TP.HCM:
Chợ tình duyên của những...lão bà
(Dân trí) - Giữa Sài Gòn nhộn nhịp vẫn còn đó một ngôi chợ chỉ bán một mặt hàng “tình duyên” phục vụ trong dịp lễ hội, cưới hỏi. Điều kì lạ, tiểu thương nơi đây đều là những lão bà đã ngoài 80 tuổi.
Xuất hiện từ hàng trăm năm trước
Nằm bên hông bến xe Chợ Lớn (đường Lê Quang Sung, quận 6), chợ tình duyên chuyên bán các mặt hàng trầu cau, các mặt hàng phục vụ cho lễ hội, cưới hỏi nằm "nép mình" giữ nhịp sống ồn ào của nhịp sống thành thị. Với người dân gốc Sài Gòn, họ còn ví von nơi đây như là ngôi chợ của những lão bà bởi người bán hàng đã hơn 80 tuổi.
Xuất phát từ văn hóa của người Việt cổ, trầu cau ngoài việc được sử dụng trong các lễ lớn, còn trở thành thức ăn được ưa chuộng của nhiều người. Có lẽ vì thế mà cách đây mấy chục năm, vào thời hoàng kim, cả chợ có gần năm chục gian hàng và được xem là vựa trầu cau lớn nhất Nam kỳ lục tỉnh.
Tiểu thương nơi đây cho biết, chợ trầu cau này tồn tại gần 100 năm nay, dẫu phố phường nơi đây đã bao lần đổi thay. Dù chỉ buôn bán những mặt hàng có sẵn, không cần nhiều bí quyết truyền nghề nhưng những gánh bán trầu cau cũng thuộc dạng “cha truyền con nối” qua nhiều đời. Gánh hàng lâu năm ở đây ít nhất cũng đã qua ba thế hệ tiếp nối, non tuổi hơn cũng đã tới hai thế hệ.
Các tiểu thương từ các chợ nhỏ lẻ đều đổ về đây lấy hàng. Ngày đó, mỗi người một ngày bán được cả xe ba gác, ước chừng tám chín thiên cau là chuyện thường. Trầu cau đa số được lấy từ 18 thôn vườn trầu ở Bà Điểm - Hóc Môn, một trong những nơi được đánh giá là quê hương của “trầu ngon cau ngọt”. Tuy nhiên, đó là chuyện của nhiều năm trước, giờ chỉ còn trong ký ức của những “lão làng” tại chợ.
Người bán hàng là những lão bà
Dạo quanh một vòng chợ, đập vào mắt chúng tôi là những mâm quả làm sính lễ được bày sẵn và trang trí khá bắt mắt.
Bà Sáu Lơn giới thiệu: “Để trang trí một mâm lễ, buồng cau phải có ít nhất 40 trái, nếu nhưng đẹp nhất và ý nghĩa thì phải có 105 trái với nghĩa trăm năm hạnh phúc. Cau làm của lễ phải đều, da bóng, được cắt tỉa gọn gàng, điểm thêm vài bông dừa cạn, dán chữ Song hỷ có ánh kim tuyến lên từng trái cau và đệm nửa ký trầu là hoàn tất. Trầu ăn hoặc cúng cũng được têm sẵn theo nhiều kiểu như têm cánh phượng, têm bánh ú hay xếp 6 - 12 cánh”.
Giá cả ở đây cũng đủ loại, chủ yếu được tính dựa vào số lượng và xuất xứ trái cau, lá trầu. Nếu loại trồng tại miền Tây sẽ rẻ hơn loại trồng tại Bà Điểm vì có nhiều vị chát, trái không tròn đều. Mâm quả vào khoảng 40 trái giá chỉ nhỉnh hơn 100.000 đồng, mắc nhất là loại quả trên trăm trái với cau loại một của Bà Điểm, có trái to tròn, da xanh trơn láng, giá dao động trên dưới 300.000 đồng. Cau dành cho khách mua lẻ có giá 20.000 – 30.000 đồng/chục (13 trái), trầu khoảng 2.000 - 6.000 đồng /lạng... Ngoài việc bán hàng, các tiểu thương tại chợ cũng kiêm luôn việc trang trí mâm quả, cung cấp cho các dịch vụ cưới hỏi.
Bà Út (85 tuổi) kể: “Tôi không biết chợ này bắt đầu có từ khi nào nhưng khi tôi sinh ra thì bà tôi đã bán ở đây. Đến khi lớn lên, tôi được mẹ truyền nghề cho và cứ thế bán trầu cau cho đến ngày hôm nay”.
Bà Sáu Lơn (80 tuổi), thâm niên bán trầu cau 50 năm tại chợ ngậm ngùi kể: “Nhiều khi nhớ lại cảnh mua bán tấp nập ngày đó mà thấy thèm. Giờ chợ chỉ còn lại mấy bà già, tụi nhỏ không thiết tha gì với nghề này, khách cũng vãn dần vì không mấy ai mặn mà với vị cay nồng mà thanh khiết của món này. Họ đến mua chỉ để đáp ứng cho các lễ nghi có tính tượng trưng… chứ đâu có ai ăn”.
Chợ thưa vắng dần theo năm tháng
Giờ đây, tuy vẫn duy trì thời gian họp chợ từ tờ mờ sáng đến chạng vạng, nhưng những gánh hàng đã vơi đi, người mua cũng thưa dần... Khách đến chợ chủ yếu mua trầu cau làm đồ lễ cưới xin, số ít mua về đi lễ chùa hoặc cúng cữu huyền, Thánh Mẫu nên những gánh hàng cũng “đổi mình” cho hiện đại và hợp với nhu cầu xã hội hơn.
Người tiêu dùng thu hẹp nên thu nhập từ nghề này không còn như xưa. “Những ngày cuối tuần, nhiều người được ở nhà nghỉ ngơi và chơi với con cháu, còn người bán trầu vẫn phải quang gánh xuống phố. Vì chỉ những ngày này mới có thể bán được khoảng 7-8 trăm cau, riêng ngày thường nếu may mắn thì có thể bán được đôi ba trăm cau”, bà Phương chủ một gian hàng chia sẻ.
Trầu cau tuy gắn liền với nét văn hóa Việt Nam nhưng những gánh trầu đang mai một dần. Một phần vì người biết ăn trầu ngày một ít, phần khác, hiện tượng đô thị hóa đã làm mất dần những vườn cau, dây trầu. Ngay cả 18 thôn vườn trầu tại Bà Điểm (huyện Hóc Môn) cũng chỉ còn lại một thôn, phần đông những vườn trầu gốc cau giờ đã thành những dãy nhà trọ cho công nhân thuê.
Trở lại câu chuyện về sự tồn tại và phát triển của chợ tình duyên, bà Út, mắt nhìn xa xăm lo lắng: “Dẫu không còn ai ăn thì người ta cũng sẽ mua để làm quà cưới, cái khó là mấy đứa nhỏ chẳng đứa nào chịu theo nghề. Rồi cũng đến lúc người ta thay đồ giả để làm sính lễ thôi, chợ chắc chỉ còn đếm tháng, đếm ngày”.
Trung Kiên