Cho rắn độc cắn hàng tuần để tăng cường miễn dịch
(Dân trí) - Joe Quililan là một người bắt rắn ở Philippines. Anh được mệnh danh là “người đàn ông có nọc” vì cho rắn độc cắn hàng tuần và đôi khi còn tự tiêm nọc độc của rắn vào cơ thể mình.
Quililan đến từ thành phố Cagayan de Oro, phía bắc Philippines biết bắt rắn hổ mang từ năm 14 tuổi. Hồi đó, do chưa có kinh nghiệm nên một lần bị rắn độc cắn, Quililan không hề đi đến bệnh viện mà chỉ lau vết thương rồi coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Bất ngờ là trong khi hầu hết mọi người gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về hô hấp sau khi bị rắn cắn, tiếp đó là mất ý thức và cái chết cận kề thì Quililan lại chẳng hề hấn gì. Người đàn ông 31 tuổi tuyên bố sau tai nạn ấy, anh nhận ra mình có khả năng kháng độc từ nọc rắn hổ mang và đến bây giờ, sau nhiều năm tôi luyện là miễn dịch hoàn toàn.
Quililan thừa nhận con đường trở thành người miễn dịch với nọc rắn tương đối chông gai. Trong suốt những năm qua, anh đã phải cho rắn hổ mang cắn hàng trăm lần, có 5 lần suýt chết, thậm chí suýt bị cắt cụt một ngón tay vì độc rắn nhưng Quililan chưa bao giờ bỏ cuộc.
“Tôi không thể tránh gặp những con rắn hoang dã, hung dữ và tôi đã ra vào bệnh viện tới 5 lần nhưng những vết cắn làm tôi ngày càng miễn dịch với nọc độc nhiều hơn”, Quililan chia sẻ trong một lần phỏng vấn gần đây.
Để tăng sức đề kháng cho mình, người đàn ông 31 tuổi thường cho những con rắn non cắn một tuần một lần và tiêm nọc rắn vào cơ thể 3 tuần một lần. Thói quen này không chỉ giúp Quililan miễn dịch với nọc rắn mà còn khiến anh cảm thấy khỏe hơn.
Từng xuất hiện trong chương trình Kapuso Mo của đài GMA và chương trình Jessica Soho (KMJS), Quililan đã có dịp chứng minh khả năng đặc biệt của mình trên sóng truyền hình 2 lần liền. Khi mọi người hốt hoảng thì đúng 1 giờ sau đó, chính các bác sĩ đã phải cho Quililan xuất viện và khẳng định cơ thể anh hoàn toàn khỏe mạnh.
Sau khi xuất hiện trên KMJS, máu của Quililan cũng được gửi đến Viện nghiên cứu Y học nhiệt đới để phân tích và kết quả cho thấy cơ thể anh tự sản sinh ra các kháng thể giúp trung hòa nọc rắn hổ mang.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng Joe thực sự có kháng thể chống lại nọc rắn hổ mang nhưng mức độ trung hòa của máu với nọc độc như thế nào thì chúng tôi chưa chắc chắn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một người có thể làm điều đó”, Eleonor Cervantes, một chuyên gia nghiên cứu khoa học có nhiều năm kinh nghiệm cho biết.
Quililan là người đầu tiên sử dụng phương pháp đau đớn và nguy hiểm này để tăng cường miễn dịch dù trước đó, một người đam mê rắn khác là Tim Friede cũng từng tuyên bố mình miễn dịch với nọc độc rắn và thường xuyên tiêm nọc rắn pha loãng vào cơ thể.
Trà Xanh
Theo TS