Cô gái ở Hà Nội gây tranh cãi với bảng chi tiêu chỉ 3 triệu đồng/tháng

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Chia sẻ mức chi tiêu 3 triệu đồng/tháng lên mạng xã hội, Minh Hà nhận về nhiều bình luận trái chiều. Có người cho rằng, cô tằn tiện, sống "cực khổ", song cũng có người nói đó là cách chi tiêu hợp lý.

Bảng chi tiêu chỉ 3 triệu đồng của nữ nhân viên văn phòng

Nghiêm Thị Minh Hà là cô gái thuộc thế hệ 9X, làm việc trong một công ty nội thất ở Hà Nội. Cô chia sẻ, bản thân chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là lương cứng.

Trước đây, Hà không chú ý quá nhiều đến việc quản lý tài chính mà chi tiêu ngẫu hứng theo số tiền hàng tháng nhận được.

Tuy nhiên, đến năm 2019, cô nhận thấy khả năng kiếm tiền của bản thân khó bứt phá nên đã suy nghĩ đến việc chi tiêu hợp lý để có sự đảm bảo nhất định cho tương lai.

Cô gái ở Hà Nội gây tranh cãi với bảng chi tiêu chỉ 3 triệu đồng/tháng - 1

Minh Hà là nhân viên văn phòng ở Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

 "Nếu tôi không tiết kiệm là đang tự đặt bản thân vào thế bấp bênh. Hơn nữa, tuổi lao động của tôi cũng có hạn, nếu không lên kế hoạch sớm, tuổi già sẽ rất bất an", Minh Hà cho hay.

Từ năm 2019 đến nay, cô gái trẻ duy trì mức chi tiêu chỉ 3 triệu đồng/tháng. Hà từng phải đi thuê trọ một thời gian dài. Tuy nhiên, khoảng 2-3 năm gần đây, Hà không mất tiền thuê nhà do đang ở nhờ và trông nhà cho người thân. 

Cô gái trẻ liệt kê các chi phí cố định mỗi tháng:

- Tiền điện nước: 500.000 đồng

- Vé xe buýt, đi lại: 300.000 đồng

- Cước điện thoại: 90.000 đồng

- Tiền ăn (bữa sáng, tối): 1,5 triệu đồng

- Các khoản chi tiêu khác: 600.000 đồng

Do được công ty hỗ trợ tiền ăn trưa nên cô chỉ cần chi tiền nấu bữa sáng và bữa tối.

Hà hạn chế ăn ngoài tiệm, thi thoảng cô về quê ăn cơm với bố mẹ. Cô đi chợ 3 ngày 1 lần. Mỗi lần như vậy, Hà thường mua thức ăn đủ cho 3 ngày, số tiền ăn mỗi ngày khoảng 50.000 đồng.

Không tiết lộ con số cụ thể về tiền lương, nhưng Minh Hà cho biết, mức thu nhập của cô "rất cơ bản với nhân viên văn phòng" ở Hà Nội.

Với tổng thu nhập cá nhân, Minh Hà chia thành nhiều khoản. Cụ thể, cô dành ít nhất 20% cho vào tài khoản tiết kiệm, 10% cho quỹ trải nghiệm (đi ăn thử món mới, tích góp để đi du lịch), tối đa 30% cho tiền nhà (thời gian này vì đang ở nhờ nhà người quen nên cô dành số tiền này cho vào quỹ tiết kiệm), phần còn lại cô chi cho các khoản thiết yếu (ăn uống, đi lại…) mà theo tính toán của Hà chỉ cần tới 3 triệu đồng như cô đã kể trên.

Cô gái ở Hà Nội gây tranh cãi với bảng chi tiêu chỉ 3 triệu đồng/tháng - 2

Mỗi lần đi chợ, Hà mua thực phẩm cho 3 ngày với tổng số tiền khoảng 150.000-160.000 đồng/lần. Trong ảnh là hai lần đi chợ của Hà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Vì ít tiền nên phải quản lý được từng đồng

Dù đã theo đuổi mức chi tiêu này 5 năm nhưng đôi lúc Hà cũng bị ngắt quãng. Cô cho hay: "Mỗi giai đoạn, việc quản lý chi tiêu lại có những cái khó khác nhau. Thời gian đầu, tôi phải điều chỉnh nhiều thói quen, nhu cầu và chú ý đến tính kỷ luật của mình. Thời gian này, tôi cần cân bằng và duy trì được các nguyên tắc đã đề ra".

Minh Hà quan niệm "vì ít tiền nên phải quản lý được từng đồng trong lòng bàn tay". Đến khoảng đầu năm 2023, Hà đã đưa được các khoản phí cố định vào quỹ đạo.

Cô gái ở Hà Nội gây tranh cãi với bảng chi tiêu chỉ 3 triệu đồng/tháng - 3

Hà cùng những bữa ăn đơn giản nhưng vẫn đủ chất do cô tự nấu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Để không lạm chi, cô gái trẻ tạo riêng một quyển sổ, khi lương về, cô chia thành các khoản tiền ăn, quỹ trải nghiệm, tiền mua sắm. Ví dụ, cô ghi rõ số tiền ăn cần chi, cuối tháng tổng kết lý do tiền đủ hoặc thiếu và cân đối với tháng sau. Nếu còn thừa tiền, cô cộng dồn vào tiền tiêu của tháng sau.

Với quỹ trải nghiệm, cô cũng ghi rõ các hạng mục chi để biết mình đã sử dụng tiền như thế nào.

"Nhờ cách hệ thống này, cuối một năm, tôi có thể nhìn thấy mình đã tiêu tiền vào việc gì. Khi nhìn thấy lộ trình của sự tiết kiệm, tôi tự điều chỉnh cho phù hợp, miễn sao quản lý được con số", cô nói.

Trong các khoản chi tiêu của nhiều người luôn có phần dành cho nhu cầu giải trí, giao lưu. Tuy nhiên với Hà, việc điều chỉnh các khoản này không quá khó bởi cô có vòng tròn mối quan hệ nhỏ, công ty quy mô nhỏ, bạn bè đã lập gia đình gần hết.

Số tiền còn dư từ lương, Minh Hà để dành tiết kiệm, thi thoảng biếu bố mẹ. Dù đề ra mức chi tiêu 3 triệu đồng/tháng, nhưng đôi khi cô cũng bị "vỡ kế hoạch" bởi các việc phát sinh như khi cần chăm sóc sức khỏe, cuộc hẹn đột xuất với bạn bè…

Minh Hà có thói quen chia sẻ câu chuyện chi tiêu của mình lên mạng xã hội. Cô khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ bất ngờ bởi có thể chi tiêu ở Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất cả nước với mức 3 triệu đồng.

Nhiều người chia sẻ, một người trẻ chỉ tiêu 3 triệu đồng một tháng cho tất cả mọi nhu cầu là quá ít ỏi, hoặc đó chỉ là cách cô tạo content (nội dung) để thu hút tương tác trên mạng xã hội.

"Tôi nhận được nhiều bình luận, có người bảo tôi quá tằn tiện, sống "cực khổ", nhưng đa số là tích cực, ủng hộ. Nhiều người còn nhắn tin riêng cảm ơn và động viên tôi dựng nhiều video chia sẻ để họ có thể học hỏi, quản lý tài chính tốt hơn, một số khác thì xin ý kiến tư vấn tài chính cá nhân", Minh Hà cho hay.

Theo Minh Hà, với 3 triệu đồng, cô có thể duy trì cuộc sống ổn định, không tới mức chật vật như cư dân mạng bình luận. Với quỹ trải nghiệm, tuổi trẻ của cô vẫn có nhiều điều thú vị khi thi thoảng có thể đi chơi, du lịch, ăn một quán mới…, cắt tóc 1-2 lần mỗi năm, thi thoảng đi gội đầu ngoài tiệm 50.000-60.000 đồng/lần.

"Cách chi tiêu của tôi mang tính cá nhân, không có công thức chung cho tất cả mọi người. Mọi người nên tùy thu nhập của mình để tính toán mức hợp lý, nên chia nhỏ các khoản để quản lý", cô nói.

Hiện tại, Hà chưa đặt mục tiêu sau bao năm phải có nhà, xe bởi cô nhận thấy giá nhà ở Hà Nội đang rất đắt đỏ và xe chưa phải nhu cầu cấp thiết.

Cô chia sẻ: "Tôi không muốn đẩy bản thân vào áp lực quá lớn, có thể gây ra sự chán nản, thất vọng, tù túng. Tôi đặt ra cho mình các mục tiêu khác về hoàn thiện bản thân, nâng cao kiến thức, tìm cách tận hưởng tối đa những điều mình đang có".