Chỗ đứng thổ cẩm Việt Nam
(Dân trí) - Lần đầu tiên, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam được diễn ra đầu năm 2019 tại tỉnh Đắk Nông cho thổ cẩm Việt Nam; trong bài phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là sứ mệnh đối với một di sản quan trọng, thiêng liêng đã được truyền từ đời này sang đời khác trong đồng của 54 dân tộc anh em”.
Vậy thổ cẩm có bước ra khỏi bản làng, có thể trở thành một ngành phát triển kinh tế cho đồng bào được không? Nhà thiết kế Minh Hạnh gắn bó và sáng tạo nhiều với thổ cẩm Việt nói: “Dệt vải cũng chính là một sinh hoạt văn hóa truyền thống bám rất chắc vào cuộc sống cộng đồng, được sinh ra từ một yêu cầu cụ thể của cuộc sống.
Họ biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nền nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt.
Hoa văn đều hướng vào đời sống thực và hướng vào thiên nhiên. Giữa thiên nhiên và con người được nghệ thuật phản ánh là một sự hòa đồng, gắn bó không thể tách rời. Các mô típ hoa lá, động vật được trang trí trên đồ dệt đều có thực trong cuộc sống và hữu ích cho con người”.
Cô gái Cơtu dệt thổ cẩm
Ngày 8/8, Festival văn hóa tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam lần thứ V/2019 đã diễn ra tại Hội An, nơi phát triển du lịch với số lượt khách 4 triệu mỗi năm chính là cửa ngõ để đưa thổ cẩm Việt Nam ra thế giới thông qua con đường phục vụ du lịch.
Rất nhiều nơi ở các vùng xa xôi, thổ cẩm của đồng bào đã được trân trọng nhờ vào các dự án phát triển văn hóa du lịch.
Làng nghề dệt thổ cẩm thuyền thống ĐHRÔỒNG của đồng bào Cơtu tại xã Tà Lu, huyện Đông Giang, Quảng Nam
Mới đây, tại Khu Du lịch sinh thái Suối Hoa (Đà Nẵng), nghệ nhân A Lăng Thị Phơi trình diễn dệt những tấm thổ cẩm mang sắc màu và họa tiết rất đặc trưng của người Cơtu, tộc người sống ở vùng núi Đà Nẵng và Quảng Nam.
Với đôi bàn tay thoăn thoắt đẩy lên đẩy xuống chiếc khung dệt gồm 9 thanh tre dài và 2 thanh gỗ, những sợi gai bỗng thành tấm khăn độc đáo làm say lòng người.
Từ khi dự án tại khu du lịch này phát triển khởi sắc, một trong những yếu tố phát triển nền tảng là bảo tồn, khôi phục và quảng bá văn hóa Cơtu với du khách, nên nơi này đã hình thành không gian văn hóa thổ cẩm Cơtu, nơi những người phụ nữ ngồi trong căn nhà truyền thống và sáng tạo ra những hoa văn mới để dệt.
Phụ nữ trong làng ĐHRÔỒNG dệt thổ cẩm, vừa phục vụ du lịch, vừa phục vụ đời sống của bà con và bảo tồn nghề truyền thống
Chị A Lăng Thị Phơi rất vui khi được làm nghề cùng với những phụ nữ khác trong thôn, có thu nhập ổn định. Phải chăng đây chính là hướng đi căn bản nhất, đưa thổ cẩm vào đời sống bằng con đường du lịch văn hóa!
Qua câu chuyện với nghệ nhân này, du khách có thể hiểu thêm giá trị làm nên tấm thổ cẩm không chỉ là chất liệu mà còn là hoa văn. Hoa văn thổ cẩm là nét chấm phá rất riêng của mỗi dân tộc trên từng tấm thổ cẩm, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng riêng.
Mỗi nét vẽ, mỗi đường dệt trên những tấm thổ cẩm là biểu hiện của tâm tư, tình cảm, tài năng người dệt… Thậm chí cùng một triền núi, hai bản người dân tộc khác nhau, trang phục, nét thổ cẩm đã hoàn toàn khác biệt. Và đó chính là giá trị văn hóa được ghi nhận ở thổ cẩm.
Hiện nay rất nhiều nơi, các nghệ nhân đã tập hợp lại để sản xuất, biến những sản phẩm dệt thổ cẩm thành hàng hóa có thương hiệu tốt. Tại Hà Giang, thổ cẩm Lùng Tám là cái tên quen thuộc.
Chị Vàng Thị Mai (Chủ nhiệm HTX lanh Hợp Tiến, Lùng Tám) tâm sự: “Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám, khắp vùng cao Hà Giang, chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được”.
Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Cơtu
Những người phụ nữ ở Lùng Tám không nghỉ trưa, họ ngồi bên khung dệt đắm mình vào tấm vải thổ cẩm. Khi thì thêu váy, lúc lại dệt vải, rồi lại miệt mài truyền nghề cho lớp trẻ...
Làm được một sản phẩm từ vải thổ cẩm kỳ công lắm phải mất hơn 40 công đoạn mới hoàn thành. Đầu tiên là se sợi, dệt vải, nhuộm, sau đó mới cắt, may, thêu hoa văn trang trí. Để làm được một chiếc chăn phải mất cả tháng trời, đơn giản hơn là chiếc ví cũng phải mất một ngày.
Nhưng chính việc duy trì cách làm tay trên khung dệt thô sơ, vải nhuộm từ thiên nhiên, đường thêu lấy mẫu từ cuộc sống hàng ngày, nên thổ cẩm Lùng Tám đúng là báu vật văn hóa, rất được du khách trân trọng.
Con đường duy trì, bảo tồn tinh hoa của thổ cẩm của đòng bào các vùng chính là gắn bó phát triển du lịch, tạo điều kiện để đòng bào có thể bán được sản phẩm đúng giá trị, đủ sống, và găn bó với nghề truyền thống.
Bảo tồn và phát triển nghề dệt vải, thêu thùa nên những tấm thổ cẩm là câu chuyện văn hóa của từng bản làng, từng dân tộc, và của chính đồng bào nơi đó. Biến những tấm vải truyền thống thành những món đồ nội thất, thời trang hiện đại và đưa vào sản xuất tại chỗ, nó mới gắn kết tinh thần văn hóa, giá trị cổ truyền vào đời sống hôm nay.
Những nơi thổ cẩm đang được dệt ra ở Lùng Tám - Hà Giang, thổ cẩm Chăm ở Ninh Nghiệp - Phan Rang, thổ cẩm Cơtu tại Hòa Vang - Đà Nẵng, thổ cẩm Khơ ở Tịnh Biên - An Giang đang gắn bó với du lịch văn hóa, đó là con đường nâng giá trị thổ cẩm lên nhiều nhất hiện nay.
Công Bính