Chủ xe Mercedes "hot" nhất Hà Nội kể khoảnh khắc kẹt giữa biển nước
(Dân trí) - Anh Nguyễn Cao Minh chia sẻ, do không thông thuộc đường phố khu vực quận Cầu Giấy nên anh không hề biết con đường mình đi dễ bị ngập sâu. Anh đã mất 2 tiếng chờ đợi trước khi xe cứu hộ đến.
Cơn mưa lớn "nhấn chìm" Hà Nội chiều 29/5 khiến giao thông khu vực nội đô hỗn loạn. Hàng loạt các phương tiện đã bị chết máy khi đi vào vùng ngập nước.
Giữa vô số hình ảnh xe ô tô chết máy được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đặc biệt chú ý đến hình ảnh một người đàn ông "nằm tạo dáng" trên nắp capo chiếc Mercedes-Benz C 300.
Hình ảnh này do PV Dân trí ghi nhận được khi tác nghiệp tình trạng ngập lụt tại khu vực đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ngay sau đó, bức ảnh đã gây "sốt" trên mạng xã hội, được nhiều diễn đàn, hội nhóm trên Facebook chia sẻ.
Một cư dân mạng dí dỏm bình luận: "Giữa mênh mông sóng nước, bác tài xế đang ngả lưng vào chiếc xe tiền tỷ thảnh thơi như thể đang nghỉ dưỡng tại bãi biển".
Chủ xe nói trên là anh Nguyễn Cao Minh (SN 1986, sinh sống ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội).
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Minh cho biết, trưa hôm qua (29/5), anh được bạn mời ăn cơm trưa ở phố Nguyễn Chánh (Cầu Giấy). Buổi chiều, anh di chuyển ra đường Dương Đình Nghệ để về nhà đúng lúc trời đang mưa to. Do không thông thuộc các con phố ở đây và cũng không sống ở khu vực này nên anh Minh không hề biết đây là khu vực thường bị ngập sâu.
"Từ Nguyễn Chánh đi ra đến Dương Đình Nghệ, tôi thấy đường bị ngập nhưng không nghĩ lại ngập sâu đến như vậy. Lúc rẽ từ đèn xanh đèn đỏ ra, xe của tôi lại đi đầu. Những xe sau thấy xe tôi đi ra bị ngập liền dừng lại quay đầu nên tránh được chết máy", anh Minh chia sẻ.
Khi di chuyển đến trước tòa báo Tài Nguyên Môi trường thì chiếc xe anh Minh bị chết máy. Lúc ấy, người đàn ông đành ngồi trong xe và gọi cứu hộ. Trời mưa ngày một nặng hạt, nước dâng cao và tràn dần vào xe, ngồi trong xe cảm thấy bí bách, anh Minh quyết định đi ra ngoài trèo lên nắp capo.
Theo anh Minh, những bức hình lan truyền trên mạng xã hội chủ yếu chụp vào lúc xe anh bị chết máy khoảng chừng 20 phút. Thời điểm trước đó, nước tại đường Dương Đình Nghệ chưa dâng cao như vậy.
Chia sẻ về lý do nằm "thảnh thơi" trên nắp capo, anh Minh cho hay: "Tôi trèo lên phía capo ngồi cốt để tránh cảm giác khó thở và để lực lượng cứu hộ dễ nhìn thấy vì xung quanh cũng có khá nhiều xe chết máy. Khi chờ mãi không thấy các bạn cứu hộ đến, tôi đành nằm ra capo cho đỡ mỏi vì cũng chẳng biết làm gì lúc ấy.
Ngoài ra, tôi cũng tranh thủ chụp mấy tấm hình đăng lên mạng Facebook để cảnh báo cho mọi người không nên đi qua khu vực này tránh rơi vào tình trạng mắc kẹt giữa đường như tôi".
Khi PV Dân trí hỏi về tâm trạng lúc đó, anh Nguyễn Cao Minh thành thật chia sẻ, lúc đó anh không quá lo cho chiếc xe mà chỉ lo trời mưa to, nếu có sấm sét thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thời điểm bị kẹt giữa biển nước, ngoài gọi cho lực lượng cứu hộ, anh Minh cũng gọi điện về thông báo cho gia đình. Người thân của anh khá lo lắng và liên tục hỏi thăm.
Sau gần 2 tiếng cùng xe chôn chân một chỗ, anh Minh cũng đón được lực lượng cứu hộ đến đưa xe mình ra khỏi điểm ngập.
Trở về nhà, anh Minh cảm thấy khá bất ngờ khi hình ảnh của mình xuất hiện khắp các trang mạng xã hội như một "biểu tượng" trong ngày Hà Nội bị "chìm nghỉm" trong biển nước.
Chia sẻ về tình trạng hiện tại của chiếc xe, anh Minh cho biết mình đã giao xe cho một thợ sửa thân thiết phụ trách khắc phục tình trạng xe sau ngập nước.
Anh Minh thông tin thêm: "Sau trận mưa lớn chiều qua, các gara ô tô rơi vào quá tải do nhiều xe cũng bị ngập như của tôi, cần đi khắc phục. Vậy nên khả năng 1-2 ngày nữa tôi mới biết cụ thể tình trạng chiếc xe của mình.
Tuy nhiên tôi nghĩ chiếc xe của tôi sẽ không sao cả. Trước đó, vì thường xuyên tìm hiểu các kiến thức về bảo dưỡng, chăm sóc xe nên tôi biết cần phải làm gì khi xe ngập nước.
Hôm qua, khi xe bị chết máy, tôi không cố khởi động lại xe nữa. Tôi biết, muốn nổ lại máy thì cần có không khí, khi đó các cửa máy sẽ mở ra và nước tràn vào. Không chỉ có thế, nổ máy trong nước có thể gây chập điện rất nguy hiểm. Chính vì vậy, tôi đã lựa chọn phương án tốt nhất lúc ấy là để nguyên hiện trạng chờ xe cứu hộ đến".