Cụ bà bị tố "ngày đi ăn xin, tối về ngủ biệt thự chục tỷ" ở Hà Nội nói gì?
(Dân trí) - Căn biệt thự Pháp cổ trên phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nơi bà Phượng và hai hộ gia đình khác sinh sống.
Cụ bà "vô gia cư" nói gì?
Trong phóng sự phản ánh tình trạng "tái diễn người vô gia cư giả" ở Hà Nội, phóng viên đã bí mật đi theo một cụ bà sau khi người này lấy đầy một xe quà.
Đi vòng vèo qua vài con phố, điểm đến của cụ bà là một căn nhà 3 tầng trên phố Tô Hiến Thành (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo người dân địa phương, giá trị của căn nhà này lên đến hàng chục tỷ đồng.
Mạng xã hội sau đó xuất hiện đoạn video thu hút hơn hai triệu lượt xem, nói về "hoàn cảnh khó khăn" của cụ bà được nhắc trong phóng sự trên.
Trong video, cụ bà cho biết tên Phượng, 83 tuổi, nằm ngủ dưới hiên của ngôi nhà, hàng ngày đi nhặt rác, xin cơm ăn, ai cho gì thì ăn nấy. Đoạn video khiến người dùng mạng không khỏi thương xót cho hoàn cảnh của cụ, đồng thời nghi ngờ tính chính xác nội dung của phóng sự.
Sáng 24/1, phóng viên Dân trí tìm đến căn nhà trên phố Tô Hiến Thành nơi bà Phượng sinh sống. Theo tìm hiểu, đây là căn biệt thự Pháp cổ trị giá hàng chục tỷ đồng, hiện có 3 hộ gia đình sinh sống.
Bà Phượng sống tại tầng một căn nhà, diện tích khoảng 35m2. Cửa phòng khóa kín, bên ngoài dựng hai chiếc xe đạp và vương vãi rác thải.
Người phụ nữ lớn tuổi không ở trong nhà, mà chọn ngủ ở nhà vệ sinh chung ở tầng một căn biệt thự. Lối nhỏ từ sân vào nhà vệ sinh chất đầy rác thải, chắn cả lối đi.
Bà thừa nhận căn nhà được mẹ để lại, sống một mình không có chồng con, anh em đều đã mất. Bà liên tục cho hay có hoàn cảnh khó khăn nên phải lang thang sống khắp đường phố Hà Nội và nhận đồ từ thiện.
Nhắc đến phóng sự "Tái diễn người vô gia cư giả", bà Phượng cho hay đêm đó đi nhặt ve chai trên phố, được một vài người dân phát đồ từ thiện. Những món đồ trên xe đều là ve chai hoặc rác thải.
"Tôi nhặt và thu gom ve chai bất kể ngày đêm rồi mang về nhà, chờ bán lấy tiền sống qua ngày", bà nói.
Hàng xóm khổ sở vì rác thải bốc mùi
Chị Lê Giang, một trong hai hộ gia đình sống tại biệt thự, nói nhiều năm qua sống khổ sở vì mùi rác thải từ nhà bà Phượng.
Chị cho hay cụ bà đã sử dụng sân và nhà vệ sinh chung để tập kết rác thải chất đống. Những ngày mưa ẩm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Bà ăn, ngủ và đi vệ sinh tại chỗ, khiến môi trường sống của các hộ dân bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và kêu cứu. Phường, tổ dân phố và nhân viên vệ sinh môi trường sau đó đã đến nhắc nhở, tổ chức dọn dẹp giúp bà", chị Giang cho hay.
Cách đây ba tuần, phường Lê Đại Hành tiếp tục dọn rác tại nhà bà Phượng, nhưng bị người phụ nữ phản đối. Hàng xóm từng đề xuất tài trợ 5 triệu đồng mỗi tháng để bà dừng thu gom rác, chuyển vào nhà sống.
"Bà đồng ý và ký giấy nhận tiền, nhưng hôm sau chuyện đâu rồi lại vào đó khiến chúng tôi bất lực", người hàng xóm nói.
Chị Giang và hộ dân còn lại trong căn biệt thự bày tỏ mong muốn bà Phượng không lấn chiếm không gian chung, dừng việc thu gom rác thải, trả lại môi trường sống trong lành cho mọi người.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành xác nhận, cụ bà trong video tên là Nguyễn Thị Kim Phượng (83 tuổi). Bà Phượng là người già đơn thân, có hộ khẩu thường trú tại căn nhà trên phố Tô Hiến Thành.
Theo vị lãnh đạo, bà không phải người vô gia cư mà hiện sống tại tầng một của căn nhà. Hoàn cảnh không khó khăn như các video lan truyền trên mạng xã hội.
"Bà Phượng có hộ khẩu tại tầng một của căn nhà, hàng tháng nhận trợ cấp 400.000 đồng. Bà khỏe mạnh và hoạt bát, nhưng thích đi nhặt rác, tích trữ rác đầy nhà", lãnh đạo UBND phường nói.
Theo chính quyền địa phương, do chất đầy rác trong nhà, bà Phượng thường ngủ ngoài hiên. Cách 1-2 tuần, phường và tổ dân phố đều vận động, đến dọn dẹp, thu dọn rác giúp bà.
Chính quyền cũng từng đề nghị sửa nhà, lát sàn, mua giường chiếu, ti vi, tủ quần áo… để bà dọn vào ở nhưng bà không đồng ý.
UBND phường cùng các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho bà Phượng trong những dịp lễ, Tết, tháng hành động Vì người nghèo, trợ cấp đột xuất; giao địa bàn dân cư, tổ dân phố số 2 quan tâm chăm lo đời sống của bà.
"Bà Phượng luôn có tên trong danh sách hỗ trợ. Hàng xóm xung quanh cũng quan tâm, nấu đồ ăn mang sang, nhưng bà không ăn. Mỗi buổi trưa và tối, bà lại ra đường xin đồ từ thiện", lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành cho hay.
Tháng 4/2020, bà Phượng xuất hiện trong một bài đăng về việc đi nhận gạo từ thiện, nói "phải chạy ăn từng bữa trong mùa dịch Covid-19".
UBND phường Lê Đại Hành sau đó lên tiếng đính chính, cho biết thực tế bà Phượng là một trong những trường hợp thường xuyên được chính quyền, các tổ chức đoàn thể của phường Lê Đại Hành, tổ dân phố và hàng xóm quan tâm, hỗ trợ kinh phí cùng nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.