Chuỗi ngày đắng cay của người phụ nữ phải xích chồng, chăm con tâm thần

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Dù biết mình bị làm mai cho người đàn ông tâm lý không bình thường, nhưng chỉ với câu nói "đừng bỏ anh" của chồng lúc không lên cơn điên, bà Thủy tặc lưỡi cho là duyên phận để rồi ở lại.

Bị mất liên lạc với cha mẹ ruột từ nhỏ

Gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (63 tuổi) được biết đến như là hoàn cảnh bi đát nhất nhì ở xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An khi cả chồng và 2 người con trai của bà đều phát bệnh tâm thần, ngớ ngẩn mấy chục năm nay.

Khi gặp PV, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ cố gượng cười nhưng cũng không giấu được những chua xót ẩn trong lồng ngực chực trào ra trên khóe mắt. Sau dăm ba câu nói, nụ cười tắt, bà Thủy ngồi bệt xuống trước hiên nhà đầy đất cát.

Chuỗi ngày đắng cay của người phụ nữ phải xích chồng, chăm con tâm thần - 1

Bà Thủy kể với PV về cuộc đời cay đắng của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

Câu chuyện cuộc đời hơn 60 năm đầy đau khổ của bà bắt đầu bằng một tiếng thở dài. Bà Thủy kể, bà được sinh ra ở Sài Gòn, là con thứ 4 trong một gia đình 7 anh chị em. Mẹ bà Thủy là vợ 2 của chủ một xe cà rem dạo.

Vợ đầu của cha bà Thủy không có con nên đã nhận bà về nuôi, từ đó bà gọi mẹ nuôi là mẹ lớn còn mẹ ruột là mẹ nhỏ. Năm bà lên 4 tuổi thì mẹ nuôi và cha bà ly thân nhau, bà đi theo mẹ nuôi.

Người phụ nữ cả đời chăm chồng, con tâm thần

Sau một thời gian mẹ nuôi ở Sài Gòn rồi Bình Dương mấy năm thì đưa bà Thủy về Long An sinh sống. Kể từ đây mối liên hệ giữa bà Thủy và cha mẹ ruột thưa dần. Rồi sau năm 1975, gia đình tứ tán, bà Thủy mất liên lạc với cha mẹ ruột kể từ đó. Hình ảnh duy nhất bà còn nhớ về mẹ ruột là sau lần thăm cuối cùng, trước khi mẹ lên xe đò về lại Sài Gòn có dúi vào tay bà một đồng bạc làm quà.

Qua mai mốt, lấy phải chồng không bình thường

Thời con gái, bà Thủy từng đứng quầy bán thuốc tây, rồi vào làm kỹ thuật trong một cơ sở dược. Cuộc đời cứ lận đận, mãi đến năm 27 tuổi thì qua mai mối, bà biết đến ông Châu Văn Trước năm nay 64 tuổi là công an xuất ngũ.

Chuỗi ngày đắng cay của người phụ nữ phải xích chồng, chăm con tâm thần - 2

Nhiều năm qua bà Thủy phải cắn răng xích chồng lại để không bị đánh đập (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chỉ sau chưa đầy một tháng tìm hiểu "dè dặt" thì ông bà tiến tới hôn nhân. Bà Thủy vẫn nhớ rõ ngày mặc áo cưới lên xe hoa, đám cưới không gọi là to nhưng đàng hoàng tử tế. Cứ nghĩ cuộc đời từ đây sẽ mở ra trang yên ấm, nào ngờ chuỗi ngày đau khổ đã chính thức bắt đầu.

"Khi tìm hiểu thì thấy ổng hiền, ít nói. Nhưng cưới chưa được bao lâu thấy chồng càng không bình thường, đến khi biết mình "bị lừa", tôi oán hận, ôm quần áo về nhà mẹ nuôi.

Nhưng lúc qua cơn tâm thần, ổng sang, ổng nài nỉ rằng "đừng bỏ anh, rồi mai mốt bệnh hết lại thương vợ". Bụng nghĩ biết ổng hết bệnh hay không, hết thì có thương mình hay không, nhưng vì tình thương dành cho chồng, rồi cứ bảo là duyên nợ, thế là lại về", bà Thủy kể.

Chuỗi ngày đắng cay của người phụ nữ phải xích chồng, chăm con tâm thần - 3

Bà Thủy bên con trai đầu lòng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Thời gian đầu khi bệnh chưa nặng, những lúc tỉnh táo ông Trước cũng thương, cũng chiều vợ, 2 đứa con cũng vì thế mà lần lượt ra đời. Nhưng bệnh càng lâu, mê nhiều hơn tỉnh, lúc lên cơn ông Trước không chỉ đánh cha mẹ, vợ con, ông còn đuổi đánh cả hàng xóm nên trong vùng ai cũng sợ hãi. 

Rồi nhà chồng cũng không cam nổi ông Trước. Mẹ ông Trước trong khi chăm sóc con cũng bị ông đánh đến khiếp đảm, bà đành bất lực để con dâu gánh vác. Bà Thủy vốn làm nghề dệt chiếu nhưng kể từ thời điểm đó cũng đành gác lại mọi thứ để suốt ngày ở cạnh chuyên tâm chăm lo cho chồng.

Bất đắc dĩ bà Thủy phải lấy xích sắt khóa chặt chồng vào một cái chốt đóng giữa nhà. Dù vậy, không ít lần bà Thủy vô tình đi vào "tầm với" của chồng, bị ông Trước "vồ được" rồi hành hung thậm tệ. Thậm chí nhiều lúc tắm gội cho chồng nhưng bà Thủy cũng nơm nớp lo bị đánh.

Chuỗi ngày đắng cay của người phụ nữ phải xích chồng, chăm con tâm thần - 4

Con trai đầu của bà Thủy cũng bị tâm thần và phải xích lại (Ảnh: Nguyễn Cường).

Con bị tâm thần

Những tưởng chồng bệnh thì còn hy vọng ở con, nào ngờ con trai cả là Châu Hoàn Vũ (37 tuổi) vốn khỏe mạnh, hiền lành, sáng dạ thì năm 19 tuổi bỗng sau một đêm ngủ dậy toàn thân nhũn ra như bún rồi mất đi hoàn toàn ý thức.

"Hôm đó sáng không thấy con dậy, tôi vào lay cũng không được. Lòng bỗng như lửa đốt, hoang mang vô cùng, với chút kiến thức y khoa hồi con gái, tôi run run lấy tay vạch tròng mắt con thì đồng tử dãn ra rồi.

Lúc đó tôi như sụp đổ hoàn toàn, khóc rống lên oán hận cuộc đời đày đọa tôi hết lần này đến lần khác. Trong điên cuồng, tôi ôm con lay thì thấy người vẫn còn ấm, ôm chặt thì nghe tim vẫn đập, biết con còn sống mà tôi cũng như chết đi sống lại", bà Thủy nhớ lại những chuyện trong chuỗi ký ức đau khổ của mình.

Chuỗi ngày đắng cay của người phụ nữ phải xích chồng, chăm con tâm thần - 5

Chiếc xích sắt hàng chục năm chưa mở, hoen gỉ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Gửi chồng và con út cho mẹ chồng xong thì bà ôm con cả đưa đi bệnh viện. Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực anh Vũ mới cử động tay chân, dùng hết cách nhưng bác sĩ cũng không chẩn đoán được bệnh. Bà Thủy vét hết tài sản trong nhà rồi chuyển con qua bệnh viện Tâm Thần, quyết cứu cho bằng được. Điều trị thêm 3 tháng, tiền cạn nhưng anh Vũ cũng chẳng có tiến triển gì, bà Thủy cay đắng ôm con về.

Bệnh anh Vũ cũng ngày thêm nặng, dù không đến mức bạo lực, đuổi đánh người khác nhưng cũng quậy phá tứ tung. Lại một lần nữa bà phải bất đắc dĩ lấy xích khóa chân đứa con như đã phải làm với chồng hơn 10 năm trước.

Trong căn nhà bừa bộn, chỗ ngủ của bà Thủy và con út là ngoài phòng khách. Ông Trước và anh Vũ bị xích trong 2 phòng ngủ, sợi xích dài chừng 2m đã hoen ố hàng chục năm chưa một lần được mở ra. Một đầu sợi xích neo vào mấu sắt ở giữa nhà, đầu còn lại khóa chặt vào chân người.

Chuỗi ngày đắng cay của người phụ nữ phải xích chồng, chăm con tâm thần - 6

Mặc dù cực khổ, nhưng bà Thủy cố gắng chăm sóc chồng con, trong bữa cơm của chồng con có đầy đủ thịt cá (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngày trước khi bệnh chưa nặng thì chồng con bà Thủy còn tự biết đại tiểu tiện vào bồn cầu ở góc buồng. Nhưng giờ đây khi gần như đã mất hẳn ý thức thì có khi họ còn vấy bẩn chất thải lên cả đầu mình. Dù bà Thủy liên tục tắm rửa, dọn dẹp, nền nhà cũng được kỳ cọ sáng bóng nhưng mùi xú uế vẫn xộc lên khó chịu.

Để an toàn, kể cả khi đưa cơm cho chồng con bà Thủy cũng vội vàng như ăn cướp. Muốn cắt tóc, cắt móng tay móng chân cho chồng con thì bà cũng phải lựa khi chồng con đã ngủ kỹ, chỉ cần nghe động đậy là "vọt lẹ" nếu không để bị nắm được đầu là hậu quả không biết thế nào.

Hy vọng cuối cùng bị tắt ngấm

Con trai út của bà Thủy năm nay vừa tròn 30 tuổi, dù không đến nỗi như cha và anh nhưng cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Lúc nào tâm trạng tốt thì anh có thể giúp mẹ làm được vài việc vặt. Những khi không ưng ý nhẹ thì anh ra bờ ruộng ngồi ngẩn ngơ, nặng thì cũng đập phá, thậm chí đánh bà Thủy không chừng.

Vẫn muốn giữ lại cho lòng mình một chút hy vọng nên bao nhiêu năm qua bà Thủy vẫn không công nhận đứa con út của mình bị bệnh. Khi có ai đó vô tình hỏi đến đứa con thứ 2 thì khuôn mặt bà Thủy lộ ra vẻ thảng thốt, lo lắng bất an rồi bà lảng đi như không nghe thấy.

Chuỗi ngày đắng cay của người phụ nữ phải xích chồng, chăm con tâm thần - 7

Con trai út là niềm hy vọng cuối cùng của bà Thủy nhưng bị tắt ngấm (Ảnh: Nguyễn Cường).

Suốt bao nhiêu năm, một mình gồng gánh, sống tủi khổ, ở tuổi xế chiều bà Thủy vẫn luôn có nỗi niềm canh cánh trong lòng. Có những đêm bà nằm thương chồng con, nhớ cha mẹ rồi nước mắt cứ trào ra. "Tôi cũng như người chèo đò vậy, bình yên là được, yên được ngày nào thì biết ngày đó. Cứ nghĩ thương chồng con không biết mai này tôi yếu đi rồi thì sẽ ra sao. Rồi cũng chẳng biết cha mẹ già còn hay là mất, có lẽ cha mẹ, anh em ở đâu đó cũng đang lo lắng cho tôi như vậy", bà Thủy bùi ngùi. 

Bà Kiều Thị Năm (58 tuổi, họ hàng ông Trước) cho biết, những khi sang thăm gia đình bà Thủy thì mọi người cũng chỉ dám đứng trước cửa nhà chứ không dám vào nơi ông Trước và anh Vũ ở vì sợ bị đánh.

"Ai cũng thương nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều, có gạo có đồ gì thì chở qua cho thôi chứ chăm sóc thì không dám, không ai dám đến gần cả", bà Năm nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương - Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết chính quyền địa phương từ trước đến nay đều dành sự quan tâm đặc biệt đến gia đình bà Thủy.

Hiện 4 thành viên gia đình bà Thủy đều được nhận trợ cấp, tổng số tiền hơn 1,7 triệu đồng mỗi tháng. Chính quyền địa phương còn hỗ trợ thêm 4 triệu đồng mỗi tháng để đảm bảo cuộc sống tương đối tốt cho gia đình bà Thủy.

"Ngoài trợ cấp hàng tháng thì chính quyền cũng thường xuyên hỗ trợ các phần quà, gạo, thực phẩm. Đất gia đình bà Thủy đang ở là xã cấp, còn nhà là do mạnh thường quân xây tặng. Người dân trong xã cũng thương, cho thực phẩm và giúp đỡ nhiều", ông Phương nói.

Về quá trình công tác của ông Trước ở Công an TPHCM ông Phương cho biết, trong quá trình làm chế độ trợ cấp cán bộ xã đã lên đơn vị cũ nơi ông Trước từng công tác để xác minh, tuy nhiên thời điểm đó ông Trước đã hoàn tất thủ tục ra quân, không còn liên quan gì đến đến ngành công an nữa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm