Quảng Bình:
Cụ ông 90 tuổi leo hàng nghìn bậc đá mỗi ngày gom rác ở khu di tích
(Dân trí) - Mỗi ngày, cụ Viêng leo lên, xuống hàng nghìn bậc thang đá ở Di tích núi Thần Đinh, lặng lẽ thu gom rác vương vãi trên đường cho vào thùng để tránh ô nhiễm, đồng thời nhặt ve chai mưu sinh.
Núi Thần Đinh, nằm tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), là một địa điểm du lịch tâm linh, được công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia vào năm 2008, với gần 1.300 bậc thang đá nối dài từ chân lên đỉnh núi.
Đây là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng linh thiêng, tương truyền, du khách khi đến dâng hương, uống nước tại "Giếng Tiên" ở đỉnh núi Thần Đinh sẽ gặp nhiều may mắn, tránh được ốm đau bệnh tật, cả năm làm ăn phát đạt.
Mỗi năm, núi Thần Đinh thu hút trung bình khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương và chinh phục đỉnh núi.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực Di tích núi Thần Đinh, xã Trường Xuân cũng đã cử đoàn viên của xã hàng tuần đến thu gom rác tại các thùng dọc đường lên núi để về tập kết, chở đi xử lý.
Tuy nhiên, do ý thức của nhiều người khi đến với Di tích núi Thần Đinh còn kém, vứt rác bừa bãi dọc đường, ăn uống rồi xả rác dọc lối lên xuống gây ô nhiễm, mất mỹ quan, đặc biệt, lượng rác thải còn tăng lên vào những ngày đầu năm mới, khi người dân và du khách đổ về đông.
Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, khi đến với Di tích núi Thần Đinh, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh một cụ ông đã lớn tuổi đang chậm rãi nhặt từng vỏ bao bì kẹo bánh, khẩu trang bẩn... nằm ngổn ngang trên các bậc thang đá rồi bỏ vào thùng rác.
Qua tìm hiểu, cụ ông nói trên là Dương Viêng, năm nay 90 tuổi, trú tại thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.
Nhiều năm qua, cụ Viêng làm nghề nhặt ve chai tại núi Thần Đinh và nhiều khu vực khác trong vùng. Quá trình nhặt ve chai, vì thấy rác thải bị vứt lại nhiều nên cụ lặng lẽ thu gom cho vào thùng rác để bảo vệ môi trường nơi khu di tích của quê hương.
Theo cụ Viêng, hằng ngày đi nhặt ve chai thì cụ sẽ kiêm luôn việc nhặt rác, nhắc nhở người dân để rác vào đúng vị trí, không vứt bừa bãi gây ô nhiễm. Là một người con của xã Trường Xuân, cụ luôn muốn Di tích núi Thần Đinh sạch sẽ, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, vì vậy, cụ Viêng đã góp sức từ những việc làm nhỏ nhất.
Đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Viêng vẫn còn rất khỏe mạnh, hằng ngày cụ vẫn làm việc, kiếm sống bằng nghề ve chai chứ không muốn phụ thuộc con cháu.
"Tôi gom ve chai, trên đường có rác thải thì thu gom luôn, nếu thấy ai xả rác bừa bãi sẽ nhắc nhở họ, mỗi người góp một chút sức lực, ý thức thì sẽ không còn rác thải, không nhếch nhác ở khu vực tâm linh này", cụ Viêng chia sẻ.
Hành động của cụ Viêng nhiều năm qua không chỉ góp phần làm sạch đẹp ở khu vực Di tích núi Thần Đinh mà còn lan tỏa đến mọi người ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh di tích, danh thắng, truyền thêm cảm hứng cho các du khách quyết tâm chinh phục đỉnh Thần Đinh.
"Năm nào em cùng nhóm bạn thân cũng đến đây để chinh phục đỉnh Thần Đinh, xin nước ở Giếng Tiên. Lần nào đến đây em cũng gặp cụ, vẫn cần mẫn nhặt rác, thu lượm ve chai. Không chỉ cụ lớn tuổi vẫn leo cả nghìn bậc đá, em còn rất nể phục cụ với hành động bảo vệ môi trường của cụ.
Cụ Viêng là nguồn cảm hứng lớn, tấm gương để thế hệ trẻ như bọn em noi theo, cùng theo chân cụ nhặt rác, bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp và làm nhiều việc có ích cho xã hội" em Đoàn Công Hậu (SN 2005), một du khách chia sẻ.
Theo bà Trần Thanh Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, nhiều năm trở lại đây, chính quyền cũng đã tuyên truyền rất nhiều về việc môi trường bị ô nhiễm, đôi khi những lời hô hào "đao to, búa lớn" lại chẳng bằng một hành động nhỏ và ý thức gìn giữ từ mỗi cá nhân, đặc biệt là việc làm của cụ Viêng tại núi Thần Đinh.
Cũng theo bà Hiền, việc làm mỗi ngày của cụ Viêng đã tác động rất lớn đến ý thức của du khách, cụ cũng như là tuyên truyền viên để bảo vệ môi trường. "Góp gió thành bão", mỗi người noi gương cụ Viêng, nhặt một mẩu rác hay bỏ rác đúng vị trí tại các điểm du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng có lẽ cũng sẽ giúp môi trường bớt đi một gánh nặng. Qua đó góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp nơi di tích Quốc gia.