Chi tiêu hơn 10 triệu đồng, gia đình ở Hà Nội không "sợ" Tết

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Những ngày cuối năm, thay vì tham gia các buổi liên hoan, gặp gỡ bạn bè hay tất bật với những buổi đi chơi, đi mua sắm, vợ chồng chị Hoàng Thị Phương vẫn giữ thói quen sinh hoạt như thường ngày.

Chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh sẽ không thấy áp lực khi Tết đến

Chị Phương (sống ở phường Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội) duy trì mức tiền ăn một ngày cho gia đình 4 người là 150.000 đồng (bao gồm thức ăn ba bữa sáng, trưa, tối, sữa, trái cây...).

Bữa cơm ngày cận Tết của vợ chồng chị và 2 con nhỏ gồm 1 đĩa thịt luộc, 1 bát canh mướp đắng nhồi thịt. Tổng kết lại chị vẫn dư 35.000 đồng cho vào hũ tiết kiệm của mình.

"Tôi duy trì nguyên tắc chi tiêu đề ra lâu nay để dành tiền vào những dịp cần thiết như Tết, năm học mới…", chị Phương nói.

Chi tiêu hơn 10 triệu đồng, gia đình ở Hà Nội không sợ Tết - 1

Dịp Tết, các gia đình cần chi tiêu nhiều khoản (Ảnh: Thành Đông).

Tháng 1, ngoài các khoản chi tiêu cần thiết trong tháng như tiền thuê nhà, tiền học cho con, tiền điện nước, ăn uống, xăng xe… chị Phương chuẩn bị riêng một khoản dành cho chi tiêu Tết.

Đây là số tiền trích ra từ khoản tiết kiệm hàng tháng của chị Phương. Nhìn con số 13-14 triệu đồng cho cái Tết của gia đình sống ở Hà Nội, đồng thời phải về 2 quê, nhiều người dành lời khen ngợi cho tài vun vén của bà mẹ trẻ.

Chia sẻ về bảng chi tiêu Tết của gia đình mình, chị Phương cho hay: "Quê tôi ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, quê chồng ở Kim Sơn, Ninh Bình. Hai quê cách nhau 100km nên khoản đi lại đã tốn 2 triệu đồng.

Tôi biếu bố mẹ 2 bên 6 triệu đồng, mua đồ ăn thức uống 2 triệu đồng, mua quần áo cho chồng, con 2 triệu đồng, riêng tôi không sắm sửa gì mà tận dụng đồ cũ".

Chị Phương dành 2 triệu đồng để lì xì và cho biết bản thân chưa khi nào thấy áp lực với khoản tiền này. Chị thường mừng tuổi mức 10.000-20.000 đồng và cho rằng mình có bao nhiêu thì nên mừng bấy nhiêu để lấy may mắn.

Trái với tâm lý "sợ Tết" của nhiều người, chị Phương lại rất mong chờ những giây phút đoàn viên bên gia đình dịp Tết đến xuân về.

"Tôi dành khoản lớn nhất biếu bố mẹ 2 bên vì muốn dành những điều tốt nhất trong khả năng cho những bậc thân sinh. Về ăn uống, mua sắm, tôi nghĩ chi mức phù hợp với hoàn cảnh. Thực phẩm cơ bản có thịt gà, thịt lợn bánh chưng chứ không có gì sang hơn… Với tôi Tết thế là no đủ", chị Phương nói.

Đưa ra con số 14 triệu đồng nhưng chị Phương có thể sẽ không chi tiêu hết toàn bộ số tiền đó vì khoản tiền lì xì qua lại sẽ bù trừ nhau. Bố mẹ chị nuôi được một con lợn mổ thịt vào dịp Tết nên tiền thực phẩm sẽ tiết kiệm được khá nhiều. 

Nguyên tắc "5 không" của bà mẹ trẻ lương 7 triệu đồng

Chị Phương làm lễ tân và chăm sóc khách hàng, còn chồng làm trong một công ty ở Hà Nội. Thu nhập của hai vợ chồng chị Phương là 17 triệu đồng/tháng (vợ 7 triệu đồng, chồng 10 triệu đồng).

Phải thuê nhà (3,5 triệu đồng/tháng), nuôi 2 con ăn học (5 triệu đồng), chi tiêu ở thành phố đắt đỏ nhất cả nước song mỗi tháng người phụ nữ này vẫn tiết kiệm được khoảng trên dưới 3 triệu đồng.

Để dành được khoản tiền tiết kiệm ấy, hàng tháng chị Phương nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc chi tiêu do mình đề ra.

Đầu tháng, chị Phương lên kế hoạch từng khoản, rút tiền mặt, chia nhỏ tiền cho các mục: Tiền thuê  nhà, tiền học, tiền ăn, xăng xe, tiền điện, tiền nước, chi phí phát sinh.

Bà mẹ trẻ còn dùng phần mềm hỗ trợ quản lý chi tiêu cá nhân, theo dõi và duy trì định mức tiêu xài trong ngày.

Đặc biệt, chị thực hiện nguyên tắc "5 không": Không quên mang cơm đi làm; không skincare (chăm sóc da) cầu kỳ; không tụ tập cà phê, trà sữa; không mua sắm online quá nhiều; không mua đồ ăn vặt, hạn chế loanh quanh đến gần tạp hóa, siêu thị.

Nhiều chị em phụ nữ thường không kiểm soát được việc mua sắm qua các sàn thương mại điện tử. Chị Phương chia sẻ, đôi khi cũng cảm thấy hấp dẫn trước những lời quảng cáo, những đợt giảm giá.

Tuy nhiên, khi có ý định mua một món đồ nào đó, chị thường không đặt hàng ngay mà sẽ cho món đồ đó vào "giỏ hàng" rồi hôm sau mới quyết định xem có mua hay không. Như thế, chị sẽ loại trừ được những lần mua sắm theo cảm hứng và không cần thiết. Quần áo, giày dép chị chỉ mua thực sự khi cần và mua vào những dịp giảm giá.

Với khoản tiền ăn của gia đình 4 người, chị Phương đề ra mức tối đa 4,5 triệu đồng/tháng. Gia đình chị Phương không đi đến nhà hàng, mỗi lần đi chơi chị lựa chọn các điểm ở gần và về nhà nấu nướng.

Chi tiêu hơn 10 triệu đồng, gia đình ở Hà Nội không sợ Tết - 2

Chị Phương luôn duy trì các nguyên tắc tiết kiệm trong chi tiêu gia đình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị cũng tự nấu bữa sáng cho chồng con món như mỳ, xôi, cháo, bún… khoảng 20.000-30.000 mỗi bữa, bữa trưa và tối ăn trong mức 70.000-100.000 đồng.

Số tiền còn dư mỗi ngày được chị cho vào hũ tiết kiệm. Cuối tháng, nếu số tiền ăn không vượt hạn mức mà còn thừa chị sẽ cải thiện cho cả nhà bằng một vài món ngon hay nồi lẩu tự nấu.

"Không chi tiêu tiết kiệm đến lúc có việc đi vay rất khó. Việc tiết kiệm giúp chúng tôi chủ động hơn khi có các vấn đề phát sinh", chị Phương nói.

Năm 2024, với khoản thu nhập hạn hẹp của hai vợ chồng, chị vẫn để dành được một khoản tiền. Nhìn lại một năm đã qua, chị có thêm động lực phấn đấu.

Hiện tại, ngoài tiết kiệm chi tiêu hợp lý, chị Phương cũng đang tìm cách gia tăng thu nhập hàng tháng từ 2 đến 3 triệu đồng bằng cách bán hàng, nhập hải sản từ quê ra bán… để tích góp hướng tới mục tiêu ổn định cuộc sống và lo cho các con.

Xu hướng mua sắm Tết Nguyên đán năm nay được nhìn nhận là tiết kiệm, chỉ tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Các mặt hàng được ưa chuộng chủ yếu là mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp lễ Tết là bánh kẹo, nước giải khát... với phân khúc giá tầm trung.

Số liệu từ công ty dữ liệu Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn.

Vì vậy, các nhà sản xuất và nhà phân phối phải nắm bắt và đáp ứng được xu hướng của người tiêu dùng muốn đón và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán giản đơn hơn, tiện lợi hơn.