 triệu đồng.
Cùng với đưa các mô hình kinh tế mới vào phát triển sản xuất, các cấp HND cùng Đồn Biên phòng phối hợp tổ chức 7 lớp khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật cho 220 lượt hội viên về áp dụng KHKT; hướng dẫn cho ngư dân sử dụng các phương tiện khai thác thuỷ sản an toàn, tránh khai thác tận diệt, huỷ diệt. Qua đó, góp phần đưa số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng: Năm 2011 chỉ có 29 hộ, đến năm 2016 tăng lên 173 hộ.
Là địa bàn rộng, người dân chủ yếu khai thác nuôi trồng thuỷ sản, hoạt động chủ yếu trên biển, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, nên công tác xây dựng củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo an toàn cho ngư dân ra khơi được Đồn Biên phòng Ngọc Vừng và HND 2 xã đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm (2011-2016) Đồn và HND của 2 xã đã phối hợp tổ chức 29 buổi tuyên truyền cho 1.320 hội viên và nhân dân, giúp bà con thông hiểu về pháp luật khi làm ăn trên biển; thành lập 8 tổ hoà giải, 5 tổ tự quản ngư trường; tuần tra kiểm soát trên biển với 117 lượt người tham gia. Đồn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn đưa người và phương tiện vào bờ an toàn: Tháng 11-2013, Đồn tham gia cứu hộ lồng bè của gia đình anh Nguyễn Văn Quyền (xã Ngọc Vừng) bị ảnh hưởng của cơn bão Hải Yến; tháng 5-2016, Đồn cứu hộ kịp thời 9 tàu của ngư dân xã Thắng Lợi khi gặp giông lốc tại khu vực Cồn Răng Lược... Chính từ những nỗ lực, việc làm thiết thực, cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng ngày càng nhận được sự yêu mến, tin tưởng của người dân. Ngư dân trên địa bàn đã trở thành “tai mắt’, tích cực nắm tình hình, cung cấp cho Đồn nhiều thông tin quan trọng.
Thượng tá Phan Văn Thi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ngọc Vừng, cho biết: Thời gian tới Đồn tiếp tục tăng cường phối hợp với HND 2 xã trong việc tham gia phát triển kinh tế biển đảo, là điểm tựa vững chắc để ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển.
Theo Dương Trường
Báo Quảng Ninh