Chuyên gia chỉ ra điều sai lầm khi đốt vàng mã cúng rằm tháng 7

Hồng Anh

(Dân trí) - Khi cúng rằm tháng 7, một số người băn khoăn giữa việc giữ và bỏ tục đốt vàng mã vì cho rằng, không đốt vàng mã hoặc đốt ít thì "các cụ nhà mình" thiếu thốn, không có đồ dùng.

Trong các dịp lễ Tết, người Việt thường có phong tục đốt vàng mã. Đặc biệt cúng rằm tháng 7 chính là dịp đốt nhiều vàng mã nhất.

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, đây là một phong tục đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu.

Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người đã cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng.

Đây cũng là cách để họ tin rằng, người thân của mình "ở thế giới bên kia" sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ.

Chuyên gia chỉ ra điều sai lầm khi đốt vàng mã cúng rằm tháng 7 - 1

Những mặt hàng mô phỏng nhà cửa, ô tô, xe máy... được sản xuất nhiều để phục vụ người "cõi âm" dịp rằm tháng 7 (Ảnh: Toàn Vũ).

 Tuy nhiên, theo thời gian, tục lệ này đang dần bị biến tướng khi có nhiều gia đình sẵn sàng bỏ nhiều triệu đồng, thậm chí thuê xe tải, xe kéo chở vàng mã đi cúng lễ rồi đốt cho người thân.

Theo họ, đốt càng nhiều vàng mã sẽ càng nhiều tài lộc, gia đình thịnh vượng an khang như ý.

Trước thực trạng trên, nhiều người cho rằng, đây là việc làm gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, thậm chí dễ gây hỏa hoạn chết người. Một số ý kiến vì thế cho rằng, cần bỏ tục đốt vàng mã.  

Chị Cao Thị Thanh Thủy (32 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, chị hoàn toàn không đốt vàng mã khi cúng lễ tại gia hoặc đi chùa.

Mỗi tháng khi đến ngày rằm, mùng 1 chị Thủy thường dâng lễ cúng chay với hoa quả, bánh kẹo. Dịp cúng lễ quan trọng, chị chuẩn bị mâm cỗ đẹp mắt dâng lên tổ tiên với lòng thành kính.

Theo chị Thủy, dù không đốt vàng mã nhưng cuộc sống của chị và gia đình luôn ấm êm. 

Một số khác lại băn khoăn giữa việc giữ và bỏ tục lệ này vì cho rằng, không đốt vàng mã hoặc đốt ít thì "các cụ nhà mình" thiếu thốn, không có đồ dùng

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, thực tế quan niệm về tục đốt vàng mã không xấu và không nhất thiết phải từ bỏ hoàn toàn.

"Điều quan trọng là chúng ta phải có cách ứng xử sao cho phù hợp, loại bỏ những quan niệm mê tín thái quá, tránh tình trạng đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường", ông Cương nhấn mạnh.

Để việc dâng lễ vàng mã vừa đơn giản, tiết kiệm vừa giữ được ý nghĩa vốn có, giúp người cúng thoải mái tâm lý, chuyên gia phong thủy Phạm Cương gợi ý: Khi lựa chọn vàng mã cúng rằm tháng 7, gia chủ nên chọn vừa đủ, không phải phô trương nhà lầu, xe hơi, điện thoại đắt tiền hay núi quần áo đồ sộ. Đốt nhiều vàng mã vừa tốn kém, lãng phí lại thể hiện tâm lý cuồng tín, ganh đua.

"Ông bà chúng ta thường nói "lễ bạc lòng thành" - tức lễ vật gì không quan trọng bằng cái tâm của người dâng cúng. Chúng ta chỉ nên lựa chọn một số những đồ mã đơn giản như chút tiền vàng hay vài bộ quần áo, giấy ngũ sắc… là đủ", ông Phạm Cương nhấn mạnh.

Chuyên gia chỉ ra điều sai lầm khi đốt vàng mã cúng rằm tháng 7 - 2

Người dân nếu muốn đốt vàng mã chỉ nên đốt chút ít thể hiện lòng thành (Ảnh: Hồng Anh).

Cũng theo chuyên gia này, việc đốt vàng mã đúng cách cũng thể hiện cái tâm của chúng ta đối với người đã khuất. Đối với nhà mặt phố, không nên đốt ngoài đường vì khói và tro bụi sẽ ảnh hưởng đến người đi đường.

Các gia đình ở nhà chung cư không nên hóa vàng mã ở ban công hoặc các không gian chung như hành lang, sân thượng. Làm như vậy vừa ảnh hưởng đến hàng xóm vừa không đảm bảo về phòng cháy.

Hầu hết các tòa nhà chung cư hiện nay đều có nơi hóa vàng mã chung ở khu vực mặt đất. Theo quan niệm của Phật giáo "tâm xuất thì Phật biết". Nếu chung cư đã có lò đốt vàng mã chung của cả khu thì nên hóa đúng nơi quy định. Người đã khuất vẫn chứng được cho tấm lòng của người thân mà không sợ mất lộc đi đâu cả.

Liên quan đến tục đốt vàng mã trong các ngày lễ Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, cúng Ông Công ông Táo…, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt từng chia sẻ trên Dân trí rằng, đốt vàng mã là một tập tục có từ xưa của người Việt, ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc.

Người dân nếu muốn đốt vàng mã chỉ nên đốt chút ít thể hiện lòng thành, không nên đốt nhiều gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Nên dành tiền mua vàng mã để làm việc thiện.

"Theo nhà Phật, mỗi một thế giới lại dùng những phương tiện, vật chất khác nhau. Không nên nghĩ đốt nhiều vàng mã thì các cụ nhận được và không khổ, hay không đốt thì các cụ sẽ khổ. Nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm, không đúng với tinh thần Phật giáo", vị hòa thượng nhấn mạnh.