Chuyện “cổ tích” về cậu bé mắc chứng bệnh lạ, 10 tuổi nặng có 4kg
(Dân trí) - Mới đây, VTV đã phát sóng phim tài liệu đặc biệt về cậu bé tí hon K’Rể mắc chứng bệnh lạ, dù đã 10 tuổi nhưng chỉ nặng 4kg. Câu chuyện được xem như một “cổ tích” giữa đời thường.
Theo đó, K’Rể là con thứ 2 trong một gia đình người dân tộc H’Rê, sinh ra đã có thân hình dị biệt. Khi mới sinh, cậu bé chỉ nhỏ bằng nắm tay. Hơn 5 tuổi vẫn cao chưa được nửa mét, nặng chưa đầy 4kg, chỉ tương đương với một đứa trẻ sơ sinh.
Cậu bé không nói được, trí tuệ không thực sự tốt như người bình thường. Dân làng ở thôn Gò Gia (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) nơi cậu sống thường không dám lại gần cậu vì cho rằng cậu mang lại điều xui xẻo. Thậm chí, nhiều người trong thôn làng còn cho cậu bé là “ma rừng” phải trả lại cho “thần rừng”.
Bố mẹ không biết cậu bé mắc bệnh gì, người dân trong thôn lại càng không. Lo ngại về sự khác biệt của cậu con trai và sợ hãi về những lời dị nghị của dân làng, bố mẹ K’Rể đã nhiều lần mời thầy cúng về làm lễ. Tuy nhiên, K’Rể vẫn không phát triển bình thường được như những đứa trẻ khác.
Bởi lẽ đó, hàng ngày, cậu không có bạn bè mà chỉ lùi thủi chơi với các vật nuôi trong nhà. Người dân ở đây có quan niệm “khỏe thì sống, yếu thì chết” vì thế mọi đứa trẻ sinh ra đều phải tự lập sinh tồn từ bé, K’Rể cũng không phải là ngoại lệ. Cậu bé đã phải “chiến đấu” với đủ các thứ tai ương và những quan niệm lạc hậu để sinh tồn giữa núi rừng hoang vu. Niềm vui lớn nhất của cậu bé là mỗi dịp cuối tuần, anh trai được nghỉ học về chơi cùng.
Cuộc đời "cậu bé tí hon" này như một câu chuyện cổ tích.
Nhưng cuộc đời cậu bé đã như một câu chuyện “cổ tích” khi gặp được thầy Đặng Văn Cương. Thầy Cương là hiệu trường trưởng Tiểu học Sơn Hà, nơi anh trai của K’Rể theo học. Trong nhiều lần vào thôn để vận động người dân cho con em mình đi học, thầy Cương đã biết đến câu chuyện của K’Rể. Lúc đó, cậu bé mới 3 – 4 tuổi, nhỏ như một “nắm xôi”, được mẹ đặt trong gùi mỗi khi lên rẫy.
Thầy Cương cho biết, khi gặp bố mẹ K’Rể, biết được hoàn cảnh của gia đình, thầy rất thương nên đã động viên cố nuôi cậu bé. Thầy hứa, sau này, khi đến tuổi đi học, nếu cho cậu bé xuống ở với thầy mà cậu bé ở được một ngày, thầy sẽ nhận nuôi luôn cậu bé.
Năm 2015, đích thân thầy đã đến nhà của K’Rể đón cậu bé xuống ở với mình. 2 năm đầu, thầy Cương đã gặp rất nhiều khó khăn bởi cậu bé dù đã 6 tuổi nhưng vẫn không thể tự chủ được những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Đích thân thầy Cương còn đưa cậu bé ra Bệnh viện Nhu Trung ương để khám và tìm ra căn bệnh mà cậu bé đã mắc phải.
Theo đó, K’Rể đã mắc phải hội chứng seckel – hội chứng bệnh mà 1 triệu người mới có 1 người gặp phải. Hội chứng này khiến người mắc phải không thể phát triển chiều cao, bị cong vẹo cột sống và mắc các hội chứng suy tuỷ, suy gan… tuổi thọ cũng không biết được bao lâu.
Thầy giáo Đặng Văn Cương và anh trai hướng dẫn K'Rể học chữ.
Sau 2 năm, cậu bé đã bắt đầu có những nhận thức trong sinh hoạt và biết nghe lời của thầy Cương. Những ngày hè, khi đưa K’Rể về cho gia đình, thỉnh thoảng thầy Cương lại mang thực phẩm lên và nấu cho cậu bé những món cậu thích. Tình thương mà người thầy giáo này dành cho cậu bé không khác gì tình thương của một người cha. Lạ thay, cứ mỗi lần được đi với thầy Cương xuống trường, K’Rể lại vô cùng thích thú.
Điều đáng nói là sau một thời gian được thầy Cương chăm sóc và rèn luyện, từ một cậu bé nhút nhát, chưa biết làm việc gì, chưa biết nói lẫn viết, đến nay, K’Rể không chỉ hòa đồng với cuộc sống xung quanh mà còn có thể tự làm những việc cần thiết cho bản thân.
Đặc biệt, cậu cũng trở nên thân thiết như một thành viên trong gia đình của thầy Cương. Và đáng mừng hơn, những người dân trong thôn làng nơi gia đình cậu bé sống đã không xa lánh và kỳ thị cậu nữa. Cậu đã được cho phép tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng của toàn buôn làng.
Theo chia sẻ của BTV Quốc Đông – Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam thì vào năm 2016, khi thực hiện phóng sự cho chương trình “Thay lời tri ân”, anh đã có dịp được gặp cậu bé K’Rể và thầy giáo Đặng Văn Cương.
Anh rất tiếc vì không thể đưa câu chuyện “cổ tích” về cậu bé này và người thầy giáo đã cưu mang cậu vào phóng sự năm đó. Nhưng anh vẫn ấp ủ dự định sẽ quay lại để làm phim về cậu bé vì những điều đặc biệt. Và để hoàn thành được bộ phim tài liệu về K’Rể, ê-kíp đã phải theo chân cậu bé trong nhiều năm.
BTV Quốc Đông cho rằng, qua bộ phim, khán giả có thể nhìn thấy những điều ẩn chứa đằng sau công việc hàng ngày của một người thầy giáo có tình thương yêu lớn lao đối với một cậu bé đặc biệt cũng như cuộc sống của K’Rể.
“Với K'Rể, một cậu bé tí hon yếu đuối và có thân hình không giống những đứa trẻ khác, nếu không gặp được tinh thần nhăn văn của thầy Đinh Văn Cương thì có lẽ, cậu bé cũng khó có thể tồn tại trên cõi đời này ở một nơi kinh tế, văn hóa xã hội chưa phát triển. Qua bộ phim, điều chúng ta nhìn thấy là khi có tình người, sự bao bọc giúp đỡ lẫn nhau, mọi điều trong cuộc sống đều trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều”, BTV Quốc Đông tâm sự.
Hà Tùng Long