Có nên thắp hương liên tục trong mấy ngày Tết?
(Dân trí) - Nhiều gia đình có thói quen thắp hương liên tục trong 3 ngày Tết, thậm chí kéo dài đến qua Rằm bởi quan niệm rằng, không gian hương khói sẽ mang lại sự linh thiêng, ấm cúng, tưởng nhớ tới gia tiên. Tuy nhiên, dưới góc nhìn văn hóa và góc nhìn phong thủy, điều này là không chính xác.
Chỉ nên thắp hương khi dâng mâm cúng lên tổ tiên
Với mong muốn gian thờ lúc nào cũng được ấm cúng, không để “hương lạnh khói tàn”, nhiều gia đình nhắc nhở con cháu phải thắp hương liên tục trong mấy ngày Tết. Có người cầu kỳ hơn còn giữ thói quen tỉnh dậy giữa đêm để châm hương khi tàn.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phong thủy Kiến trúc (Đại học Xây dựng) cho rằng, quan niệm này là không đúng. Theo chuyên gia, mọi người chỉ nên thắp hương vào thời khắc chuyển giao năm mới, khi dâng lên tổ tiên mâm cỗ tất niên hay mâm cỗ cúng.
“Thực chất, thắp hương liên tục là điều không tốt, chỉ gây phiền cho gia tiên, nhất là khi đồ cúng không có sự bổ sung, thay đổi mà vẫn giữ nguyên. Điều này đồng nghĩa với việc mời gia tiên về ăn đi ăn lại, tỏ rõ thái độ không thành tâm. Để duy trì hương khói trên bàn thờ trong những ngày lễ Tết, các gia đình có thể sử dụng hương vòng”, vị chuyên gia giải thích.
Nếu muốn đốt hương vòng, người dân nên đặt hương trong đĩa và đốt ở ngoài bát hương. “Nhiều người vẫn hay đặt thanh sắt vào giữa bát hương rồi châm hương vòng đặt lên trên. Nhưng theo góc nhìn của tâm linh học, đó là hành động “yểm bùa”, không nên lạm dụng. Tốt nhất, các gia đình hãy dùng thanh tre, thanh gỗ để thay thế và thay mới thường xuyên”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phong thủy Kiến trúc cho biết.
Khi thắp hương, gia chủ cần ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi hay có trang phục luộm thuộm. Khi khấn cần phải liền mạch, không ngắt quãng, không bỏ dở hay bị xao nhãng bởi bất cứ việc gì. Điều cần nhất là sự thành tâm, thể hiện sự tôn trọng với thần linh, tổ tiên, ông bà.
Mỗi lần nên thắp mấy nén hương?
Theo quan niệm của Phật giáo, hương là một trong sáu lễ vật dâng cúng cần thiết, gồm: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Khi thắp hương, người Việt thường chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) để dâng lên bàn thờ.
Theo lý giải của các chuyên gia, trong thuyết âm dương lưỡng hợp, số lẻ tượng trưng cho cõi dương, số chẵn tượng trưng cho cõi âm. Tùy vào mục đích lễ mà số lượng hương cũng có sự khác nhau.
“Thắp hương nhiều hay ít không quan trọng, chủ yếu là xuất phát từ cái tâm hướng Phật của con người. Các chùa hiện nay cũng khuyến khích chỉ nên thắp 1 nén nhằm tránh hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường. Việc một lúc châm cả bó hương là không cần thiết, chỉ gây khó chịu cho những người xung quanh”, chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh nói.
Vài lưu ý khi thắp hương
Khi hương đang thắp bị tắt, nên để nguyên vị trí và đốt tiếp để hương cháy hết.
Nên cắm thẳng hương khi thắp, thắp hương ở nơi kín gió để tránh bị tắt giữa chừng.
Việc cắm que hương vào đồ ăn để dâng cúng cũng có thể gây ngộ độc cho người ăn, bởi chân hương thường có lẫn hóa chất.
Nhà có trẻ nhỏ không nên lạm dụng đốt hương nhiều, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ.
Không bao giờ được dùng hương giả (hương điện) cắm vào lư hương.
Nghi lễ thắp hương tại nhà
1. Sau khi đốt hương, dùng hai tay cầm lấy hương.
2. Cố gắng cầm hai tay cắm hương vào giữa bát hương, nếu đặt xa quá thì dùng tay phải. Tuy vậy nên bố trí bát hương sao cho có thể dứng cắm dễ dàng, không phải kiễng chân hay trèo ghế là tốt nhất.
Nghi lễ thắp hương tại chùa
1. Sau khi đốt hương, dùng hai tay cầm lấy hương.
2. Dùng ngón giữa và ngón trỏ của hai tay giữ lấy hương, ngón cái tì vào cuối chân hương.
3. Đặt hương sát gần với tim, có ý nghĩa tượng trưng cho "tâm hương".
4. Để hương ngang mày, lễ kính, quán tưởng bảo tướng của chư Phật, Bồ tát hiện ra trước mắt tiếp nhận cúng dường.
5. Dùng hai tay cắm hương vào giữa lư hương.
Hiếu Anh