Chuyên gia chỉ cách ứng phó với bão Yagi khi ở chung cư, nhà cao tầng
(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, người dân ở vùng thấp trũng ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh và cả ở Hà Nội nên mang ô tô đi gửi ở vị trí cao trước 21h hôm nay.
Hà Nội ảnh hưởng ra sao trong bão Yagi?
Sáng 6/9, anh Phạm Văn Tuấn (ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) nhận được thông báo cập nhật tình hình siêu bão Yagi từ ban quản lý chung cư nơi mình sinh sống.
Thông báo nêu rõ về đường đi, khả năng ảnh hưởng của bão Yagi cùng các khuyến cáo gia cố nhà cửa, bảo đảm an toàn tài sản trước, trong và sau bão.
Nhận được thông báo, anh Tuấn sắp xếp công việc về nhà, tranh thủ buổi trưa để thu dọn ban công, kiểm tra hệ thống cửa kính đề phòng gió lớn giật mạnh.
Theo thông tin từ Tổng Cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13h ngày 6/9, vị trí tâm bão Yagi ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc); cách Quảng Ninh khoảng 450km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai - dự báo, đến khoảng 19h tối nay, tâm bão sẽ nằm trọn trong khu vực đảo Hải Nam. Đến nửa đêm, tâm bão dịch chuyển đến phía Tây của đảo Hải Nam, nằm trong khu vực vịnh Bắc Bộ Việt Nam.
Vận tốc gió hiện tại của bão khoảng 240km/h, cường độ bão cao nhất khi đổ bộ vào đảo Hải Nam vẫn giữ nguyên cấp siêu bão.
TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định, Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng bởi gió lớn và mưa lớn gây ngập lụt.
"Ở Hà Nội có thể có gió lớn từ trưa ngày mai 7/9. Gió đều ở Hà Nội chỉ khoảng cấp 7, cấp 8, nhưng vẫn có thể có những cơn gió giật lên tới cấp 10 hoặc 11", TS Huy nói.
Hà Nội có thể nhận lượng mưa lớn vào chiều - đêm 7/9 và sáng 8/9, nguy cơ tạo ra ngập lụt ở các vùng thấp trũng của Hà Nội rất cao.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, bão Yagi đã hai lần lên cấp siêu bão trong vòng 24 tiếng. Yagi có thể sẽ được ghi nhận là cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong biển Đông.
Mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão phải hoàn thành trước 21h ngày 6/9. Đến sáng 7/9, người dân miền Bắc tuyệt đối không ra khỏi nơi tránh trú an toàn. Người dân ở vùng thấp trũng ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh và cả ở Hà Nội nên mang ô tô đi gửi chỗ cao trước 21h hôm nay.
Người dân nên chủ động ứng phó
Vị chuyên gia này cũng cho hay, vùng thấp trũng ven biển, đặc biệt là các thành phố ở Quảng Ninh sẽ là nơi đón nhận tâm báo. Lượng mưa rất lớn, kết hợp sóng cao 5-6m, thậm chí 7m.
Sóng cao như bức tường án ngữ ngoài biển khiến nước trong thành phố, ở các sông hồ trong đất liền không thoát được dẫn tới hiện tượng ngập lụt lớn ở đô thị. Người dân cần cảnh giác đưa xe lên nơi cao cất giữ để tránh thiệt hại về tài sản.
Ngoài ra, người dân ở các vùng thấp trũng cũng nên sơ tán đến những nơi cao. Dự báo bão vào đất liền nước ta khoảng 9-10h ngày 7/9, trước đó sẽ có mưa lớn, gió to.
"Vậy nên, tốt nhất, thời điểm để chuẩn bị ứng phó là chiều nay 6/9, nếu kéo dài thì chỉ đến tối nay, không nên muộn hơn", TS Huy chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng của bão Yagi cần chằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn, kê cao đồ đạc nếu ở vùng thấp trũng.
Ngoài ra, cần hạ biển quảng cáo ngoài trời; đóng kín cửa sổ, cửa chính; hạ thấp giàn cây cảnh trên cao; neo đậu tàu thuyền vào nơi khuất gió; neo các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; sạc đầy điện thoại, thiết bị tích điện; chuẩn bị nước uống và đồ ăn đủ cho 2 ngày. Bão vào có thể gây mất điện. Mất điện cũng dễ bị mất nước.
Đối với những gia đình sống trong nhà cao tầng, chung cư ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng… cần dùng keo dán cố định cửa kính, đề phòng trường hợp gió mạnh thổi bung cửa kính.
"Rất nhiều thành phố trên thế giới từng bị đánh tan hoang hệ thống cửa kính khi có siêu bão vào nên việc gia cố thêm cửa kính bằng keo dán hoặc các tấm gỗ ép là rất quan trọng", TS Huy cho hay.
Cũng theo TS Huy, các hộ dân sống trong chung cư cũng cần tính toán xem hầm để xe có bị ngập không để có phương án bảo đảm tài sản xe cộ.
Ban quản lý các chung cư cần chú trọng phương án ứng phó, chuẩn bị hệ thống bơm thoát nước nếu xảy ra ngập lụt. Không chỉ riêng ở Hải Phòng, Quảng Ninh mà Hà Nội cũng cần sẵn sàng tinh thần ứng phó.
Ngoài ra, các hộ dân ở nhà cao tầng cần đem các chậu cây, đồ vật nặng ngoài ban công vào trong nhà, đóng kín cửa sổ để tránh tạt nước làm hỏng hệ thống sàn lát, đồ đạc.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, người dân không nên hoang mang, nhưng cần cảnh giác và hành động để đảm bảo an toàn trong bão.