Trao giải Nobel ngược 2008:

Coca-Cola “diệt tinh binh” hiệu quả số một!

(Dân trí) - Giải “Nobel ngược” lần thứ 18 vừa được trao vào cuối tuần qua, theo đó người Mỹ “vinh dự” được nhận tới 3 trên 10 giải thưởng danh giá dành cho các nghiên cứu khoa học nghiêm túc và… kì quái nhất.

Giải Ig Nobel Y tế năm nay được trao cho bác sĩ Dan Ariely của đại học Duke, Mỹ nhờ thành tích chứng minh thuốc giả giá cao có tác dụng tốt hơn thuốc giả giá thấp.

Ig Nobel Vật lý được dành cho giáo sư Dorian Raymer công tác tại Viện hải dương học Scripps và giáo sư Douglas Smith của đại học California với công trình toán học đầy công phu giải thích lý do dây thừng tự bị xoắn lại sau một thời gian sử dụng.

Tuy nhiên, giải thưởng đáng chú ý nhất của năm nay thuộc về tập thể các nhà khoa học Mỹ của đại học Puerto Rico, Trung tâm Sinh sản của đại học New England, đại học Y tế Boston và đại học Y tế Havard. Đội ngũ này đã dày công chứng minh rằng nước giải khát đóng chai có ga Coca-Cola là thuốc bôi trước khi quan hệ giúp diệt tinh trùng, ngừa thai cực kì hiệu quả.

Ban giám khảo cũng quyết định đồng trao giải Ig Nobel Hoá Học cho nhóm nghiên cứu của Đại học Đài Bắc, Đài Loan nhờ công trình công phu không kém phản biện lại kết luận nói trên! Tất nhiên, hãng Coca-Cola từ chối bình luận về ứng dụng đầy mới mẻ này.

Giải Ig Nobel Kinh tế được trân trọng dành cho tập thể nhà nghiên cứu đại học New Mexico, khi kết luận: chu kì rụng trứng của các vũ công thoát y biểu diễn trong hộp đêm liên quan mật thiết đến tiền boa họ nhận được.

Các giải thưởng còn lại gồm Sinh vật học, trao cho bộ ba nhà nghiên cứu của đại học quốc gia Ecole, Pháp khi khẳng định bọ chét kí sinh trên chó nhảy cao hơn bọ chét “ở nhờ” lông mèo. Ig Nobel Hoà bình dành cho Uỷ ban Đạo đức Quốc gia Thuỵ Sĩ, với công trình thuyết phục thế giới rằng ngay cả cỏ cây cũng có lòng tự trọng.

Các giải về dinh dưỡng và khoa học ứng dụng lần lượt được trao cho công trình nghiên cứu chỉ dẫn cách làm khoai tây rán có vẻ thơm ngon hơn, giáo trình chuyên sâu hướng dẫn đào tạo nấm mốc giải toán đố đầy thiết thực của các nhà khoa học Anh và Nhật bản.

Ig Nobel, hay “Nobel ngược”, là giải thưởng thường niên bắt đầu tổ chức từ năm 1991 dành cho những nghiên cứu khoa học nghiêm túc và lạ lùng, nếu không muốn nói là. .. vô tích sự nhất trong năm. Tiêu chí của giải Nobel ngược là “trước hết làm người xem cười, nhưng sau đó khiến họ phải suy nghĩ”.

Giải được trao vào tháng 10 hàng năm. Lễ trao giải được tổ chức tại Đại học Havard, Mỹ, với sự tham dự của các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel “chính hiệu”. Trái với nhiều người vẫn tưởng, hầu hết các đề cử viên Nobel ngược đều có mặt tại lễ nhận giải một cách đầy tự hào!

Hoàng Hải
Tổng hợp