Chương trình "Vietnam on" với chủ đề chuyển đổi số

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hiệu quả, chương trình "Vietnam on" có sự tham gia chia sẻ của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số.

2022 là năm Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày chuyển đổi số quốc gia. Điều này như một sự khẳng định của các cấp quản lý, tổ chức về những mục tiêu của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số với các trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Có nhiều khái niệm, cách hiểu về chuyển đổi số, song một quan điểm rõ nét trong chỉ đạo điều hành của ban chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số, đó là chuyển đổi để giải quyết các bài toán từ thực tiễn.

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường hứa hẹn cho các nền tảng số "make in Việt Nam", giúp giải các bài toán của chuyển đổi số. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 24 doanh nghiệp đăng ký với 184 nền tảng số, đạt 35/35 nền tảng thuộc chương trình nền tảng số quốc gia.

Vậy các bài toán đặt ra với chuyển đổi số là gì? Các giải pháp số nào có thể giải quyết những bài toán đó? Những trợ lực nào cần có để các doanh nghiệp số có thể đảm trách tốt được vai trò trong chương trình chung của quốc gia?

Tất cả những nội dung nói trên sẽ được đề cập đến trong chương trình "Vietnam on", phát sóng vào 10h30, thứ 7 và phát lại vào 13h30 Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTC1. Chương trình có sự tham gia đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Chương trình Vietnam on với chủ đề chuyển đổi số - 1
Chương trình "Vietnam on" (Ảnh trích từ chương trình).

Sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số đã góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội. Hiện Việt Nam đã có 68.800 doanh nghiệp công nghệ số và theo ước tính đến cuối năm 2022, cả nước sẽ có thêm 1.400 doanh nghiệp công nghệ số và đưa số doanh nghiệp lên mức 70.200.

Điều này cũng phù hợp với lộ trình của chiến lược phát triển công nghiệp, công nghệ số Việt Nam đến năm 2025. Đây cũng chính là sự lan tỏa của tinh thần "make in Việt Nam". Theo đó, doanh nghiệp công nghệ số có thể sẽ là hạt nhân chính trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.