Con cháu không muốn nối nghiệp, nhiều người Việt ở Mỹ bỏ nghề chài lưới

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nguồn tôm cá cạn kiệt dần, lại thêm việc con cháu không muốn nối tiếp công việc vất vả, nhiều ngư dân người Mỹ gốc Việt đành từ bỏ nghề chài lưới.

Sinh kế dựa vào biển của người Việt ở Mỹ "không còn êm ả"

Khoảng 40 năm trước, ông Sau Truong chọn bang Mississippi làm nơi định cư khi đặt chân tới Mỹ. Khi đó, biển là tất cả với ông.

Dù không nói được tiếng Anh, ông vẫn cố vay mượn để mua con thuyền riêng cho mình và ra khơi. Đó là bước khởi nghiệp của người đàn ông gốc Việt ở vùng đất mới.

Tháng trước, ông lên thuyền ra khơi nhưng không bắt được con tôm nào. Những bến cảng ở Bayou Caddy, nơi ông từng dạy con trai, anh Elvis Ta, các kiến thức đi biển quanh vùng Vịnh Mexico, mùa hè năm nay lại rất yên tĩnh khi không ngư dân nào ra khơi.

Con cháu không muốn nối nghiệp, nhiều người Việt ở Mỹ bỏ nghề chài lưới - 1

Anh Elvis Ta cùng cha trên con tàu đánh bắt tôm của gia đình tại bến cảng thuộc vịnh St.Louis, bang Mississippi, Mỹ (Ảnh: Sun Herald).

"Sớm thôi, ngành công nghiệp tôm ở khu vực bờ biển vùng vịnh sẽ biến mất", anh Elvis Ta chia sẻ nhận định với tờ Sun Herald.

Cũng như ông Sau Truong, nhiều người gốc Việt định cư ở Mississippi vay tiền từ các nhà máy chế biến thủy sản để mua thuyền, đan lưới.

Suốt hàng chục năm qua, họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế thủy sản của vùng duyên hải bang. Nếu không làm ngư dân, họ làm việc trong các nhà máy chế biến hàu, chi tiêu tằn tiện cả đời.

Nhiều người trong số họ chưa bao giờ học tiếng Anh, nhưng con cái sinh trên đất Mỹ trở thành tương lai của họ ở một thế giới xa lạ. Không ít ngư dân gốc Việt thường đưa con đi cùng trong các chuyến đánh bắt.

Đó là một công việc vất vả. Những chuyến đi có thể kéo dài nhiều ngày liền. Có những đứa trẻ chỉ gặp con vài tuần trong một năm. Công việc này giúp họ nuôi sống cả gia đình.

Đến nay, sinh kế dựa vào biển không còn "êm ả" như trước.

Đó là khi thiên tai, dịch bệnh lần lượt kéo đến. Năm 2005, bão Katrina nhấn chìm những chiếc thuyền đánh cá. 5 năm sau đó, một giàn khoan phát nổ, dầu phun khắp Vịnh Mexico khiến hoạt động đánh bắt hải sản quanh khu vực buộc phải dừng lại. 

Gần đây nhất vào năm 2019, bang Louisiana mở cửa xả lũ của đập Bonnet Carre Spillway trong 123 ngày. Nước ngọt tràn ra giết chết hàu và tôm ở eo biển Mississippi.

Chính quyền bang ước tính, sự cố này khiến hơn 80% lượng tôm ở Vịnh Mexico suy giảm. Đến nay, nhiều thế hệ sau của gần 10.000 cư dân gốc Việt định cư tại vùng duyên hải Mississippi phải rời đi, từ bỏ nghề từng nuôi sống cả gia đình.

Không muốn bám trụ với truyền thống

Là con của một ngư dân nhưng anh Elvis Ta không biết cách đan lưới. Dù theo cha ra khơi từ nhỏ nhưng người đàn ông này sớm xác định không nối nghiệp. Ông Sau Truong muốn con đi học để có công việc tốt, có bảo hiểm y tế.

Con cháu không muốn nối nghiệp, nhiều người Việt ở Mỹ bỏ nghề chài lưới - 2
Nhiều người gốc Việt tại Mỹ thuộc bang Mississippi không còn mặn mà với nghề đánh bắt (Ảnh: Sun Herald).

Xung quanh Elvis Ta, không người anh em họ hàng hay bạn bè nào có ý định trở thành ngư dân như ông cha mình. Hiện anh đang làm việc tại Sở Nông nghiệp bang và làm thêm việc bán điều hòa không khí, pin năng lượng mặt trời.

"Truyền thông đang mất dần. Nghề đi biển không còn hấp dẫn vì tiền chi cho nhiên liệu còn cao hơn so với lợi nhuận kiếm được", cô Jane Nguyen, Giám đốc chi nhánh SOS - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ người Việt ở Biloxi, nhận định.  

Tháng trước, chính quyền liên bang nhận định tình trạng "thảm họa" diễn ra ở Mississippi và Louisiana, nhằm giúp các ngư dân nhận được hỗ trợ từ ngân sách chính phủ.

Trở lại với câu chuyện của ông Sau Truong, người ngư dân này dự định cuối tháng tới sẽ đưa con thuyền rỉ sét bạc màu của mình ra khơi một lần nữa để đánh bắt mẻ tôm. Ông đang lên kế hoạch nghỉ hưu sớm rồi trở về quê nhà ở Việt Nam.

"Vậy là chẳng còn ai nối nghiệp chúng tôi nữa", ông giãi bày.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm