Chuyện cảm động của "biệt đội" cứu hộ chó mèo đặc biệt ở Hà Nội

Tiến Đạt Khánh Vân

(Dân trí) - Căn nhà cấp 4 được thuê lại, những dụng cụ y tế cơ bản và tình yêu động vật là số "vốn" giá trị nhất mà trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội có được.

Hai giờ sáng, tiếng chuông điện thoại tại trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội như muốn xé nát màn đêm tĩnh lặng. Hai thành viên thuộc đội vội vã sắp xếp đồ đạc di chuyển đến nơi được thông báo thực hiện cứu hộ cho một chú mèo bị co giật…

Đó chỉ là một trong rất nhiều những ca cứu hộ mà trạm đã thực hiện trong suốt 7 năm qua.

Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội được thành lập năm 2015 từ một nhóm các bạn sinh viên Khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong suốt thời gian hoạt động, thế hệ trước truyền lửa cho thế hệ sau, bằng tình yêu thương động vật và tinh thần ham học hỏi, trạm đã tiếp nhận, chăm sóc và tìm chủ mới rất nhiều những chú chó, mèo bị bỏ rơi, bị thương hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

Chuyện cảm động của biệt đội cứu hộ chó mèo đặc biệt ở Hà Nội - 1

Cổng trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội

Ngôi nhà bình an của những "người bạn bốn chân" 

Nằm trong một con ngõ nhỏ gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam, "trụ sở" của trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội là một dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp, đường vào trạm vẫn còn đất, đá và cỏ dại trước cổng.

Chúng tôi tìm đến trạm với chiếc biển treo trên cổng sắt cao không quá đầu người, đã lệch bản lề :"Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội".

Nguyễn Quang Tiến - đội trưởng đội cứu hộ chia sẻ, trạm có bốn phòng nhỏ chỉ khoảng hơn chục mét vuông là nơi ở, chăm sóc y tế dành cho những chú chó, mèo được cứu hộ đem về. Mỗi phòng vốn đã nhỏ lại thêm đã xuống cấp nên chỉ đủ để những vật dụng thiết yếu nhất, cơ bản nhất để chữa trị, chăm sóc y tế cho những chú chó, mèo tại đây.

Đến với trạm, mỗi chú chó, chú mèo đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Chú thì bị thương, bị bỏ rơi, hoặc đơn giản là khi chủ của chúng không đủ điều kiện để nuôi dưỡng,... Dù ở hoàn cảnh nào, các thành viên của trạm đều lắng nghe, tiếp nhận và gắng sức để giúp đỡ những "người bạn bốn chân" này.

Chuyện cảm động của biệt đội cứu hộ chó mèo đặc biệt ở Hà Nội - 2

Chú mèo bị chấn thương một mắt được đưa về trạm.

Ngày chúng tôi ghé trạm, ngoài bạn đội trưởng đội cứu hộ còn có hai chú chó trắng. Một chú phốc sóc bị tật ở chân sau lon ton chạy trước, nó mừng quýnh lên khi thấy người, trông rất vui vẻ, quấn người chẳng giống một chú chó từng bị thương hay bị bỏ rơi chút nào. Trạm đặt tên nó là Bông.

Chú chó còn lại cũng lông trắng, trông khỏe mạnh nhưng ánh mắt thì rụt rè đề phòng hơn với người lạ.

Chúng tôi bị thu hút bởi tiếng mèo kêu rất lớn, những tiếng kêu dài và ám ảnh phát ra từ phòng trực ban. Một chú mèo mắt vẫn còn nguyên vết khâu chưa lành, nó đang được một bạn tình nguyện viên của trạm chăm sóc.

Ôm chú mèo trong lòng, cẩn thận lau vết thương mắt trái, Bùi Quốc Khánh - thành viên đội cứu hộ của trạm kể: "Em này tên là Mon, mới về trạm được một tuần và mới phẫu thuật được ba ngày. Em đến với trạm nhờ cuộc gọi cứu hộ từ một chị thấy Mon bị thương nặng ở mắt do bị dính bẫy của bọn trộm nhưng may mắn thoát được và đưa đến đây".

Cứu trợ lúc nửa đêm, kể cả ngày lễ Tết

Công việc mỗi ngày của một tình nguyện viên trạm cứu hộ bắt đầu bằng việc dọn dẹp từng phòng như quét sân, dọn lồng, chỗ ở của động vật. Tiếp đó là chăm sóc cho những chú chó, mèo còn đang bị thương, cho chúng ăn và cuối cùng là sẵn sàng nhận điện thoại lên đường đi cứu hộ.

Được biết các thành viên của trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội đều là các sinh viên làm tình nguyện, họ đều đang là sinh viên năm, hai năm ba của khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp. Hằng ngày, trung bình có từ 4 - 5 thành viên trực một ca.

"Ngoài thời gian học tập, hầu hết chúng tôi đều thay nhau trực, chăm sóc, đi cứu trợ các động vật bất kể là lúc nào, nửa đêm mưa gió, ngày lễ Tết..." - bạn Nguyễn Quang Tiến chia sẻ.

Chuyện cảm động của biệt đội cứu hộ chó mèo đặc biệt ở Hà Nội - 3

Nguyễn Quang Tiến - đội trưởng trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội.

Đối với những ca cứu trợ cần chuyên môn cao trong khi điều kiện của trạm không cho phép, trạm sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của các phòng khám Thú y. Hầu hết, các phòng khám hỗ trợ đều là của những cựu thành viên trạm - thế hệ xây dựng nền móng cho trạm từ những ngày đầu.

Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Quốc Khánh, thành viên trạm cứu trợ cho biết, công việc của một tình nguyện viên trạm cứu hộ động vật không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, cứu hộ và chăm sóc chó, mèo bị bỏ rơi, bị thương mà quan trọng nhất là tình yêu thương động vật, sự kiên trì nhẫn nại. 

"Chó, mèo cũng như con người, tổn thương tâm lý khó chữa trị hơn vết thương cơ thể. Vốn là thú cưng rất gần với con người vậy nên chúng cũng rất nhạy cảm. Chúng có thể trở nên sợ hãi con người, dữ hơn với mọi thứ, không chịu tiếp nhận sự chăm sóc vì bị ám ảnh trong quá khứ.

Trong trường hợp đó, các tình nguyện viên phải vừa đảm bảo an toàn cho bản thân vừa phải tìm cách để tạo cho chúng sự tin tưởng đối với con người. Có những bạn chó, mèo bị ngược đãi hoặc vừa trải qua tai nạn, các bạn rất hoảng sợ, trở nên dữ dằn với con người, tình nguyện viên phải mất rất nhiều thời gian để làm quen lấy lại sự tin tưởng, cũng vì thế việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều", Khánh kể.

Được biết để duy trì sự hoạt động của trạm, các thành viên mỗi tháng lại dành ra một khoản quyên góp cho quỹ, cộng với nguồn tài trợ từ các cá nhân, tập thể yêu động vật biết đến trạm.

Trong một số các ca phẫu thuật chi phí cao, trạm không đủ kinh phí, sẽ kêu gọi sự giúp đỡ, quyên góp từ mọi người mọi nơi.

"Chi phí hàng tháng ngoài việc trả tiền thuê nhà, điện nước, chúng tôi còn phải chi trả cho việc chăm sóc, chữa trị, nuôi dưỡng các bạn chó mèo mà phần nhiều là nhóm tự quyên góp rồi đến sự ủng hộ của mọi người".

Chuyện cảm động của biệt đội cứu hộ chó mèo đặc biệt ở Hà Nội - 4

Nguyễn Quốc Khánh - Thành viên đội cứu trợ của trạm cứu trợ động vật Nông nghiệp Hà Nội và chú chó tên Bông.

Hiện tại vì dịch bệnh và cũng một phần do cơ sở vật chất không cho phép nên trạm tiếp nhận ít hơn các ca cứu trợ, nhưng có thời gian đỉnh điểm mỗi ngày trạm tiếp nhận hàng chục ca cứu trợ, tổng số chó mèo tại trạm có khi lên tới 50 - 60 bạn, những lúc như thế khó khăn lại càng khó khăn.

"Chi phí ăn uống, chữa trị, nuôi dưỡng cho số lượng đông chó, mèo thời gian đó khiến trạm phải đi vận động đóng góp nhiều hơn mới có thể duy trì hoạt động được", Tiến - đội trưởng trạm cứu hộ nói.

Hiện tại căn nhà trạm thuê nhằm phục vụ công việc cứu trợ động vật đã xuống cấp, lại thêm kinh phí của nhóm còn eo hẹp nên việc chăm sóc các chú chó mèo rất khó khăn.

"Khó khăn thì có nhiều nhưng các ca cứu trợ thì vẫn tăng, rất nhiều chó mèo vẫn đang cần sự giúp đỡ mà chúng mình. Khi nào còn có các chú chó mèo bị bỏ rơi, bị thương khi ấy trạm cứu hộ của chúng mình còn hoạt động", Tiến xúc động chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm