Chợ Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống Việt

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Chợ tết không chỉ là nơi để trao đổi buôn bán mà còn là một bức tranh tái hiện văn hóa màu sắc bao đời của người Việt.

Chợ tết khơi gợi những kỷ niệm xưa cũ cho thế hệ ông bà bố mẹ và giáo dục cho con trẻ những giá trị truyền thống. Bởi thế, những phiên chợ tết vẫn luôn là một phần quan trọng trong không gian văn hóa tết Việt.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Vũ Bằng hay Đoàn Văn Cừ đã có những cảm nhận và miêu tả thơ mộng về phiên chợ tết của người Việt trong "Thương nhớ mười hai" và "Chợ tết". Chợ tết từ xa xưa là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Năm nào cũng vậy, khi bắt đầu ra chợ mua sắm lễ vật cúng Táo quân là trong tâm tư nhiều người lại vang lên những câu thơ của Đoàn Văn Cừ: "Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh/Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/Người các ấp tưng bừng ra chợ tết". Rồi có người nhớ quê nhà. Nhớ những ngày theo bà, theo mẹ đi chợ tết…

Chợ Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống Việt - 1
Một góc hướng dẫn gói bánh chưng tại chợ Tết Ciputra Hanoi (Ảnh: Ciputra Hanoi).

Ở các miền quê có rất nhiều chợ, thường họp phiên theo buổi sáng, chiều hoặc ngày chẵn, lẻ, tuy nhiên, từ 23 tháng Chạp trở đi, một số chợ này không họp theo phiên mà diễn ra cả ngày. Người bán bán dăm ba thứ có trong vườn, trong chuồng hay kiếm được trên rừng. Người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả. Thứ họ trao nhau là niềm vui, sự ấm áp, chân thành. Cũng có những nơi, chợ diễn ra ngay trên một con ngõ đầu làng hay trên một bãi cỏ trống. Ở đó, không khí cũng không kém phần náo nhiệt bởi chợ là nơi để những người đi xa vừa mới trở về gặp lại chòm xóm, hỏi thăm nhau những chuyện cũ, chuyện mới… Chợ tết cũng là dịp trẻ con trong làng được theo chân mẹ mua sắm quần áo, đồ chơi nên càng thêm đa sắc, đa thanh.

Chợ Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống Việt - 2
Ngay cả trong những khu đô thị hiện đại, chợ Tết cũng được tổ chức với nhiều mặt hàng đa dạng. Trong ảnh là chợ Tết tại KĐT Ciputra Hanoi.

Ngày nay, tốc độ thành thị hóa và nhịp sống số đã giúp các bà nội trợ có thể đi chợ online. Tuy nhiên, tiện ích đó chỉ được ưa chuộng trong cuộc sống đời thường. Chợ tết với những nếp sinh hoạt truyền thống vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Không ít các mẹ, các chị mong đợi tết để có thể đi chợ sắm đồ đạc. Việc đi chợ tết là một nhu cầu tự thân, nó nằm sâu trong tâm thức để đến tháng, đến ngày, đến cái màu không gian ấy là tự nhiên trỗi dậy.

Với người phụ nữ, chợ tết còn là nơi thiên chức được thể hiện. Có thể phải chen chúc một tý, chịu ồn ào một tý nhưng cả người mua lẫn người bán đều mang trong lòng một cảm giác thiêng liêng, thành kính khi mua bán một cành hoa, dăm quả cau, vài liền trầu, mấy nén nhang, thịt thà, gạo, nếp và mắm muối, lá dong… Số lượng có thể không nhiều nhưng việc mua bán ấy khiến người ta tìm thấy nhiều ý nghĩa tinh thần trong việc sửa soạn vật chất…

Chợ Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống Việt - 3
Nhiều người đi xa trở về thích đi chợ chỉ để cảm nhận không khí Tết quen thuộc từ thuở nhỏ (Ảnh: Ciputra Hanoi).

Chợ tết ở một phương diện nào đó là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Mỗi vùng miền đều có những nét đặc trưng riêng biệt. Nét văn hóa ấy có thể ẩn trong phương cách đi chợ, có thể ẩn trong hàng hóa, trong tâm thức người đến chợ. Và hơn hết là được chứng kiến sự thân tình, hòa nhã, sự chân chất, mộc mạc của cả người bán và người mua.

Chợ Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống Việt - 4

Chợ tết ở một phương diện nào đó là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc (Ảnh: Ciputra Hanoi).

Ở thành thị, chợ Tết thường sẽ hiện đại hơn nhưng vẫn có nét chung của một phiên chợ xuân ấm áp phong vị truyền thống. Vẫn là những mặt hàng phục vụ Tết như thực phẩm, đồ uống, nông sản, và đồ trang trí,... cùng với một số hoạt động văn hóa cho con trẻ như: góc gói bánh chưng, nặn tò he, hay các trò chơi truyền thống như câu cá, tô tranh. Tất cả cộng hưởng thành một bức tranh xuân đầy màu sắc và tình thân.

Chợ Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống Việt - 5
Các em nhỏ đi chợ Tết được trải nghiệm vẽ tranh trên giấy gió (Ảnh: Ciputra Hanoi).

Chị Lan Anh (sống tại Ciputra Hanoi) cho biết: "Bây giờ, thời buổi công nghệ, người ta mang hàng hóa đến tận nơi, chúng tôi chỉ cần ngồi ở nhà mua sắm trên mạng. Tuy nhiên, chợ tết thì khác. Đi chợ tết đã thành nếp của gia đình chúng tôi. Dù ai đi đâu, làm gì, áp tết cũng trở về để có mặt trong những phiên chợ tết. Có thể chẳng mua sắm gì cũng đi để được ngắm nhìn, để được lắng nghe chút không khí của ngày xưa…".

Chợ Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống Việt - 6
Với nhiều người, có thể chẳng mua sắm gì cũng đi để được ngắm nhìn, để được lắng nghe chút không khí của ngày xưa (Ảnh: Ciputra Hanoi).

Nhịp sống hiện đại đã mang đến những cái tết khác nhau, cách chơi tết khác nhau. Dẫu vậy, người Việt vẫn đi chợ tết với mong muốn được hòa mình vào không gian văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ở đó, người ta bày tỏ khát vọng về một cuộc sống ấm no, sung túc. Ở đó, người ta tìm thấy những giá trị tinh thần to lớn trong nét bình dị, chân chất của phiên chợ truyền thống. Tết vì thế cũng thêm phần ý vị hơn…

Ngày 7/1/2023, Khu đô thị Ciputra Hanoi đã tổ chức Phiên Chợ Tết cho cư dân với gần 50 mặt hàng, trong đó phải kể tới các thương hiệu đã hợp tác lâu năm như Top Green, Lê Gia, 9 mắm, Green Nut, Hải sản Khánh Phú Quốc, Vua đặc sản, Chả cá Huệ Dương cùng các hoạt động văn hóa truyền thống ý nghĩa. Đây là một sự kiện cộng đồng thường niên giúp gắn kết và nâng cao đời sống tinh thần cư dân mà Ciputra luôn hướng tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm