Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane”

(Dân trí) - Chiếc máy bay cứu thương Gulfstream III nổi danh là "Ebola plane" trước đây, nay đang đảm nhận vai trò mới và rất có thể sẽ được mệnh danh là “Covid-19 plane”.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 1

Máy bay cứu thương Gulfstream III vốn được mệnh danh là "Ebola plane". (Ảnh: Getty)

Gulfstream III được sản xuất tại Savannah, bang Georgia, Mỹ và được thiết kế như một biến thể cải tiến của Grumman Gulfstream II (là một loại máy bay phản lực thương mại của Mỹ, do Grumman thiết kế chế tạo). Gulfstream III do Phoenix Air có trụ sở tại Georgia điều hành.

Mới đây loại máy bay cứu thương này lại được Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch (CDC) và Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng để đưa các công dân Mỹ mắc Covid-19 từ nước ngoài về Mỹ.

Với sứ mệnh mới đó rất có thể chiếc Gulfstream III sẽ lại có danh xứng mới là “Covid-19 plane”.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 2

Thời dịch bệnh Ebola, Gulfstream III đã hoàn thành sứ mệnh sơ tán hơn 40 bệnh nhân Mỹ từ các điểm nóng dịch bệnh tại châu Phi về nước chữa trị.

Máy bay cứu thương Gulfstream III trở nên nổi tiếng trong chiến dịch sơ tán hơn 40 bệnh nhân Mỹ nhiễm virus Ebola rời khỏi châu Phi về nước chữa trị năm 2014. Bởi thế Gulfstream III từng được mệnh danh là “Ebola plane” (hoặc “Ebola Grey” vì sơn màu xám).

Gulfstream III là phương thức hiện đại để sơ tán y tế vì nó có buồng cách ly và ngăn chặn trên khoang, rất cần thiết để vận chuyển an toàn những “hành khách” không thể đi trên máy bay thông thường bởi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.

Gulfstream III được chế tạo năm 1982 và phục vụ lần đầu tiên cho Không quân Hoàng gia Đan Mạch. Có lẽ bởi thế nên nó được sơn màu xám và nhìn bề ngoài giống máy bay quân sự.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 3

Gulfstream III được Mỹ sử dụng để vận chuyển nhanh bệnh nhân.

Trên Gulfstream III mọi biện pháp phòng ngừa đều được áp dụng rất nghiêm ngặt. Theo đó, các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và mọi vật phẩm trên khoang có khả năng “nhiễm virus”, sau khi bệnh nhân được chuyển đi đều bị huỷ bỏ.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 4

Tính năng chính của máy bay là “buồng ngăn chặn” có thể được nạp vào cabin.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 5

Hệ thống ngăn chặn sinh học Aeromedical.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 6

Cửa chuyển hàng có thể đưa “buồng ngăn chặn” trượt trực tiếp vào cabin.

Chỉ một bệnh nhân có thể bay cùng lúc trong hệ thống ngăn chặn sinh học Aeromedical (có buồng cách ly hoàn chỉnh với cáng, nơi vệ sinh và thiết bị giám sát).

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 7

Không khí được bơm vào “buồng ngăn chặn” bằng máy bơm không khí có bộ lọc hiệu quả cao, sau đó được đưa ra khỏi máy bay để tránh nguy cơ gây ô nhiễm trên khoang.

Phoenix Air điều hành nhiều máy bay Gulfstream III và Chính phủ Mỹ là một trong những khách hàng hàng đầu của hãng, đặc biệt là trong thời Covid-19.

Theo Giám đốc điều hành Dent Thompson của Phoenix Air, một trong những nhiệm vụ đầu tiên Gulfstream III được huy động tham gia cuộc chiến chống Covid-19 là chuyến bay tới Paro, Bhutan - quốc gia Nam Á ở miền đông dãy núi Himalaya.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 8

Sân bay quốc tế Paro, Bhutan.

Để đón được bệnh nhân tại đây, chiếc Gulfstream III cần một hoa tiêu người Bhutan giúp hỗ trợ hạ cánh xuống sân bay Paro có tiếng là khá nguy hiểm vì nằm trong thung lũng bên sườn núi.

Bệnh nhân đã lớn tuổi, ông Thompson kể, cần được hỗ trợ để duy trì sự sống và thông nội khí quản.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 9

Hãng Phoenix Air nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ cứu thương trên không phức tạp nhất từ trước tới nay.

“Đó là một trong những cuộc sơ tán y tế phức tạp nhất trong lịch sử…” – Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đề cập tới chuyến bay này tại cuộc họp báo ngày 31/3.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 10

Các công dân Mỹ được sơ tán khỏi Vũ Hán hồi tháng 1 vừa qua.

Ông Thompson cũng cho biết thêm là Bộ Ngoại giao Mỹ ký hợp đồng với Phoenix Air để thuê các máy bay lớn hơn khi có yêu cầu tuỳ theo tình hình thực tế.

Ví dụ như để sơ tán gần 200 công dân Mỹ khỏi Vũ Hán, Trung Quốc, hãng Phoenix Air đã thuê chiếc máy bay vận tải Kalitta Air Boeing 747-400 được chuyển đổi thành máy bay chở khách.

Chiêm ngưỡng máy bay cứu thương hiện đại “Covid-19 plane” - 11

Máy bay Kalitta Air Boeing 747-400.

Chiếc máy bay phản lực khổng lồ này có Hệ thống ngăn chặn sinh học Aeromedical lớn hơn, có sức chứa nhiều bệnh nhân hơn.

Linh Lê

Theo Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm