Hà Tĩnh:

Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên

Xuân Sinh

(Dân trí) - Đối với những cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), mỗi lần thả cá thể động vật trở về rừng, trong họ lại có những cảm xúc rất khó tả, lâng lâng, hạnh phúc.

Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 1

Một góc Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Vườn Quốc gia Vũ Quang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) không chỉ là nơi bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn thực hiện công việc tiếp nhận, chăm sóc giúp các loài động vật tái hòa nhập với thiên nhiên.

Anh Nguyễn Việt Hùng - Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Vũ Quang (quê ở tỉnh Nghệ An) có hơn 12 năm gắn bó với nơi đây. Mỗi năm, anh cùng các cán bộ vườn tự tay thả không biết bao nhiêu cá thể động vật trở lại tự nhiên.

Anh Hùng cho biết, vườn không có trung tâm cứu hộ, thế nhưng, ở nhiều tình huống khẩn cấp, những cán bộ nơi đây trở thành những bác sĩ bất đắc dĩ.

"Những cá thể động vật đưa đến đây một là được người dân nuôi nhốt giao nộp, hai là mắc bẫy bị thương được phát hiện lúc đi tuần tra. Nên ngoài việc chăm sóc, đôi lúc chúng tôi như bác sĩ sơ cứu, xử lý, can thiệp sâu vào vết thương cho chúng", anh Hùng nói.

Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 2

Các cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp nhận một cá thể khỉ quý hiếm được người dân giao nộp.

12 năm gắn bó ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, với anh Hùng có nhiều kỷ niệm, ký ức sẽ không bao giờ quên. Mỗi lần một cá thể động vật được giải cứu, được tái hòa nhập về tự nhiên là một kỷ niệm, một cung bậc cảm xúc khác nhau.

Anh Hùng cho biết, năm 2017, trong quá trình đi tuần tra, các cán bộ kiểm lâm của Vườn phát hiện một cá thể khỉ mặt đỏ mắc bẫy, bị thương rất nặng ở một tay và một chân.

Trong tình thế đó, những cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang phải đi mua thuốc, các dụng cụ y tế để tự tay thực hiện "phẫu thuật" tháo khớp tay và tháo khớp chân cho cá thể khỉ.

"Cũng rất run nhưng trong tình huống khẩn cấp đó, anh em không có nhiều sự lựa chọn. Trường hợp muốn cứu hộ thì phải gửi đi trung tâm ở các tỉnh khác. Nhờ anh em có tìm hiểu kiến thức về xử lý các vết thương nên cuộc "phẫu thuật" thành công", anh Hùng nhớ lại.

Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 3
Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 4
Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 5

Nhiều cá thể động vật quý hiếm được chăm sóc tại Vườn Quốc gia Vũ Quang trước khi thả về tự nhiên.

Nhờ sự can thiệp, xử lý kịp thời ấy, chú khỉ mặt đỏ đã được cứu sống. "Vì nó bị thương tật nặng, nên chúng tôi xác định phải nuôi, chăm sóc đến suốt đời. Nhưng chăm sóc được 4 năm thì nó mất vì quá già yếu. Thời gian được chúng tôi chăm sóc, nó rất tình cảm, cứ quấn quýt lấy anh em trong Vườn. Khi nó mất đi, chúng tôi rất buồn và hụt hẫng", anh Hùng chia sẻ.

Còn chị Lê Thị Bảo Ngọc (quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) về công tác ở vườn được 3 năm. Dù học chuyên ngành kỹ sư lâm sinh, thế nhưng từ khi về công tác tại vườn, chị Ngọc như là một bác sĩ chính của đơn vị. Hầu như công tác chăm sóc các loài động vật ở đây được giao lại cho chị Ngọc phụ trách.

Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 6

Chị Ngọc đang cho các chú khỉ ăn.

"Công việc của chúng tôi là phải giúp những loài động vật này tái hòa nhập và sống sót được khi trở lại tự nhiên. Công việc nghĩ thì tưởng chừng dễ, nhưng lại rất khó, nhất là giúp chúng có thể sống sót, tồn tại được khi thả về rừng", chị Ngọc chia sẻ.

Theo chị Ngọc, hầu hết những con vật bị người dân nuôi nhốt từ lâu, nên đã mất đi bản tính tự nhiên. Đối với những trường hợp này để giúp chúng tái hòa nhập và sống sót được trong môi trường tự nhiên mất khá nhiều thời gian.

"Có nhiều con thú cứ thả vào rừng, người về trước nó lại theo về sau", chị Ngọc cho biết.

Theo kinh nghiệm của chị Ngọc, tuyệt đối không được chăm sóc các loại thú quá lâu, vì nó sẽ quen với hơi người. Khi nào chúng đủ khỏe mạnh thì phải thả về rừng ngay. Ban đầu có thể thả các con thú về môi trường bán tự nhiên để giúp chúng thích nghi, làm quen. Sau một thời gian thì chúng sẽ tiến sâu vào trong rừng.

Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 7

Một chú khỉ khá hung dữ khi bị người dân nuôi nhốt.

"Cũng có nhiều loài bị nuôi nhốt lâu nên bản tính rất hung dữ. Khi chăm sóc loài này rất dễ bị tấn công. Tôi cũng đã không ít lần bị thương ở tay do khỉ cắn, dù đã đeo găng tay bảo hộ. Làm công việc gì thì cũng đòi hỏi phải có tình yêu đối với nó, thực sự tôi thấy những con thú rất đáng yêu", chị Ngọc chia sẻ.

Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 8
Chuyện thú vị về những người giúp các loài động vật tái hòa nhập tự nhiên - 9

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận và thả về rừng hơn 560 cá thể động vật với 60 loài.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang, hàng năm đơn vị đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã. Chính vì vậy, những năm gần đây nhiều người dân chủ động đến giao nộp các cá thể động vật để nhờ vườn thả về tự nhiên.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận và thả về rừng hơn 560 cá thế động vật với 60 loài. Trong đó nhiều loại nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như khỉ mặt đỏ, các loại linh trưởng, cu li, rắn hổ mang chúa.

Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập ngày 30/7/2002, nằm trên địa phận hành chính 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn với tổng diện tích được giao quản lý trên 57.000 ha.

Vườn có một hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú, với hơn 1.800 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú, 315 loài chim, 90 loài bò sát ếch nhái, 88 loài cá, hơn 316 loài bướm, 118 loài kiến, 28 loài nhện và côn trùng khác, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới như: Voọc vá chân nâu, vượn má vàng, voi, mang lớn, cheo cheo, rắn hổ mang chúa…

Với tính đa dạng sinh học tháng 10/2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (CHDCND Lào), Vườn quốc gia Vũ Quang - Hà Tĩnh chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu "Vườn di sản ASEAN".