Chuyện cảm động về vị tướng triều Nguyễn khiến tướng nhà Tây Sơn cảm phục

Doãn Công

(Dân trí) - Bình Định là quê hương của nhà Tây Sơn, người dân ở đây luôn kính ngưỡng các anh hùng nghĩa sĩ của phong trào nông dân, nhưng một vị công thần triều đại đối nghịch được tôn kính là điều khá thú vị.

Đó là Võ Tánh, vị tướng nổi tiếng của triều Nguyễn, người tuẫn tiết xin chết thay cho lương dân và binh lính, khi bị Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Võ Văn Dũng nhà Tây Sơn đem quân vây đánh thành Bình Định.

Dâng mật kế giúp chúa Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn

Nằm ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (Bình Định), thành Hoàng Đế xưa là thành Đồ Bàn của Champa, sau này trở thành kinh đô thời Tây Sơn rồi đến triều Nguyễn tiếp quản. Hiện bên trong thành có lăng mộ tướng nhà Nguyễn là Võ Tánh và Cai cơ Nguyễn Tiến Huyên.

Chuyện cảm động về vị tướng triều Nguyễn khiến tướng nhà Tây Sơn cảm phục - 1

Mộ Võ Tánh trong khuôn viên thành Hoàng Đế (Ảnh: Doãn Công).

Theo sử sách, Võ Tánh (1768-1801), một vị tướng có công lớn đã dâng "mật kế" giúp chúa Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn. Đương thời, ông được xếp cùng với Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp là Gia Định tam hùng. Ông tử trận trong cuộc chiến với quân Tây Sơn trước khi nhà Nguyễn thành lập.

Tuy nhiên, hơn 200 năm trôi qua, quanh cái chết của Võ Tánh, có một câu chuyện lịch sử cảm động đến nay vẫn được lưu truyền.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, năm 1799, sau khi chiếm được thành Hoàng Đế của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đổi tên thành là Bình Định, giao cho Khâm sai Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu (có sách ghi là Ngô Tòng Chu) trấn giữ.

Lúc đó, Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Võ Văn Dũng nhà Tây Sơn đem quân từ Phú Xuân (thành phố Huế ngày nay) đến vây đánh để chiếm lại thành. Trong đó, Trần Quang Diệu thống lĩnh bộ binh tấn công thành, còn Võ Văn Dũng đem thủy quân giữ chặt mặt biển tại cửa Thị Nại.

Mùa xuân 1801, chúa Nguyễn Ánh dẫn quân đánh tan thủy quân Tây Sơn tại Thị Nại. Đại tư đồ Võ Văn Dũng đem tàn quân hợp với Thiếu phó Trần Quang Diệu vây chặt thành Bình Định, chia quân trấn giữ các đường tiến đến thành. Chúa Nguyễn tiến quân nhiều lần nhưng không giải vây được thành.

Chuyện cảm động về vị tướng triều Nguyễn khiến tướng nhà Tây Sơn cảm phục - 2

Mộ của Cai cơ Nguyễn Tiến Huyên chôn gần mộ Võ Tánh (Ảnh: Doãn Công).

Biết không thể giữ được thành, Võ Tánh sai bà Nguyễn Thị Hảo (vợ Tri bạ Phan Văn Hán) lẻn ra ngoài mang thư khuyên chúa Nguyễn để ông cầm chân quân Tây Sơn, còn đại binh nên tiến đánh Phú Xuân, kinh đô nhà Tây Sơn. Chúa Nguyễn Ánh nghe theo chiếm được Phú Xuân, nhờ đó mà thống nhất được giang sơn.

Tự thiêu để xin chết thay cho lương dân, binh lính

Theo Đại Nam thực lục của các sử quan triều Nguyễn ghi chép nhiều chi tiết về trận chiến thành Bình Định và Võ Tánh.

Khi chúa Nguyễn rời đi, lương thực trong thành sắp hết, có người khuyên Võ Tánh phá vòng vây mà ra. Võ Tánh không nghe, nói rằng: "Ta vâng mệnh giữ thành, phải cùng còn mất với thành, nay bỏ thành mà cầu lấy sống thì còn mặt mũi nào nhìn thấy chúa thượng nữa".

Chuyện cảm động về vị tướng triều Nguyễn khiến tướng nhà Tây Sơn cảm phục - 3

Cổng thành Hoàng Đế (Ảnh: Doãn Công).

Khi lương thực hết, phải giết voi ngựa để ăn, binh lính vẫn không có lòng làm phản nhưng Võ Tánh lo thành bị hãm, quân lính không khỏi tổn thương nhiều. Ông sai lấy củi khô chất quanh dưới lầu Bát Giác trong thành.

Một buổi sớm, Ngô Tùng Châu đến hỏi kế thì Võ Tánh chỉ vào lầu Bát Giác mà nói: "Đây là kế của tôi và bảo rằng tôi làm chủ tướng, nghĩa không thể cùng sống với giặc. Ông là văn thần, quân địch tất không hại nên tính cách tự toàn".

Ngô Tùng Châu cười, đáp lại: "Cứ gì văn hay võ, lòng trung cũng là một thôi. Tướng quân biết chết theo nạn nước. Châu này không biết làm tôi chết với trung sao". Thế rồi trở về mặc mũ áo, hướng về cửa khuyết bái vọng rồi uống thuốc độc mà chết.

Sau khi lo chôn cất Ngô Tùng Châu, ông gửi thư cho Trần Quang Diệu nói "Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại".

Sau đó, lấy thuốc súng bỏ vào lầu Bát Giác, mặc triều phục lên trên lầu, gọi các tướng bảo rằng: "Ta từ khi phụng mệnh giữ thành này, giặc Tây Sơn đem lực lượng cả nước vây đánh bốn mặt, đã 2 năm nay. Thực nhờ tướng sĩ đồng tâm nên giữ vững được thành mà chống giặc. Nay lương hết, sức kiệt, giữ không thể được nữa mà đánh cũng vô ích, nên ta chết kẻo để tướng sĩ khổ mãi".

Các tướng và quân lính đều rạp xuống đất kêu khóc. Võ Tánh vẫy lùi ra rồi phóng lửa tự đốt. Cai cơ Nguyễn Tiến Huyên cũng gieo mình vào lửa để chết. Đó là ngày 27/5 âm lịch năm 1801.

Khi Trần Quang Diệu đem quân vào thành, trông thấy thương chảy nước mắt, dùng lễ chôn cất Võ Tánh, tướng sĩ ở trong thành không ai bị giết hại, được tự ra về.

Khi nghe tin Võ Tánh và Ngô Tùng Châu chết tại thành Bình Định, chúa Nguyễn Ánh đau buồn thương tiếc, bảo bầy tôi rằng: "Bọn Tánh chết như thế là vẹn tiết, tuy bậc trung liệt đời xưa như Trương Tuần, Hứa Viễn cũng không hơn được".

Người dân Bình Định cũng đã lưu truyền câu ca về cái chết của tướng Võ Tánh: "Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thành 3 năm".

Hàng năm, vào ngày giỗ Võ Tánh (27/5 âm lịch), người dân trong vùng thường mang lễ vật, tiền bạc đến làm lễ cúng.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Chi bộ thôn Nam Tân (xã Nhơn Hậu) trông coi thành Bình Định, vào ngày giỗ tướng Võ Tánh, một số hậu duệ đời thứ 7, 8 của ông ở Thừa Thiên Huế cũng vào để hương khói, dâng lễ.