Chiêu câu khách "bá đạo" của hàng rong khiến khách “mắc lừa ngoạn mục”
(Dân trí) - Thay vì sử dụng biển quảng cáo ghi đúng đơn vị thông dụng là 1kg thì nhiều người bán hàng rong lại chọn đơn vị là 1/2kg, thậm chí với những loại quả có giá bán cao thì niêm yết giá bán theo lạng khiến người mua hàng nhầm lẫn.
Thời gian gần đây, trên các tuyến đường: Nguyễn Xiển, Tố Hữu, Xã Đàn (Hà Nội)… các xe hàng rong đứng hàng dài, bày bán đủ loại hoa quả từ nhãn, ổi, chôm chôm, mận, dưa hấu… Thế nhưng thay vì sử dụng biển quảng cáo ghi đúng đơn vị thông dụng là 1kg thì nhiều người bán lại chọn đơn vị số lẻ là 1/2kg để quảng cáo, thậm chí với những loại quả có giá bán cao thì niêm yết giá theo lạng khiến người mua hàng nhầm lẫn.
Ví dụ, một kg nhãn trên thị trường có giá bán là 20 nghìn đồng, thì trên tấm biển quảng cáo, giá người bán lại ghi mức 10 nghìn đồng/ 0,5kg. Tuy nhiên, số 10 được viết in hoa đậm, nổi bật trong khi đó trọng lượng thật là 0,5kg lại được ghi bên dưới, chữ nhỏ. Nhìn từ xa, khách sẽ hiểu nhầm hàng chỉ có giá là 10 nghìn đồng một kg nên dừng chân chọn mua.
Không chỉ có nhãn, nhiều mặt hàng khác cũng được người bán sử dụng chiêu thức tương tự để “hút” khách. Một người bán dưa hấu ghi 5 nghìn đồng/1/2 kg, trong đó số 1 ghi nhỏ, số 2 ghi to, tô đậm nét. Hoặc, nhiều sạp bán mận trên biển quảng cáo ghi giá 12 nghìn đồng/1 lạng, chữ lạng được ghi nhỏ, mờ nhạt.
Với chiêu thức quảng cáo này, rất nhiều người mua hàng đã bị thu hút bởi mức giá rẻ nên dừng lại mua hàng. Chị Trang (Dương Nội, Hà Đông) từng gặp tình trạng này chia sẻ, nhìn thấy giá chôm chôm ghi 13 nghìn đồng/1/2kg nhưng do số 1 in quá nhỏ nên chị lại nghĩ 13 nghìn 2kg.
Chị chọn mua liền 4kg về làm qùa, đến khi tính tiền mới vỡ lẽ là 26 nghìn đồng/kg và so với các hàng bán trong chợ gần nhà thì không rẻ hơn là bao. “Biết là họ ghi thế để thu hút khách nhưng bản thân cảm thấy không thoải mái, cảm giác như bị đánh lừa khi mua hàng”, chị Trang nói.
Trong khi đó, chị Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc kể, có lần thấy người bán hàng rong treo biển 20 nghìn/ lạng dâu tây nhưng nhìn xa chị lại tưởng dâu tây có giá 20 nghìn đồng/1kg nên dừng lại chọn mua. Khi thanh toán, người bán hàng thu 200 nghìn đồng, chị Minh mới vỡ lẽ do mình nhìn nhầm.
“Khi tôi có ý định trả lại hàng thì người bán hàng rong lại “đe” “đã cân rồi miễn trả lại. Dù ấm ức nhưng không muốn đôi co, phiền phức nên tôi đã rút tiền ra trả và chắc chắn sẽ không có lần thứ 2 tôi mua hàng rong ngoài vỉa hè”, chị Minh chia sẻ.
Thực tế, chiêu thức ghi giá nửa cân nhằm “hút” khách mua hàng không phải là mới, tuy nhiên cách quảng cáo này vẫn khá hiệu quả. Theo ghi nhận, dọc các tuyến đường Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Tố Hữu… rất đông người đi đường ghé lại mua hàng đặc biệt là vào các giờ cao điểm.
Chia sẻ với PV, chị Vân (42 tuổi, Hưng Yên) bán hàng rong ở đoạn Tố Hữu lý giải, cách ghi giá như trên không phải “đánh lừa” người tiêu dùng mà mục đích để khách chú ý đến mặt hàng bày bán. “Chúng tôi bán ven đường, không cố định một chỗ, xe máy đi lại nườm nượp nếu không có gì ấn tượng, đập vào mắt thì họ sẽ đi thẳng mà bỏ qua luôn”, chị Vân nói.
Người bán hàng này cũng khẳng định, giá cả được chị ghi rất rõ chứ không phải “treo một đằng, bán một nẻo”. Nếu khách không vừa ý, chị vẫn sẵn sàng cho đổi trả mà không có ý kiến gì.
“Nhiều người lúc mua hàng tôi cũng nhắc lại họ giá cả. Có người còn bật cười, khen cách làm quảng cáo của chúng tôi hiệu quả”, chị Vân chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều người bán hàng rong khác cũng khẳng định, với chiêu thức ghi giá nửa cân, dễ đánh trúng vào tâm lý khách hàng, do đó các mặt hàng cũng bán “chạy hơn”.
“Người Việt vẫn có tâm lý mua hàng rẻ. Nhiều lần thấy biển ghi giá bán cao họ bỏ đi luôn mà không quan tâm đến chất lượng mặt hàng có tương xứng hay không. Chính vì thế chúng tôi buộc phải nghĩ ra chiêu thức quảng cáo này. Ví dụ ngày bình thường bán được 5-10kg, nhưng khi ghi giá như thế thì sẽ bán 20kg chẳng hạn. Rõ ràng là hiệu quả hơn thấy rõ”, một người bán hàng trên đường Nguyễn Xiển khẳng định.
Hà Trang
Ảnh, video: Trọng Trinh