Chuyên gia nói gì về tập tục đốt vàng mã ngày rằm tháng Bảy?
(Dân trí) - Giáo sư, Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh cho rằng, theo quan niệm người đã mất còn gọi là các vong linh, họ đi lại bằng sự quán niệm, họ hiểu ngôn ngữ bằng thông linh do vậy chúng ta quan niệm đốt nhà lầu, xe hơi, máy bay, điện thoại… là không đúng và có phần mê tín dị đoan, vừa gây tốn kém lại làm mất ý nghĩa tốt đẹp của tập tục này.
Theo quan niệm dân gian, tháng “cô hồn” là tên gọi để chỉ tháng 7 âm lịch hàng năm, là tháng Diêm Vương mở cổng địa ngục, xóa tội cho các vong linh có lỗi lầm. Do đó, trong tháng này, ngoài lễ cúng gia tiên, ở mỗi địa phương, mỗi làng xóm hoặc mỗi gia đình thường làm thêm lễ cúng cho những linh hồn không có nơi thờ cúng.
Vì sao tháng 7 âm lịch lại có tên gọi là tháng “cô hồn”?
Trao đổi với PV Dân trí, Giáo sư, Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh cho biết, lễ cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống có từ xa xưa. Ngày lễ này có nhiều tên gọi và nguồn gốc khác nhau. Trong đó, theo quan niệm Đạo Giáo, tháng 7 âm lịch đặc biệt là ngày 14, là ngày “Thiên địa giao hòa”, ngày “mở cửa tam giới” (mở cửa trời, nhân gian và mở cửa địa ngục). Vào ngày này, mọi người có thể cúng và “thỉnh” đến 10 cửa Diêm Vương để cầu siêu cho người thân đã khuất.
Còn theo quan niệm của Đạo Phật, rằm tháng 7 còn gọi là lễ Vu lan báo hiếu. Lễ này gắn với tích truyện về Mục Kiền Liên có người mẹ sống độc ác và gian dối nên khi chết đã bị đày xuống địa ngục! Mục Kiền Liên đã làm lễ dâng sớ và cúng cho các linh hồn oan khuất để giảm tội cho mẹ mình.
Cũng từ đó mà trong đạo phật hình thành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu cho những linh hồn còn bị giam trong địa ngục.
Ngoài ra, lễ cúng cô hồn còn xuất phát từ quan niệm dân gian. Người Việt có truyền thống thờ tự ông bà, tổ tiên, nguồn cội như một cách tưởng nhớ người đã khuất. Trong xã hội, có nhiều lý do, nhiều trường hợp những người đã mất không có người thân, không rõ tên tuổi địa chỉ… nên dân gian dành một ngày để tưởng nhớ, cúng tế, giải thoát cho họ.
Dù có những tên gọi, cách hiểu khác nhau song theo Giáo sư, Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh ý nghĩa của ngày lễ này đều có chung tính nhân văn, với mục đích cầu xin Thượng Đế và các vị thần tiên xá tội cho các vong hồn dưới địa ngục được siêu thoát. Tháng “cô hồn” và lễ Vu Lan không chỉ phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước Á Đông.
Mâm cúng rằm tháng 7 cần những gì?
Ở Việt Nam vào ngày này các gia đình thường làm mâm cơm để tưởng nhớ đến người thân và cho những vong hồn chưa được siêu thoát. Theo Giáo sư, viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh, lễ ngày rằm tháng bảy không nhất thiết phải làm lớn mà tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình.
Chỉ cần sắp lễ đúng, nhất tâm phụng thỉnh là thể hiện sự tôn kính với thần linh, gia tiên và giữ được nét đẹp trong văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt. Trong đó, việc cúng cô hồn nhân dân ta thường thực hiện ngoài trời, ở đầu làng, đầu xóm hoặc cũng có thể cúng ở trước cửa nhà mình.Ta nên đặt mâm cúng theo hướng Tây Nam.
Gs-Vs Lương Ngọc Huỳnh cho biết, theo quan niệm, hướng bắc là thờ Thượng Đế nguyên thuỷ thiên tôn, hướng nam là thờ thần linh, hướng đông là thờ các vị thiên tử "vua" hoặc các vị thánh hiển linh, phía tây thờ Phật, hướng tây bắc là các vị đại tiên, hướng đông bắc là quỷ, hướng đông nam là người, và hướng tây nam là vong hồn của người đã khuất. Lễ cúng cô hồn chỉ cần một nồi cháo loãng, bỏng ngô... bánh kẹo, đồ chay, tiền vàng, quần áo, muối, gạo… để cầu xin cho các vong hồn được siêu thoát và độ trì cho gia đình bình an.
Ngoài ra, trong ngày lễ này, các gia đình nên chuẩn bị thêm một mâm cúng thần linh và lễ gia tiên. Lễ cúng chỉ cần một mâm ngũ quả, xôi, gà hoặc các món ăn mặn khác. Trên bàn lễ thần linh nên trải một miếng vải đỏ cho trang trọng. Ở dưới ta có thể trải chiếu và đặt lễ cúng cô hồn.
Mâm lễ cúng trong rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì?
Không nên đốt quá nhiều vàng mã phô trương, tốn kém
Về phong tục đốt vàng mã trong ngày rằm tháng bảy, Giáo sư, Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh cho rằng quan niệm đốt: nhà lầu, xe hơi, máy bay, điện thoại… là không đúng và có phần mê tín dị đoan.
Lễ ngày rằm tháng bảy không nhất thiết phải làm lớn mà tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Ảnh minh họa
Thực tế việc đốt vàng mã đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời. Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên người sống cũng cố gắng làm tất cả bằng tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng, đây cũng là cách để họ tin rằng người thân khi chết đi sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ.
Tuy nhiên, việc đốt vàng mã chỉ nên mang tính hình tượng, tránh sa đà vào mê tín, dị đoan, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. “Đồ vàng mã chỉ nên có một ít vàng, thuyền hoặc ngựa nhỏ thể hiện lòng thành tâm. Không nên phô trương và sử dụng các loại tiền tệ hiện đại, các vật dụng công nghệ… sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của tập tục này”, chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Lương Ngọc Huỳnh cũng cho rằng, nhiều kiêng kị trong tháng 7 không có cơ sở và có phần mê tín dị đoan. Thực tế, người Việt quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn, không mang lại may mắn, tài lộc nên chúng ta thường tránh né với việc cưới hỏi, mua sắm, khai trương, đi xa... Cùng với đó, mọi người truyền tai nhau những điều cấm kỵ trong "tháng cô hồn”, qua nhiều đời dần trở thành nỗi ám ảnh không tốt và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân dân.
Trên thế giới mỗi quốc gia đều có những tín ngưỡng riêng của mình, nhưng tháng bảy với những điều kiêng kỵ thì chỉ có ở một số nước phương đông. Ở Nga người ta thường kiêng thứ 6 ngày 13 nhất lại là tháng 6 thì họ rất thận trọng. Việc thờ cúng hoặc kiêng kỵ là do kinh nghiệm dân gian truyền lại. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta đẩy nó lên thành những câu chuyện mộng mị làm cho những kẻ xấu có cơ hội lợi dụng.
Hà Trang
Video: Toàn Vũ