Cụ bà 100 tuổi vẫn ngày ngày xâu kim, vá áo

Ở tuổi 100, cụ Nguyễn Thị Chếch (Thôn Hương Gia, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) vẫn khỏe mạnh. Điều đặc biệt, trí nhớ của cụ rất minh mẫn, đi lại không cần đến gậy.


Ở tuổi 100, cụ Chếch vẫn tự xâu kim, khâu vá quần áo.

Ở tuổi 100, cụ Chếch vẫn tự xâu kim, khâu vá quần áo.

Thói quen đặc biệt

Về thôn Hương Gia, hỏi đến tên tuổi cụ Chếch (SN 1915) ai nấy cũng đều biết. Cụ không chỉ được biết đến bởi tính tình vui vẻ, hay nói cười mà còn được biết đến như cuốn “biên niên sử” sống của làng.

Vừa bước vào ngõ, chúng tôi thật bất ngờ khi tận mắt chứng kiến một cụ bà đã bước sang tuổi bách niên, đang cười rất tươi khi chơi cùng với đứa chắt nội. Ông Nguyễn Hữu Lan (SN 1964, con trai út của cụ - PV) vừa rót nước mời khách vừa tâm sự: “Mẹ tôi 100 tuổi rồi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Các con, cháu, chắt mấy thế hệ cũng đông nhưng đứa nào đến cụ cũng nhận ra. Hàng ngày cụ vẫn thường đi sang nhà hàng xóm chơi. Nhà tôi sợ cụ tuổi cao, đường xa không thông thuộc nên nhiều khi giữ cụ ở nhà. Nhưng rảnh rỗi cụ lại đi khắp nơi mà chẳng bao giờ bị lạc cả”.

Thấy có khách đến nhà, cụ Chếch bảo chắt đi vào trong nhà, cụ đứng lên, quấn khăn trùm đầu rồi ra ngồi nói chuyện với chúng tôi. Ánh mắt dò xét, cụ hỏi: “Các cô là ai, đến chơi hay có việc gì thế?” Biết chúng tôi có ý định viết bài về mình, cụ cười, để lộ hàm răng trắng muốt mới bị rụng vài cái. Cụ kể: “Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn này. Những năm tháng bom rơi đạn lạc, dân ta đói khổ, thời thơ ấu gắn liền với tôi cũng là quãng thời gian bần hàn, cơ cực”.

Cụ từng trải qua hai đời chồng. Người chồng đầu tiên cùng cụ kết tóc se duyên khi cụ vừa tròn 17 tuổi. “Thời ấy dân trí còn thấp, quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn thịnh hành. Tôi sinh cho ông ấy được cô con gái. Cũng vì điều tiếng, ông ấy suy nghĩ nhiều rồi đâm ra sinh bệnh, một thời gian sau thì qua đời. Tôi một nách nuôi con thơ, khổ cực trăm bề”, cụ Chếch ngậm ngùi.

Nuôi con vất vả, được mọi người động viên, cụ Chếch đi thêm bước nữa với hi vọng có người nương tựa, phụ giúp lúc khó khăn. Cụ lấy người đàn ông cùng làng, người đã âm thầm giúp đỡ, che chở cho mẹ con cụ suốt mấy năm liền. “Chúng tôi về ở với nhau trong sự chúc phúc của mọi người. Cuộc hôn nhân lần này thực sự bình yên. Những đứa con nối tiếp nhau ra đời khỏe mạnh. Đứa út của tôi năm nay cũng hơn 50 tuổi, các cô vừa gặp đấy”, cụ Chếch kể, ánh mắt toát lên niềm hạnh phúc.

Tiếp lời cụ Chếch, ông Lan bảo: “Những người con của mẹ tôi giờ vẫn mạnh khỏe. Chị gái cả cùng mẹ khác cha với tôi năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn thường đi bộ cả chục cây số sang thăm cụ. Mẹ tôi là một trong số hiếm những cụ cao tuổi sống lâu nhất ở địa phương vẫn còn minh mẫn. Không giống người ngày xưa, là phụ nữ nhưng cụ không ăn trầu bao giờ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng hàm răng của cụ vẫn còn chắc lắm, mới chỉ rụng mấy cái thôi. Cụ vẫn thường xuyên đi chơi bên nhà hàng xóm. Chuyện xưa, tích cũ của làng, cụ nhớ như in. Đặc biệt, cụ rất thích hát thập ân, làm gì cụ cũng hát.”

Tiếp tục câu chuyện, cụ Chếch chỉ về phía chậu áo quần mới giặt xong, đang để gần nhà tắm. Cụ cho biết, dù 100 tuổi rồi nhưng chuyện giặt giũ, tắm rửa cụ chỉ làm 1 loáng là xong. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, cháu trai của cụ ngồi cạnh đó xác nhận, mọi việc sinh hoạt cá nhân nếu cảm thấy làm được là cụ đảm nhận hết. Nếu khó khăn quá cụ mới nhờ con cháu giúp sức. Tính cụ cẩn thận, làm việc gì là đâu ra đấy. Bây giờ nhiều tuổi như thế nhưng cụ chẳng có bệnh gì cả, cũng chẳng phải đi viện, uống thuốc bao giờ. “Quanh năm, dù trời nóng bức hay rét cắt thịt cắt da, mẹ tôi vẫn thích tắm nước lạnh. Nhiều lần con cháu khuyên nhưng cụ vẫn dội gáo nước lạnh ào ào. Cụ bảo tắm như thế cho khỏe người”, ông Lan cho biết.


Hàng ngày, cụ Chếch vẫn có thể quét dọn nhà cửa giúp con cháu.

Hàng ngày, cụ Chếch vẫn có thể quét dọn nhà cửa giúp con cháu.

Sở thích lạ lùng

Vất vả từ nhỏ, đến nay đã bước sang tuổi 100, nhưng cụ Chếch vẫn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, da dẻ hồng hào. Cụ nói chuyện không hề bị hụt hơi và rất rõ ràng, tuy tai và mắt cụ hơi kém. Đặc biệt, cụ Chếch vẫn có thể tự đi lại được và tự khâu vá quần áo cho mình.

Cụ Chếch sống tiết kiệm, giản dị và sạch sẽ. Mặc dù, con cháu vẫn thường xuyên mua quần áo mới cho cụ. Nhưng cụ nhất quyết không mặc mà đem đi cho. Bản thân cụ chỉ mặc quần áo cũ, cái nào sứt chỉ thì đem khâu lại rồi mặc tiếp. Chúng tôi hỏi, “Sao cụ không mặc quần áo mới, khâu vá làm gì cho vất vả?”. Cụ trả lời một cách rành rọt: “Con cháu mua cho bà nhiều lắm, toàn quần áo đẹp đấy, nhưng có dịp gì bà mới mặc, chứ giờ già rồi ai nhìn nữa, quần áo mặc lâu cũng có nhiều tình cảm. Mấy cái áo này vẫn còn tốt, chỉ tuột tý chỉ, khâu lại, vẫn có thể mặc được. Thời bà còn trẻ, có khi làm cả năm cũng chẳng mua được bộ quần áo mới để mặc, không giống như bây giờ, bọn trẻ cứ mua về, không thích là bỏ đi, bà thấy phí phạm quá”.

Trong những năm thôn Hương Gia bị địch tạm chiếm, cụ Chếch đã tham gia du kích, đào hầm nuôi giấu cán bộ ngay dưới nhà mình. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cụ Chếch vừa đi làm, chăm sóc gia đình, vừa nhiệt tình tham gia công việc của xã hội. Cụ hay tham gia hát múa, cổ vũ tinh thần cho bộ đội trong các cuộc liên hoan mừng chiến thắng.

“Ngày đó cuộc sống khó khăn, chật vật lắm. Tôi làm quần quật cả ngày lo cái ăn cái mặc. Thế nhưng bên cạnh công việc, tôi vẫn hay tham gia các đội văn nghệ của làng, của xã, hát cho bộ đội nghe, được cái tôi hát hay nên mọi người cũng thích. Tôi còn được cả giải thưởng nữa đó. Bây giờ cũng hát nhưng già rồi, giọng không còn trong như trước, chỉ hát cho mình nghe thôi chứ bọn trẻ, chúng nó không thích nghe mấy thể loại này”. Đang nói, giọng cụ bỗng chùng xuống, ánh mắt nhìn xa xăm.

Ngồi bên cạnh, ông Lan giải thích: “Mỗi lần nhắc lại chuyện ngày xưa, nhất là cái thời còn cùng mọi người tham gia văn nghệ, hát hò là cụ lại buồn như thế. Cụ bảo, bây giờ không còn ai nghe cụ hát nữa nên cụ buồn, ngày xưa vui hơn nhiều”. Đang ngồi nói chuyện, như nhớ ra chuyện gì đó, cụ Chếch đứng dậy, đi vào nhà trong, lúc ra, cụ đem theo một cái áo và hộp đựng kim chỉ. Cụ bảo: “Cái áo này của đứa chắt nội, bị sứt gấu áo, cụ đem ra khâu lại chứ áo còn mới, bỏ đi phí lắm”.

Trong khi chúng tôi còn chưa hết ngạc nhiên, cụ Chếch đưa tay bắt từng mũi kim, đều tăm tắp. Vừa khâu, cụ vừa cất giọng hát: “Xe chỉ, ấy mấy kim, em luồn kim. Tình chung rằng em may áo, gửi lên cho chàng…”. Quả thật, sau những gì được tận mắt chứng kiến, cụ Chếch khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có thể, sự vô tư, vui vẻ, tư tưởng thoải mái đã giúp cho cụ sống khỏe mạnh, minh mẫn dù ở tuổi 100.

Trải qua bao năm tháng khó khăn, đến nay, cụ Chếch đã được vui hưởng tuổi già bên con cháu. Hiện, con cháu của cụ có khoảng 130 người, bao gồm cả con, cháu, chắt, chút. “Mỗi lần lễ, Tết, nhìn thấy các con, cháu... quây quần đông đủ, hòa thuận vui vẻ là tôi vui rồi”, cụ Chếch tâm sự.

Nhìn những cử chỉ và hành động của cụ Chếch, chúng tôi có cảm giác như cụ bà đang ngồi trước mặt đã thoát khỏi các cung bậc “hỉ, nộ, ái, ố” của cuộc đời. Giờ đây, những giây phút được vui vầy bên con cháu của mình mới là những thứ cụ cần nâng niu và quan trọng nhất. Thỉnh thoảng chợt nhớ một phần ký ức đẹp của hành trình hơn trăm năm để kể lại “làm quà” cho con cháu sau này.

“Đặc sản” của nhà nghèo

Khi chúng tôi hỏi, cụ có bí quyết gì để trường thọ? Cụ Chếch xua tay bảo: “Có bí quyết gì đâu, ngày còn trẻ, đói lắm, nhà đông con, tôi toàn phải ăn cháo cà chua trừ bữa, cà chua nhà trồng được, ăn ngon hơn bây giờ nhiều. Với tôi, mấy món ăn chơi này thời đó chẳng khác nào “đặc sản”. Tôi thích hát lắm, ngày trước còn được cả giải thưởng đấy. Tính tôi vô tư, hàng xóm quý, tôi chẳng cãi nhau với ai bao giờ, già thế rồi nhưng tôi chẳng quan trọng cái chết, coi chuyện sinh, lão, bệnh, tử là chuyện bình thường mà đã là con người thì ắt sẽ phải trải qua thôi”.

Theo Gia đình & Xã hội