PhotoStory

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định

Thực hiện: Doãn Công

(Dân trí) - Ngoài gần 700 hiện vật được tìm thấy tại phế tích tháp Đại Hữu, các nhà khảo cổ nhận định ở vùng đất Bình Định còn những "kho báu" với nhiều hiện vật quý giá của người Champa.

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 1

Tọa lạc trên đỉnh núi Đất, phế tích tháp Đại Hữu (thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) được khai quật và phát hiện gần 700 hiện vật, trong đó có những tượng phù điêu lần đầu tiên được tìm thấy trong văn hóa Champa.

Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết quá trình khai quật làm xuất lộ toàn bộ phần thân tháp, nền móng, tháp có cửa ra vào phía đông và hệ thống cửa giả.

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 2

Bình diện tháp Đại Hữu có quy mô kiến trúc lớn hơn so với các tháp Champa khác. Với quy mô kiến trúc to lớn, nằm trên vị trí cao nhất của đỉnh núi Đất, các nhà nghiên cứu được xác định là ngôi tháp chính (hay còn gọi là Kalan), niên đại khoảng giữa thế kỷ XIII.

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 3

Chính giữa lòng tháp là hố thiêng, đây là kiến trúc trung tâm của ngôi tháp, nằm dưới nền gạch kiến trúc tháp. Trung tâm hố thiêng là trụ thiêng.

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 4

Đặc biệt, quá trình khai quật các nhà nghiên cứu tìm thấy 678 hiện vật bằng vật liệu đá, đất nung các loại. Trong đó, lần đầu tiên phát hiện tượng phù điêu chưa từng thấy trong văn hóa Champa.

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 5

Phù điêu thể hiện 1 người đàn ông, tay trái đang ôm 1 vật chưa xác định, chân trái quỳ xuống, tay phải và chân phải đang bị 1 đôi tay khác kéo ngược về phía sau.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là phù điêu lần đầu tiên được tìm thấy trong văn hóa Champa nên chưa xác định phù điêu này thể hiện nội dung gì, cần có thời gian để nghiên cứu.

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 6

Phù điêu 2 mặt vuông góc, mỗi mặt điêu khắc 2 hình người ngồi nhìn đối diện nhau, dùng để trang trí đai ốp chân đế tháp.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, mũ đội đầu của tượng người có mặt nhìn nghiêng rất giống với mũ của chiến binh được điêu khắc trong bức tường đá ở thành Angkor Wat, bức tường này miêu tả về trận thủy chiến giữa quân Champa và Khmer năm 1177.

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 7

Tượng sư tử phát hiện ở phế tích Đại Hữu giống như tượng sư tử ở tháp G1-Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam)...

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 8

Ngoài ra, dựa vào các mảnh gốm gia dụng có niên đại khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Những hiện vật này gắn liền với thành Chánh Mẫn được nhà Tây Sơn cho xây dựng tại phía đông bắc, dưới chân đỉnh núi Đất. Qua đó, phản ánh vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, khu vực phế tích tháp Đại Hữu là căn cứ quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn.

Cận cảnh hiện vật cổ được tìm thấy dưới lòng tháp Đại Hữu ở Bình Định - 9

TS Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhận định từ các phát hiện khảo cổ ở tháp Đại Hữu hé lộ nhiều khả năng người Champa trước đây đã tự tháo dỡ tháp cổ này, đưa nhiều hiện vật, kiến trúc điêu khắc quý đi cất giấu nơi khác, còn sót lại những hiện vật bị vỡ, hư hỏng đến ngày nay.

"Từ cuộc khai quật này tôi nghi còn nhiều kho cất giấu những tác phẩm điêu khắc quý báu ở Bình Định. Bởi với khối lượng đá nhiều, nặng thì rất khó vận chuyển đi xa được", TS Lê Đình Phụng nhận định.

Theo TS Lê Đình Phụng, tỉnh Bình Định có đặc thù riêng về lịch sử, không vùng đất nào là kinh đô người Champa tồn tại lâu như địa phương này. Ngoài ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), dọc dải đất miền Trung, người Champa để lại "di sản" tháp Champa nhiều nhất ở Bình Định.

Đặt biệt, kết quả khai quật phế tích tháp Đại Hữu cho thấy ngôi tháp này được kế thừa toàn bộ tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc theo phong cách Trà Kiệu và những phát hiện mới cho thấy có sự ảnh hưởng của người Khmer.

Tỉnh Bình Định hiện còn 8 cụm tháp Champa (Bánh Ít, Dương Long, Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm, Hòn Chuông), với 14 tháp có niên đại thế kỷ XI-XV. Trong đó, nổi bật và thu hút khách du lịch đến tham quan nhất là tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Dương Long. Tất cả các tháp Champa trên địa bàn Bình Định đều đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.