Chuyện bi - hài trong những con ngõ "ngày cũng như đêm" ở Hà Nội
(Dân trí) - Đối lập với vẻ ngoài phồn hoa của mặt đường phố cổ, bên trong từng con ngõ nhỏ là cảnh sinh hoạt chật chội của hàng trăm hộ dân với những thói quen sống “kỳ lạ”. Nhiều câu chuyện bi hài được kể lại, sau hàng chục năm lại trở thành “đặc sản” của người phố cổ.
Hàng Chiếu, Hàng Ngang, Ngõ Gạch, Lò Sũ… là những con phố chỉ cần nhắc tên nhiều người đã nghĩ ngay đến những con ngõ siêu nhỏ, chiều ngang chưa đầy 1m. Ở đây, người dân chấp nhận cuộc sống quanh năm không thấy mặt trời, thậm chí tiềm ẩn nhiều nỗi lo vì hệ thống điện lưới chằng chịt và những bức tường bong tróc.
Những con ngõ nhỏ được hình thành hàng chục năm và càng ngày càng chật chội hơn bởi mật độ dân số tăng, nhiều nhà sửa chữa khiến không gian sống bị thu hẹp. Tuy nhiên, cuộc sống sinh hoạt trong ngõ nhỏ này lâu dần đã trở thành một nét đặc trưng của 36 phố phường Hà Nội và của người dân phố cổ.
Những con ngõ nhỏ này thường xuất hiện xen kẽ với các ngôi nhà có mặt tiền rộng. Thường cứ một ngôi nhà lại tới một con ngõ.
Nhìn vào những con ngõ sâu hun hút, không ánh sáng như thế này, ít ai biết được bên trong đó là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân. Mỗi ngõ trung bình có từ 10 – 12 ngôi nhà nằm san sát nhau.
Có cả một thế giới thu nhỏ với những câu chuyện bi hài độc nhất vô nhị bên trong những con ngõ rộng chưa đầy 1m.
Người dân ở đây đã quen với việc nhiều gia đình cùng dùng chung khoảng không gian rộng khoảng 10m2 để nấu nướng, tắm giặt và thậm chí cả dùng chung nhà vệ sinh.
Từng cánh cửa san sát nhau như phòng trọ, bên trong ngõ phải bật đèn sáng dù ngày hay đêm.
Để “giao thông” đi lại được suôn sẻ, người này phải nhường người kia. Đặc biệt với phương tiện là xe máy, khoảng không gian chỉ đủ để 1 người ngồi lên xe đi vào chứ không thể dắt.
Ổ điện, bếp than, xoong nồi xuất hiện dày đặc khắp các lối đi.
Những gia đình muốn mua sắm đồ gia dụng như ti vi, tủ lạnh, máy giặt phải xem kỹ kích thước xem có vừa qua ngõ không hoặc phải thuê xe cẩu, cẩu qua nóc nhà hàng xóm để vận chuyển vào nhà.
Cô Đinh Thị Nghĩa (57 tuổi – 86 Hàng Buồm) chia sẻ: “Người dân ở đây đã quen với việc sống trong bóng tối quanh năm như thế này. Nhưng bất tiện lớn nhất là những khi có người đau ốm đột suốt, người nhà phải cõng đi từ cuối ngõ tới đầu ngõ mới ra tới xe cứu thương.”
Nhiều người tận dụng khoảng không gian nhỏ để kinh doanh, buôn bán. Những người dân sống cùng một ngõ chia thành 3-4 ca khác nhau để thay nhau kiếm miếng cơm manh áo.
Thanh Thúy