(Dân trí) - Giáo sư Trương Nguyện Thành gọi chuyến đạp xe xuyên Việt 3.400km từ Hà Giang đến Cà Mau trong 49 ngày là chương sử mới trong đời vì trước đó, ông không trả lời được câu hỏi: "Mình làm được không?".
Chuyến đạp xe xuyên Việt mở ra chương đời mới của giáo sư 61 tuổi
Giáo sư Trương Nguyện Thành gọi chuyến đạp xe xuyên Việt 3.400km từ Hà Giang đến Cà Mau trong 49 ngày của mình là chương sử mới trong đời vì trước đó, ông không trả lời được câu hỏi: "Mình làm được không?".
Giáo sư Trương Nguyện Thành cầm chắc ghi đông, chân ghì vào bàn đạp cố vượt qua những con dốc chừng 15 độ ở Hà Giang. Nhiều lần, người đàn ông 61 tuổi nghĩ mình sắp bật ngửa. Vượt qua con dốc này, ông tự nhủ có lẽ đã hết thử thách. Nhưng không, sau khi đổ đèo được vài phút, một con dốc khác lại hiện ra.
"Tôi học được một điều, chỉ nên sống cho khoảnh khắc hiện tại thôi. Leo dốc, tôi chỉ nghĩ phải làm sao để vượt qua mảng bê tông trước mặt. Người ta hy vọng nhiều thì sẽ thất vọng nhiều. Nếu cứ lo nghĩ về những thử thách sắp tới, có lẽ tôi sẽ mất hết động lực, không thể về đích", giáo sư Thành chia sẻ về bí quyết để giúp ông hoàn thành hành trình đạp xe xuyên Việt từ ngày 12/9 đến ngày 31/10 vừa qua.
Có tất cả nhưng vẫn muốn tìm "nguồn sống mới"
Năm 2018, sau khi kết thúc 2 chuyến đạp xe Sài Gòn - Quảng Bình và xuyên miền Tây, giáo sư ước sẽ có chuyến tương tự xuyên 3 nước Đông Dương. Tuy nhiên, vì dịch Covid - 19 nên kế hoạch bị trì hoãn. Trong bối cảnh mỗi nước có một cơ chế quản lý dịch khác nhau, ông chuyển hướng sang đạp xe xuyên Việt.
Trong khi đi bộ sẽ mất nhiều thời gian còn xe máy thì lại lướt qua những khung cảnh quá nhanh, ông Thành chọn đi bằng xe đạp để khám phá cảnh đẹp, văn hóa vùng miền.
2 chuyến đạp xe trước, vị giáo sư từng trải qua những con đường rừng ở Mã Đà, Nam Cát Tiên… nên cảm thấy đây là loại địa hình khiến mình thích thú. Tuy nhiên, từ đó đến trước khi thực hiện chuyến đi này, ông không đạp xe.
"Tôi không có sự chuẩn bị nào về thể lực ngoài việc tập bộ môn KiDao mỗi ngày khoảng 30 phút", giáo sư thú nhận.
Với giáo sư Thành, mọi mong muốn, ước mơ về sự nghiệp của ông đã đạt được, không còn nhiều mong cầu. Trong khi nhiều người quan niệm, sau 60 là tuổi về hưu, tuổi trông cháu thì giáo sư lại nghĩ, nếu cuộc sống không có sự mới mẻ thì con người dần mất nguồn sống. Vì thế, ông muốn mở ra chương sử cho đời mình bằng cách đi tìm cho mình một sức sống mới.
"Hãy bước ra ngoài khám phá cái mới, cái mới thì đầy thử thách. Liệu mày còn đủ khí huyết, đủ năng lực để làm không? Mày có thể đạp xe từ Lũng Cú đến Đất Mũi được không? Nếu vượt qua chuyến xuyên Việt đầy cam go này thì có thử thách nào trong tương lai mà mày không thể vượt qua?", giáo tự hỏi.
Nhưng không ai, và chính ông thời điểm trước chuyến đi cũng không trả lời được. Vì thế, ông tự mình đi tìm câu trả lời.
Đồng hành cùng ông là một người dẫn đường bằng xe đạp. Một người hậu cần chở hành lý và hỗ trợ sửa xe và một quay phim theo cùng bằng xe máy. Những hình ảnh được ghi lại suốt hành trình sau đó được người trợ lý của ông ở TPHCM dựng thành các video đăng lên mạng xã hội.
"Nhiều người Việt Nam chưa biết nước mình đẹp đến nhường nào, tôi muốn chia sẻ những khung cảnh mà mình đã nhìn thấy. Những thử thách trên đường mà tôi phải đối diện hy vọng sẽ để lại nhiều bài học cho giới trẻ", ông Thành nói. Vì vậy, chuyến đi của ông ngày càng được nhiều người biết đến và dõi theo.
Là một giáo sư nhưng ông Thành tự nhận mình chưa thật sự hiểu nhiều về địa lý, văn hóa con người Việt Nam. Chuyến đi là dịp để ông biết thêm nhiều điều mới mẻ.
Ngày đầu ở Hà Giang, giáo sư Thành quan sát thấy đa số người lao động ngoài ruộng và gùi củi, lương thực hầu hết là phụ nữ. Trong đầu ông hiện lên một câu hỏi: "Vậy những người đàn ông họ làm gì, đang ở đâu?".
"Thì ra, hầu hết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều theo chế độ mẫu hệ. Việc quyết định những việc trong gia đình, cuộc sống, hay làm việc đều do phụ nữ chịu trách nhiệm", ông Thành ngẫm nghĩ.
Hôm đến Pù Luông, Thanh Hóa, chủ quán ăn địa phương mang ra dĩa ốc và nói đây là đặc sản của nơi đây. Ông Thành trố mắt, bất ngờ hỏi: "Con ốc này giống ốc biển nhỉ, sao gọi là đặc sản của vùng núi?". Sau đó, người chủ quán mới cho biết đây là loại ốc đá, sống trong những hốc đá trên núi, ăn rất ngon thì ông Thành mới vỡ lẽ.
Trước đây, ông tự tin rằng mình đã ăn hết thảy các loại rau rừng khi đi thưởng thức món bánh tráng cuốn ở TPHCM. Nhưng trong chuyến đi qua Tây Nguyên, ông Thành được ăn không dưới 20 loại rau rừng, lá cây mà mình chưa từng biết đến.
"Đó là ví dụ cho câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn", ông cười, chia sẻ.
Đạp xuyên bão, đạp vượt lũ
Ông Thành cho biết, chặng 1 từ Hà Giang đến Hà Nội là thời gian thử thách sức khỏe của bản thân. Lúc này, cơ bắp vẫn chưa quen với việc đạp xe 8 tiếng/ngày. Những con dốc thẳng đứng, những con đường nhỏ đất đá... khiến ông thường xuyên bỏ cuộc, phải dẫn bộ chứ không thể đạp nổi.
Sau khi thực hiện chặng thứ 2 vượt bão Noru qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông Thành đối mặt với sự thách thức về ý chí và nghị lực với chặng thứ 3, Huế đi Kontum, từ ngày 7- 12/10 đi qua quộc lộ 14.
"Lúc này, tôi đã đạp được hơn 1 tháng, sức khỏe đã tốt hơn, dẻo dai hơn nên quyết định dù có mệt đến đâu cũng ráng đạp chứ không dẫn bộ", ông Thành nói.
Ngày đầu tiên ở chặng này, giáo sư Thành đạp trong mưa vượt đèo lên huyện miền núi A Lưới của Huế. Con đèo dài và cao, nhưng như muốn "thử thách não trạng của tôi".
Sau một ngày "bầm dập", ông tiếp tục băng qua khu bảo tồn Sao La, Quảng Nam là một cánh rừng nguyên sinh dài gần 60km. Lúc này, mưa lớn gây mưa lũ và sạt lở ở khu vực này.
Ngày 10/10, đoạn đường từ huyện Tây Giang đi thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam được xem là ngày thử thách nhất trong suốt hành trình xuyên Việt của ông Thành. Hôm đó, ông đã phải đạp xe 132km trong mưa tầm tã.
Buổi trưa, khi dừng chân tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang ăn uống, chủ quán khuyên ông Thành và cả nhóm nên ở lại vì vừa có loa thông báo sẽ bắt đầu xả lũ.
Hỏi ông chủ từ điểm dừng chân đến đoạn trũng nhất của tuyến đường còn bao xa, ông Thành được biết chỉ còn khoảng 30km nên quyết định lên đường.
"Tôi không liều lĩnh. Tôi tính được với vận tốc đạp khoảng 12 -15km/h của mình thì chỉ hơn 1 tiếng nữa sẽ đến nơi. Trong khi còn khoảng 2-3 tiếng sau xả lũ nước mới dâng", ông nói. Vị giáo sư còn chia sẻ thêm, trên đường đi có nhiều người chạy xe máy đi ngang quát lớn: "Bộ điên hả?" và cũng có người khích lệ: "Cố lên!".
Ngày thứ 4 ở chặng này, mưa nhẹ hơn nhưng trước mắt ông Thành là con đèo Lò Xo dài 37km. Vượt đèo mệt đến nỗi, ông không còn thời gian để ý đếm đoạn đèo đó có tất cả bao nhiêu nhịp nữa. Nhưng ông Thành ngầm hiểu rằng: "Đèo Lò Xo có nghĩa là hết đèo này thì đến đèo kia, ngày càng cao và cứ đi lên".
Vượt qua chặng này, ông Thành cũng thấy rằng tính cách của mình đã thay đổi.
"Năng lượng có giới hạn, tôi biết chọn lọc và ưu tiên nhiều năng lượng để tập trung vào chuyện quan trọng mình phải làm. Những chuyện "ruồi bu", không cần thiết, tôi biết quăng bớt đi, tôi thấy mình rắn rỏi hơn rất nhiều", ông chia sẻ.
Có đi mới có đến
Nhiều người theo dõi hành trình của ông bảo sở dĩ thầy Thành làm được bởi ông có một nghị lực sắt đá, có nền tảng thể lực. Để làm rõ quan điểm này, ông làm một thí nghiệm bằng cách rủ thêm người trợ lý hỗ trợ dựng video của mình tên Lê Ngọc, 23 tuổi cùng đạp chặng cuối hơn 600km trong 6 ngày từ Sài Gòn đi Đất Mũi, Cà Mau.
Trước ngày đi, Ngọc nhắn tin cho giáo sư nói rằng sợ sẽ không đạp nổi. Đến khi đã đạp về tới Bạc Liêu, những lúc mệt Ngọc vẫn tự hỏi tại sao mình lại quyết định đi chuyến này. Vẫn là câu động viên: "Có đi mới có đến, có làm mới biết rằng mình làm được hay không", giáo sư Thành đã giúp Ngọc vượt lên được chính mình.
Tại sao Ngọc có thể đạp xe được như thế? Giáo sư Thành không biết và chính Ngọc cũng không lý giải được.
"Chúng ta tự đặt ra giới hạn trong suy nghĩ nên nghĩ rằng có nhiều thứ mình không làm được. Nếu tập trung năng lượng, chúng ta sẽ làm được những điều không tưởng. Ngọc cũng giống như mọi người và cô ấy đã làm được", giáo sư nói.
11h30 ngày 30/10, giáo sư Thành và nhóm đồng hành đặt chân đến cột mốc Đất Mũi, Cà Mau kết thúc hành trình 49 ngày rong ruổi trên yên xe đạp. Cảm giác đầu tiên của ông không phải là sự vui sướng khi về đích mà bàng hoàng, lâng lâng.
Sau những giây phút dang tay, ngước nhìn lên trời xanh, ông sực nhớ ra và cười, nói với mọi người: "Nguồn sống mới là đây, tôi đã tìm được rồi!". Tiếng ông giòn tan, hòa vào bầu trời nơi tận cùng Tổ quốc.
Nội dung: Diệp Phan
Ảnh, Video: Nhân vật cung cấp