Chia sẻ dữ liệu trên Internet cũng trở thành... tôn giáo

(Dân trí) - Giáo hội Kopimism, một loại tôn giáo có nguyên lý trung tâm là sự chia sẻ thông tự do, đã được chính thức công nhận là một tôn giáo bởi chính phủ Thụy Điển.

 
Việc chia sẻ thông tin và dữ liệu là một điều hết sức bình thường trong cuộc sống công nghệ ngày nay. Tuy nhiên, tại Thụy Điển, Giáo hội Kopimism tin rằng những thông tin chia sẻ đều là “thánh” và giá trị của thông tin sẽ được nhân lên nhiều lần nếu chúng được chia sẻ.

Giáo hội này xem “Ctrl C” và “Ctrl V” (phím tắt trên bàn phím để copy và dán nội dung) là những biểu tượng thiêng liêng cho tôn giáo của họ.

Chia sẻ dữ liệu trên Internet cũng trở thành... tôn giáo - 1
Giáo hội Kopimism tôn thờ việc sao chép và chia sẻ dữ liệu

Tôn giáo này được sáng lập vào năm 2010 bởi sinh viên triết học 19 tuổi người Thụy Điển, Isak Gerson, với mục đích khuyến khích chia sẻ dữ liệu và thông tin miễn phí bởi người dùng Internet trên toàn thế giới. Hiện tôn giáo này có khoảng 3.000 thành viên.

“Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ có đủ can đảm để bước ra như Kopimism. Vẫn còn những sự ngăn cấm về pháp lý xung quanh việc sao chép dữ liệu, rất nhiều người vẫn lo lắng về việc sẽ phải đi tù khi sao chép và sửa đổi dữ liệu. Tôi hy vọng rằng, với sự ra đời của Kopimism, điều này sẽ được thay đổi” - Gerson tuyên bố.

Theo thông tin từ trang chủ của Giáo hội Kopimism thì họ đã gửi đơn đăng ký lên chính phủ Thụy Điển để được công nhận về mặt pháp lý ở Thụy Điển trong suốt 1 năm qua, cho đến tận cuối tháng 12 năm ngoái, Giáo hội này đã được Cơ quan Dịch vụ hành chính Thụy Điển chính thức công nhận là một tôn giáo.

Sự thừa nhận này chính thức cung cấp cho Giáo Hội Kopimism, có nghĩa là “sao chép” trong tiếng Thụy Điển, được đặt dưới sự bảo vệ của pháp lý theo quy định của pháp luật và có thể được nhận những khoản tiền tài trợ và trợ cấp từ phía chính phủ.

Vậy sự thực thì tôn giáo này rao giảng điều gì? Theo nhà sáng lập và cũng là thủ lĩnh tinh thần của Giáo hội Kopimism thì với sự ra đời của tôn giáo này, hy vọng một ngày nào đó con người có thể “sống với đức tin của họ mà không sợ bị bức hại”, và kêu gọi sự chia sẻ thông tin một cách tự do và miễn phí trên toàn thế giới.

“Giáo hội không yêu cầu bất kỳ một tiêu chuẩn nào để tham gia, bạn không cần phải thờ phụng thần linh hay bất cứ điều gì khác. Những gì bạn cần làm đó là xem trọng những gì thiêng liêng nhất: thông tin và sao chép” – Thông điệp do Giáo hội Kopimism gửi đi trên trang chủ của nhóm.

Như vậy, với sự ra đời của Giáo Hội Kopimism, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên công nhận việc sao chép và chia sẻ dữ liệu là một tôn giáo.

Ngân Hà
Theo Mashable/Register

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm