Chợ đêm "thời cô-vít"

(Dân trí) - Chợ đêm là thế giới riêng, ở đó không chỉ có bóng tối, ánh sáng hiu hắt, nhạt nhòa, mà các hoạt động của con người vào thời điểm này cũng chậm rãi, êm đềm, sâu lắng như một dòng sông.

Khác hẳn với phiên chợ thông thường, ở chợ đêm, mọi âm thanh đều thì thào, khe khẽ như hạt mầm, dù lúc đông hay vắng, ngày thưa cũng như ngày mau, tất cả đều diễn ra trong một trật tự với sự đối lập động mà không thanh âm.

Ở chợ đêm, dường như mỗi người bán hàng là một thân phận, ở họ có những cuộc vật lộn lặng lẽ, âm thầm bươn chải mưu sinh, giữa "thời cô -vít" điều đó càng thấy rõ hơn bao giờ hết.

Chợ đêm thời cô-vít - 1

Cả nhà đi chợ đêm.

Lý Mai Quyên, năm nay bước sang tuổi 33, nhà ở phường Nam Cường, cách chợ đêm Châu Úy trên đường Trần Phú, thành phố Lào Cao, tỉnh Lào Cai 10 phút đi bộ.

Ở độ tuổi lao động "chín" nhất của đời người với sức khỏe tốt, được đào tạo, giàu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc nên Quyên không bao giờ nghĩ tới là có một ngày mình lại thất nghiệp.

Quyên từng có nhiều năm làm việc tại khách sạn quốc tế Aristo ở bộ phận casino dành cho du khách nước ngoài. Bệnh dịch Covid-19 bất ngờ nảy sinh, như hàng triệu triệu lao động trên thế giới này, một ngày đầu năm 2020, Quyên thẫn thờ bước ra khỏi nơi làm việc mà không hẹn ngày trở lại.

Bất ngờ và bất lực, phải cả tháng sau Quyên mới cân bằng được tâm lý và tìm được lối thoát là đi học làm nail, massage mặt, cắt tóc, gội đầu rồi mở cửa hàng tại chính ngôi nhà mình đang ở.

Vốn liếng dành dụm được cả trăm triệu đồng đổ vào cửa hàng rồi cũng chỉ mang lại kết quả vài khách đến trong một tuần, thời gian mở cửa và đóng cửa vì giãn cách gần tương đương nhau. Khi chợ đêm, chợ đầu mối chuyên bán hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống của thành phố chuyển từ phường Kim Tân về chợ Châu Úy thuộc phường Bắc Cường thì Quyên nghĩ ngay tới việc bán hàng nước.

Đêm nào cũng đều đặn, đúng 22 giờ Quyên lại kẽo kẹt đẩy xe hàng với lỉnh kỉnh ghế nhựa, bình đun, phích nước, chai lọ, cốc chén, vài ba gói bánh kẹo, mấy quả cóc chua tới chợ. Khách của Quyên thường là những lái xe tải chở rau, củ, quả từ các huyện trong tỉnh đến chợ, trước khi giãn cách xã hội vì bệnh dịch còn có khách là lái xe các tỉnh, thành Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội.

Khách hàng còn những ông chồng chở vợ bằng xe máy đi chợ đêm bán hàng, mấy bác bảo vệ chợ, những chị em chưa quen thức đêm cần một cốc chè đặc hoặc cốc cà phê để chống lại cơn buồn ngủ.

Với những người uống nước như một liều thuốc chống ngủ gật thì nháo nhào, còn cánh lái xe, cánh đợi vợ thì hoặc thi đấu một vài ván cờ tướng hoặc thinh lặng, gà gật trên ghế nhựa chờ trời sáng.

Quen với làm ca ở casino nên Quyên không khó khăn lắm với cảnh thức thâu đêm nhưng thu nhập mỗi lần ra chợ chỉ vài chục đến khoảng 100 nghìn đồng nên cô lại nghĩ tới việc thay đổi nhưng chưa tìm được việc nào khả quan.

Khác với Quyên, nhà Hương, 31 tuổi trú tại phường Duyên Hải, cách chợ Châu Úy tới 9 cây số nhưng hôm nào cô cũng tới chợ trước giờ mở cửa. Chỗ bán hàng của Hương ở ngay gần cổng chính, vài ba chai nước, ấm chè, thùng đựng đá, vài ba ghế nhựa xếp chồng lên nhau được chất chồng lên một xe đẩy nho nhỏ. Mỗi đêm cũng chỉ bán được vài chục cốc nước, thu nhập khoảng hơn trăm đến 200 nghìn đồng nhưng Hương vẫn bám nghề.

Hương có đến 12 năm bán hàng nước ở chợ đêm, ban đầu là Cốc Lếu, sau là Kim Tân, giờ là Bắc Cường, chợ cứ dần xa nơi ở của Hương nhưng ngặt nỗi cô đã quen thức đêm và ngủ ngày, giờ muốn thay đổi cũng không dễ.

Hương bảo trước đây chợ đêm họp ở Cốc Lếu người mua, kẻ bán nhộn nhịp lắm, xuống Kim Tân là lượng khách bớt đi, chuyển về chợ Châu Úy thì giảm hẳn.

Chợ đêm thời cô-vít - 2

Chợ đêm là một phần của cuộc sống, ngoài hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ, trao đổi hàng hóa thì chợ đêm còn có sắc màu văn hóa riêng, ngay cả khi "thời cô-vít" hoành hành.

Nhưng khó khăn của Hương chưa thấm vào đâu so với người ngồi cạnh, chị Giàng Thị Súa, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. Cơm chiều thật sớm, chị Súa chở xe máy ít su su, bắp cải tới thành phố Lào Cai chờ tới giờ chợ đêm mở cửa.

Hàng ít nên không mấy ai ngó ngàng, có đêm Súa phải bán tới sáng, thậm chí có ngày hàng ế phải bán cả buổi sáng ở Kim Tân, đầu cầu số 4 đến hết hàng mới trở về Sa Pa. Ngay gần đó là sạp chanh tươi của chị Hiền, nhà ở xã Xuân Quang, Bảo Thắng.

Hãy thử hình dung, trồng cả một năm, chờ hái một yến chanh trong vườn rồi mang tới chợ bán buôn chỉ được 80 nghìn đồng, vừa đủ tiền xăng và tiền phí chợ. Để đạt ngày công, chị Hiền cần phải bán được ít nhất 50 kg chanh. Hơn thế, hôm nào khỏe chị cố chở xe máy 70 - 80 kg cho bõ chuyến.

Hồi chưa có dịch bệnh, chị Hiền bán hàng dễ dàng lắm, còn nay thường xuyên ế ẩm, có đêm chỉ bán nổi 20 kg chanh. Rồi cũng như chị Súa, buổi chợ đêm nào không bán hết chị Hiền lại chạy khắp các ngõ, ngách thành phố bán rong chanh quả với giá 12 nghìn đồng/kg.

"Thời cô-vít", khó khăn không chỉ tác động đến người bán, người đi mua cũng đã thay đổi về thành phần và thói quen. Chị Huyền, trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng có nhiều năm bán rau ở chợ đêm thành phố Lào Cai, đêm nào cũng chất đầy rau, củ, quả lên xe ô tô tải 2 tấn rưỡi.

Trước đây bán đổ, bán buôn cho các nhà hàng, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp lớn, bán cho khách mua buôn tới chợ huyện, thị xã trong tỉnh nên thường qua nửa đêm đã hết veo, nhưng giờ đây dịch dã ế chỏng chơ, chị Huyền phải chờ tới gần sáng để bán lẻ cho người nội trợ các gia đình đi chợ sớm.

Chị Huyền tổng kết rằng, từ khi có "dịch cô-vít" lại có thêm nhiều khách mua lẻ là những gia đình dậy sớm đi chợ để đồ được tươi hơn nếu thấy cần tích trữ và bởi kinh tế khó khăn nên giá mua thấp hơn đôi phần cũng thấy quý lắm.

Chợ đêm thời cô-vít - 3

Vẻ lặng lẽ của chợ đêm Châu Úy.

Chợ đêm gần về sáng, người đi bộ, đi xe đạp thể dục cũng tạt vào tranh thủ mua hàng, số lượng ít nhưng giá mua buôn nên nhiều người thấy việc dậy sớm không hề uổng phí. Dịch dã khiến thói quen cũng thay đổi ở nhiều người mua hàng, họ hướng tới mặt hàng cùng loại nhưng giá thấp hơn (do mẫu mã), rồi mặc cả, so đo, nâng lên đặt xuống nhiều hơn.

Chợ đêm "thời cô-vít", dù không nườm nượp như trước, dù thưa vắng, dù không có người ngoại tỉnh do giãn cách, nhưng ai cũng đeo khẩu trang, cũng cố gắng giữ khoảng cách bởi tất cả đều ý thức được mối nguy hiểm từ dịch bệnh.

Ngày và đêm là quy luật của thời gian, có điều ít ai biết rằng hầu hết lượng hàng thực phẩm tươi sống của các chợ bán ban ngày trên địa bàn thành phố Lào Cai, một số huyện, thị xã trong tỉnh là bắt nguồn từ chợ họp lúc nửa đêm đến sáng.

Chợ đêm là một phần của cuộc sống, ngoài hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ, trao đổi hàng hóa thì chợ đêm còn có sắc màu văn hóa riêng, riêng ngay cả khi "thời cô-vít" hoành hành.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm