Chuyện của những người mọc sừng
(Dân trí) - Người mọc sừng nổi tiếng nhất thế kỷ 20 được ghi nhận là “Kỳ lân Wang”. Lão nông Trung Quốc này diện mạo chẳng khác gì người thường, ngoại trừ chiếc sừng nhọn dài 35 cm nhô thẳng lên từ đỉnh đầu.
Hai nhân vật mọc sừng nổi tiếng nhất trong lịch sử là Alexander Đại đế (Hy Lạp) và lãnh tụ Do Thái Moses. Tuy nhiên đấy mới chỉ những lời kể từ truyền thuyết. Trường hợp mọc sừng đầu tiên của ngành y học được bác sĩ giải phẫu người Đức Fabricius Hildanus phát hiện vào những năm đầu thế kỷ thứ 16 - một người đàn ông có chiếc sừng nhô ra từ trán.
Kể từ lúc ấy, thiên hạ bắt đầu đồn thổi hàng trăm câu chuyện về người mọc sừng. Phần lớn trong số đó, những chiếc sừng đều là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú hoặc đơn giản chỉ là sự nhầm tưởng hão huyền.
Nhưng cũng không hiếm trường hợp, sừng “thật” đến nỗi chính các nhà tự nhiên học nổi tiếng, các học giả chuyên ngành cũng không thể chối bỏ. Tuy không cấu tạo từ chất sừng chai cứng nhưng trông chúng giống hệt sừng tê giác và thường đâm chồi ra trước trán.
Trong cuốn sách nổi tiếng của mình, nhà tự nhiên học Bartholinus thuộc Viện giải phẫu sinh lý người của Hà Lan đã nhắc tới nhiều trường hợp mọc sừng nổi tiếng, ví dụ năm 1696 một bà cụ ở Pháp đã cắt chiếc sừng dài hơn 30 cm của mình để dâng tặng Hoàng Đế. Câu chuyện này càng được chứng thực khi nguồn tài liệu khác ghi nhận, cũng vào khoảng thời gian này vua nước Pháp đã từng nhận một lễ vật kinh hoàng: chiếc sừng cắt từ trán một cụ già 82 tuổi.
Năm 1886, bác sĩ da liễu nổi tiếng Jean Baptiste Emile Vidal đã trình lên Viện Hàn lâm Y học Pháp một chiếc sừng xoắn dài 25 cm - “di vật” từ một bệnh nhân nữ do ông điều trị. Sau này, nhiều nhà khoa học cũng ghi nhận nhiều trường hợp mọc sừng tương tự, thậm chí có người còn sinh thú sưu tập những chiếc sừng bị cắt bỏ. Hiện nay tại bảo tàng Luân Đôn vẫn trưng bày một chiếc sừng người dài 27cm, chi vi chừng 7cm.
Như vậy, tính ra trước thế kỷ 20 cũng phải trên 100 trường hợp người mọc sừng, có khuynh hướng xuất hiện nhiều ở phụ nữ cao tuổi. Ngạc nhiên hơn cả, chiếc sừng sau khi bị cắt vẫn có thể mọc lại. Điều này đã từng xảy ra với bệnh nhân của bác sĩ Vidal, và trong 1 trường hợp khác mà cả hai cha con một nhà đều mọc sừng, có lẽ là do gen di truyền.
Năm 1930, một ông chủ nhà băng người Nga trong chuyến công tác tới Manchukuo đã phát hiện ra "Kỳ lân Wang" - ông cụ có chiếc sừng nhọn hoắt mọc giữa đỉnh đầu. Gã tài phiệt này chụp một tấm hình làm bằng chứng, sau đó gửi cho Robert Ripley - nhà sản xuất các show diễn giật gân “Believe It Or Not!” nổi tiếng ở Mỹ thời bấy giờ.
Ngay lập tức, Ripley treo giải thưởng một món tiền lớn cho bất cứ ai thuyết phục được Wang tham gia gánh xiếc Odditorium của hắn. Việc chưa thành thì “Kỳ lân Wang” đã kịp trốn biệt không dấu vết, và sau đó thì không bao giờ quay trở lại.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng người mọc sừng, thường gặp nhất là do u xương hộp sọ lành tính, hoặc do biến thể của 1 loại bệnh gọi là bệnh thừa màng da (cornu cutaneum). Những chiếc “sừng” như thế này có thể mọc lên từ bất cứ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên mọc từ trán là rất hiếm.
Trong vòng 100 năm qua rất ít trường hợp người mọc sừng xuất hiện, có lẽ nhờ y học hiện đại đã giúp chẩn đoán là điều trị bệnh ngay từ lúc mới bắt đầu nhen nhúm.
Hải Minh
Theo Marvels