Phú Yên:
Chống "giặc" Covid-19 ở làng đồng bào Ê Đê
(Dân trí) - Luôn tự giác thực hiện đúng nguyên tắc "5K", đồng lòng đồng sức chống "giặc" Covid-19, làng đồng bào Ê Đê ở huyện miền núi Sông Hinh, Phú Yên đã chiến thắng dịch bệnh, hình thành "vùng xanh" bình yên.
Huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống (chiếm khoảng 48% dân số), trong đó chủ yếu là người Ê Đê.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện ở buôn làng, nhiều người lo ngại bởi tập quán quần cư của người Ê Đê sẽ khiến cho việc truy vết, kiểm soát y tế gặp khó khăn, từ đó dẫn đến dịch bùng phát mạnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, đến nay địa phương này được xem là "vùng xanh" của tỉnh Phú Yên.
Buôn làng "đánh thắng" dịch Covid-19
Sau khi tỉnh Phú Yên phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/6, thì khoảng một tuần sau (30/6) ở xã Ea Trol cũng xuất hiện người dương tính với SARS-CoV-2. Đây cũng là ca nhiễm đầu tiên trên địa bàn huyện Sông Hinh.
Đó là với trường hợp của bà H.T.Q ở buôn Ly, nguồn lây từ việc mua bán trấu với một người dân ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên). Những ngày sau đó, các ca nhiễm liên tục tăng cao và đỉnh điểm lên đến 22 ca tại buôn Ly và buôn Bầu (Ea Trol).
"Từ ngày dịch về, không khí yên bình, tĩnh lặng của buôn làng bị phá vỡ. Thay vào đó là tiếng còi hú inh ỏi của xe cứu thương chở F0 đi cách ly. Có nhà 5, 6 người vừa là F0 vừa là F1 được đi điều trị, cách ly cả. Thấy vậy, cả xã ai cũng sợ" - ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Trol kể lại.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Ea Trol, khi ca dịch tăng cao, bản thân cùng các cán bộ xã, huyện hết sức lo lắng vì Ea Trol có 1.100 hộ với khoảng 4.300 khẩu, trong đó có 95% là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo phong tục tập quán, người Ê Đê sống chủ yếu ở nhà sàn, gần sát nhau. Có những hộ gia đình, nhiều thế hệ cùng sống chung với nhau trong nhà sàn không có vách ngăn giữa các phòng, dùng chung các vật dụng sinh hoạt hàng ngày... do đó khả năng lây nhiễm là rất cao.
Trước tình hình đó, xã Ea Trol đã huy động 100% cán bộ xã tham gia chống dịch. Trong đó, phương pháp trọng tâm là tuyên truyền với người dân về nguyên tắc "5K", sau đó là tập trung lấy mẫu phát hiện F0, để tách F0 ra khỏi cộng đồng.
"Sau khi tuyên truyền, cùng với việc thấy rõ nhiều người, gia đình bị đưa đi cách ly, nên ý thức chấp hành của bà con được nâng lên rõ rệt. Bà con không tụ tập, tổ chức đám, cúng nữa và luôn luôn đeo khẩu trang, dù ở trong nhà. Nhờ đó, mà ca mắc Covid-19 ở Ea Trol dừng lại ở con số 22 ca cho đến nay" - ông Lê Văn Tấn cho hay.
Cán bộ, nhân dân đồng lòng chống dịch
Từ ngày Sông Hinh có dịch, hình ảnh những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch lái xe máy cày, lúc thì chở nhu yếu phẩm chăm lo đời sống cho người dân ở buôn làng, lúc chở từng cuộn rơm, bao cỏ để nuôi gia sức giúp các gia đình đi cách ly, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đồng bào ở địa phương này.
Ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Trol cho biết, sau khi phát hiện dịch, địa phương đã kêu gọi người dân, doanh nghiệp và các hội đoàn thể hỗ trợ vùng dịch. Khoảng 3 ngày sau, những chuyến hàng hỗ trợ đầu tiên bắt đầu về với Ea Trol.
"Thấy được sự quan tâm của nhà nước về cái ăn, cái mặc, người dân càng thêm tin tưởng, từ đó chấp hành nghiêm hơn quy định về phòng chống dịch" - ông Tấn chia sẻ.
Ngoài lo lương thực, thực phẩm cho người dân, xã Ea Trol chăm lo cả thức ăn cho gia súc của các hộ đi cách ly. Sau khi huy động, nhiều cá nhân, đơn vị đã hỗ trợ hơn 1.000 cuộn rơm, từ đó, các cán bộ dùng xe máy cày chở rơm đến từng chuồng gia súc.
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chống dịch, những tháng vừa qua, huyện Sông Hinh còn đảm nhận việc đón công dân từ các tỉnh phía Nam về lại địa phương.
Lúc đầu theo quy định, những công dân này sau khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 lần một sẽ được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, lo lắng với phong tục tập quán quần cư, việc cách ly tại nhà sẽ không đảm bảo, từ đó Sông Hinh mạnh dạn thành lập 22 "Tổ cách ly cộng đồng" tại các xã, thị trấn để cách ly những người trở về từ vùng dịch.
Theo quy định, những công dân trở về từ vùng dịch sẽ không được hỗ trợ tiền ăn khi cách ly. Trước tình hình này, lãnh đạo huyện Sông Hinh đã đứng ra kêu gọi sự góp công, góp sức của người dân. Thế là, con cá, quả bí, con gà, con heo, ký gạo…được người dân đưa đến để tặng các Tổ cách ly.
Đang nấu ăn cho bà con trong Tổ cách ly của xã, bà Nguyễn Thị Minh Sương - Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết, từ khi lập "Tổ cách ly cộng đồng" ở xã vào tháng 7 đến nay, đã đón hơn 80 người từ vùng dịch về thực hiện cách ly 14 ngày theo đúng quy định. Tất cả 80 người này đều được hỗ trợ ăn, ở miễn phí.
"Về chỗ ở, chúng tôi trưng dụng các trường học ở địa bàn, còn thức ăn thì bà con nhân dân, cán bộ, doanh nghiệp đóng góp. Người cho cân bí, cân thịt, cân gạo, còn cán bộ xã và tình nguyện viên thay phiên nhau nấu, phục vụ bà con. Người dân ở đây rất đồng lòng chống dịch, nhờ đó mà xã đã giữ được "vùng xanh" từ trước đến nay" - Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho hay.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nhận định: "Sông Hinh thắng được "giặc" Covid-19 là nhờ vào sự đồng lòng của người dân. Cụ thể, mọi người đều ý thức chấp hành nghiêm nguyên tắc "5K", nhờ đó mà không có bất kỳ trường hợp nào bị lây nhiễm chéo, ngoài ra người dân còn góp công, góp sức để đảm bảo đời sống cho công dân trong Tổ cách ly cộng đồng…".
Ông Bùi Thanh Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên nhận xét: "Từng cán bộ huyện Sông Hinh đã phát huy tinh thần trách nhiệm "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Qua đó đã tuyên truyền nhận biết rõ về sự nguy hiểm của dịch Covid-19.
Những cách làm hiệu quả này đã nhanh chóng giúp người dân ở các buôn làng hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, nhờ đó mà hạn chế được tình trạng lây nhiễm cộng đồng".