Chuyện tình đẹp như cổ tích của ông bà U80 ở Đà Nẵng

Ông Khôi không một lần ghen tuông. Suốt một đời, ông yêu thương, chiều chuộng, chăm sóc bà từ ngày về chung nhà đến lúc bà từ giã cõi đời.

Bất ngờ nhận tin người bà họ hàng của mình qua đời, Dương Việt Hà (25 tuổi, Hà Nội) buồn đau tột độ. Trong nỗi tiếc thương, Hà nhớ đến những tháng ngày được sống gần bà, chứng kiến chuyện tình "cổ tích" của ông bà dành cho nhau.

"Bà tên Bông và là em gái của ông ngoại tôi. Tôi không lớn lên cùng ông bà. Thế nhưng năm 2018, tôi vào Đà Nẵng kiến tập và đã sống với ông bà một thời gian. Từ đây, tôi chứng kiến chuyện tình cổ tích của ông mà trước đây tôi chỉ thấy trên phim ảnh", Việt Hà chia sẻ.

Khi Việt Hà vào Đà Nẵng kiến tập, bà Bông đã yếu nhiều. Bà ra vào bệnh viện liên tục. Thời gian này, bà cũng đã "lẫn này, quên nọ". Thế nhưng, điều bà nhớ nhất và hình như không thể quên là chuyện tình của mình với người yêu cũ.

Chuyện tình đẹp như cổ tích của ông bà U80 ở Đà Nẵng - 1

Ông Khôi ân cần cài nón bảo hiểm cho vợ để chở bà sang chơi với cháu.

Thời xuân sắc, bà Bông đẹp và hát hay lắm. Thế nên bà được vào đoàn văn công. Tại đây, bà có một tình yêu đẹp với anh bộ đội địa phương. Thế nhưng tình yêu ấy không có kết quả. Bà không thể đến với người mình yêu.

Việt Hà kể: "Yêu nhau nhưng không đến được với nhau nên bà còn nhiều tiếc nuối với mối tình dang dở ấy lắm. Bà nói: 'Hồi đó chỉ nắm tay và đón đưa nhau bằng xe đạp thôi. Đâu ai nghĩ sẽ ghi lòng tạc dạ đến suốt đời như thế'".

"Thế nhưng, thật bất ngờ, lúc bà say sưa kể về người yêu cũ, ông Khôi (78 tuổi, chồng bà Bông) vẫn thản nhiên ngồi cạnh bên đọc báo. Thậm chí, miệng ông vẫn hé nụ cười đôn hậu. Thi thoảng, ông nhìn sang vợ rồi âu yếm hỏi: "Đói chưa? Ăn cơm hí? Uống sữa hí?".

Nghe câu mời mọc của chồng, bà Bông lại xua tay, vẻ dỗi hờn vì bị ông ngắt quãng câu chuyện của mình với đứa cháu gái. Bà từ chối lời mời của chồng để tiếp tục kể với Việt Hà về mối tình cũ.

Chuyện tình đẹp như cổ tích của ông bà U80 ở Đà Nẵng - 2

Ông Khôi lo lắng, trông ngóng vợ khi bà nằm trong phòng khám.

Cuối cùng, bà chốt lại với đứa cháu gái: "Thật ra bà không yêu ông mày bằng người yêu cũ đâu. Nhưng không hiểu duyên phận thế nào mà lại lấy ông mày đấy. Chả hiểu!".

Nghe câu ấy, ông Khôi không chút buồn bã. Ông gấp tờ báo, cười xòa rồi nói vuốt theo: "Ừ đúng rồi, chỉ có ông yêu bà mày nhiều thôi".

Tình yêu cổ tích

Ông Khôi biết chuyện tình dang dở của người vợ vừa mới khuất bóng từ lúc cả hai mới về chung nhà. Ông cũng biết vợ mình còn lưu luyến, nặng lòng với tình cũ. Thế nhưng, ông chưa một lần ghen tị với tình cảm ấy hay buồn lòng vì chuyện này.

Ngược lại, ông yêu thương, chăm sóc và chiều chuộng vợ hết mực. Tình yêu ấy càng rõ nét khi bà Bông yếu dần rồi "ra vào bệnh viện như cơm bữa". Việt Hà kể: "Lúc bà bệnh, mỗi lần ăn trưa, bà thường nằm trong phòng. Ông Khôi phải dỗ mãi".

"Ông vào tận phòng, nằm bên cạnh, kê tay lên đầu bà, âu yếm như dỗ dành một đứa trẻ. Ông năn nỉ: "Nào, ngoan nào, ra ăn nào…"; "Thôi mà… ra ăn đi rồi tí chở sang cháu chơi?"; "Thôi thương thương, ra ăn xíu xiu thôi rồi uống thuốc", cô gái kể thêm.

Chuyện tình đẹp như cổ tích của ông bà U80 ở Đà Nẵng - 3

Ông dậy sớm mỗi sáng đo huyết áp cho bà.

Những tháng ngày ấy, ông Khôi cũng mang trọng bệnh. Thậm chí, sau nhiều lần trở về từ cõi chết vì chứng bệnh tim, sau mỗi 2 năm, ông lại phải đi thay van tim một lần. Ấy vậy mà ông luôn cố gắng chăm sóc, lo lắng, yêu chiều vợ hết mực.

Mỗi sáng, ông dậy sớm, khám, đo nhịp tim và tiêm thuốc cho bà. Sau đó, ông đi chợ, nấu ăn, đọc báo bà nghe… Mỗi tuần 1 lần, ông chở vợ vào bệnh viện để bà khám, điều trị bệnh. Mỗi tuần 2 lần, ông Khôi lại đèo vợ sang nhà con trai thăm 2 đứa cháu.

Suốt bấy nhiêu năm làm vợ, bà Bông cũng một lòng lo cho chồng.

Việt Hà chia sẻ: "Một hôm, trong lúc ông đang ngủ, bà vào phòng tôi dặn: "Này, mai mày dậy sớm dắt xe cho ông nhé. Đừng bắt ông dắt xe hay làm việc nặng mà tội ông nghe". Thế mới thấy, bà cũng thương yêu và trân quý ông lắm".

Chuyện tình đẹp như cổ tích của ông bà U80 ở Đà Nẵng - 4

Ông Khôi trong một lần dỗ dành, năn nỉ vợ ra ăn cơm với mình.

Tình yêu của ông bà dành cho nhau đẹp, cao thượng đến nỗi Việt Hà tưởng chỉ có trong những cuốn tiểu thuyết ngôn tình hoặc trên phim ảnh. Tình cảm đẹp ấy khiến cô gái nhận ra rằng, tình yêu đôi khi chỉ là xúc cảm thời son trẻ. Tình nghĩa mới là thứ khiến con người ta đủ bao dung để gắn bó trọn đời với nhau.

Ngày bà Bông ra đi, cả hai người con trai của bà đều đi công tác xa, không có ở Đà Nẵng. Họ hàng của ông bà cũng ở xa nên không ai vào kịp tiễn đưa bà. Dẫu vậy, trong giây phút lìa xa cõi tạm, bà vẫn có chồng bên cạnh đưa tiễn, chăm lo mọi thứ.

"Tôi chợt nghĩ rồi thương ông. Những ngày tháng sau này, khi "người con gái" ông ân cần chăm sóc, dành cả đời để yêu thương đã ra đi, ông sẽ phải sống một mình. Mỗi buổi sáng, những bài báo cũng sẽ không còn được ông đọc lên thành tiếng nữa. Bây giờ, nó đã thiếu vắng người nghe…", Việt Hà tâm sự. 

Theo vietnamnet.vn