Cụ ông làm tượng vợ quá cố đặt trong nhà, hàng ngày chải tóc, khoác vai

Tuệ Minh

(Dân trí) - Mặc cho người thân phản đối, người đàn ông nghỉ hưu ở Ấn Độ vẫn chi tiền làm bức tượng vợ bằng silicon.

Ông Tapas Sandilya, sống ở Ấn Độ là một nhân viên nhà nước nghỉ hưu. Cụ ông tưởng sẽ được sống an nhàn bên vợ, thế nhưng đại dịch Covid-19 càn quét khiến vợ ông qua đời trong làn sóng dịch thứ hai hồi tháng 5/2021.

Sau khi nhiễm bệnh, bà được đưa đến bệnh viện, còn ông phải đi cách ly. Từ đó, hai vợ chồng không được gặp lại nhau.

Mãi đến khi bà trút hơi thở cuối cùng cũng không có người thân nào bên giường bệnh. Đó là nỗi đau mà ông Tapas không thể nào quên, cho dù cuộc sống đã bình thường trở lại. Với ông, mất vợ là mất đi một người tri kỷ, an ủi và động viên những năm tuổi già.

Cụ ông làm tượng vợ quá cố đặt trong nhà, hàng ngày chải tóc, khoác vai - 1

Ông Tapas vẫn thường ngồi bên bức tượng trên chiếc ghế mà 2 vợ chồng ưa thích (Ảnh: Times).

Vì vậy, ông đã chi tiền để nhờ người làm một bức tượng vợ bằng silicon có kích thước như người thật. Tổng chi phí làm bức tượng là 2,5 triệu rupee Ấn Độ (709 triệu đồng). 

Sở dĩ ông Tapas dựng bức tượng vợ bằng silicon là do nhớ đến câu chuyện giữa 2 người trong một chuyến đi cách đây nhiều năm. "Chúng tôi từng đến thăm đền Iskcon ở Mayapur 10 năm trước và chiêm ngưỡng một bức tượng như thật. Sau đó, vợ tôi nói bà ấy mong muốn có một bức tượng tương tự nếu qua đời trước tôi", ông nhớ lại.

Người đàn ông chi tiền làm tượng vợ đặt trong nhà.

Khi bức tượng được đưa về nhà, nhiều người hàng xóm chú ý và không hiểu lý do gì khiến Tapas làm như vậy. Tuy nhiên, với người đàn ông này, đơn giản là chỉ muốn thực hiện ước nguyện của người vợ quá cố.

Cụ ông làm tượng vợ quá cố đặt trong nhà, hàng ngày chải tóc, khoác vai - 2

Ông Tapas đeo lên bức tượng những món đồ trang sức mà vợ ông từng ưa thích (Ảnh: SCMP).

Thậm chí, người thân không đồng tình và lên tiếng phản đối ý tưởng làm tượng của ông Tapas. Tuy nhiên, người đàn ông này cho rằng, nếu mọi người có thể giữ hình ảnh của người thân đã khuất thì tại sao lại không thể làm một bức tượng?

Quá trình làm tượng suốt 6 tháng

Để có bức tượng như thật, ông Tapas đã dành thời gian tìm kiếm nhà điêu khắc có tay nghề và tỉ mỉ. Cuối cùng, ông chọn Subimal Das, 46 tuổi -  người đã làm ra các bức tượng bằng sáp, sợi thủy tinh, silicon đặt ở các tòa nhà công cộng và bảo tàng ở Ấn Độ. Tapas và nhà điêu khắc này phải ngồi bàn bạc, thảo luận suốt nhiều ngày để tạo ra mô hình bằng đất sét của vợ ông, sau đó chế khuôn đúc silicon.

Theo nghệ sĩ điêu khắc Subimal Das, việc làm bức tượng của vợ ông Tapas rất khó. Trong quá trình làm, Subimal Das phải cầm nhiều bức ảnh cũ của người phụ nữ quá cố để tạo ra hình ảnh 3D giúp có được nét mặt trên bức tượng giống nhất. Sau 6 tháng với nhiều nỗ lực và sự tận tâm, bức tượng hoàn tất. 

Cụ ông làm tượng vợ quá cố đặt trong nhà, hàng ngày chải tóc, khoác vai - 3

Bức tượng giúp ông Tapas vơi đi nỗi nhớ người đã sống cùng mình nhiều năm (Ảnh: Times).

"Ông ấy không thể nói nên lời, vô cùng xúc động và choáng ngợp, như thể một ước nguyện đã được thực hiện", nghệ sĩ Subimal Das tâm sự về cảm xúc của ông Tapas khi nhìn bức tượng hoàn thành.

Ông Tapas đặt thợ may một chiếc áo mới cho vợ rồi khoác lên đó tấm sari lụa mà bà từng mặc trong dịp đám cưới của con trai. Ngoài ra, người đàn ông này còn tự tay chọn các món đồ trang sức mà vợ ưa thích để đeo lên bức tượng. 

Mặc dù, vợ đã qua đời, nhưng bức tượng silicon đặt trong nhà đã cho Tapas cảm nhận bà xã như còn sống. Mỗi khi ngồi bên cạnh bức tượng trong căn nhà ở Kolkata, ông choàng tay qua vai, chải tóc, chỉnh lại bộ sari được khoác trên bức tượng.