"Chị mẹ" U60 nhảy cực sung gây sốt mạng, tiết lộ bí quyết trẻ như thiếu nữ
(Dân trí) - Xem video tập nhảy cực sung của người phụ nữ ở TPHCM, nhiều người dùng mạng ngạc nhiên, không tin "đó là bà mẹ 3 con" và U60.
U60 mê nhảy gây sốt mạng
Ngày 13/2, chị Hoàng Phương Bích Cơ (55 tuổi, TPHCM), tên thường gọi là Cath, đăng tải đoạn video tập nhảy lên một hội nhóm đông thành viên.
"Tôi chẳng có bằng cấp hay vượt lên chính mình gì xứng tầm với mọi người cả. Tôi xin tự "khoe" tuổi 55 của mình - "cô bé" áo xanh lá, tóc đuôi gà.
Vui hay buồn, bận rộn hay ngày lễ, tôi đều thu xếp ba buổi tối tập nhảy. Sức khỏe là điều quan trọng nhất, âm nhạc và nhảy múa là không tuổi", chị viết.
Bài viết vượt ngoài sự mong chờ của chị Cath khi thu hút hơn 30.000 lượt tương tác, hàng chục nghìn bình luận và chia sẻ. Nhiều người dùng mạng không tin hình ảnh trẻ trung và năng động của người phụ nữ đã ở độ tuổi U60.
"Cô đúng kiểu chứng minh cho mọi người thấy cứ làm những gì mà mình thấy là vui vẻ và khiến bản thân được hạnh phúc. Chúc cô mãi xinh đẹp, trẻ khỏe", tài khoản Tường Vân bình luận.
"Từ vẻ ngoài cho đến thần thái, năng lượng toát ra từ người cô. Cảm ơn cô đã truyền động lực tập thể dục cho người trẻ", tài khoản Thùy Linh viết.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Cath nói cảm thấy rất vui khi bài viết tích cực và năng động của mình đã tạo động lực cho người trẻ hăng hái rủ nhau tập nhảy, tập thể dục.
Trước đó, chị mong muốn đăng tải đoạn video tập nhảy của mình lên nhóm vì một khoảnh khắc bỗng thấy buồn cười về "cô bé 55 tuổi" dáng người nhỏ bé tung tăng, ngắm nhìn bản thân so với 10 năm trước.
"Kết quả này là nhờ sự bền bỉ, cố gắng xứng đáng của một trái tim yêu nhảy múa vô cùng, cộng với việc tôi ý thức được nhảy múa tốt nhường nào với bản thân", chị nói.
Chị Cath sinh ra và lớn lên tại TPHCM, có ba người con hiện trong độ tuổi U20-30, đều học tập và làm việc ở nước ngoài.
Do thường bay sang nước ngoài đoàn tụ với các con, chị chọn công việc bán thời gian với vị trí tư vấn các giá trị về mặt tinh thần tại một trường dành cho trẻ em đặc biệt ở TPHCM.
Con gái lớn thường gọi Cath là "chị mẹ", khen "mẹ còn Gen Z hơn con nữa". Chị thường chọn trang phục gọn gàng, trẻ trung và đơn sắc, với tiêu chí vừa cá tính vừa thanh lịch tùy điểm đến.
Người phụ nữ tiết lộ 60% cuộc sống của mình kết nối với các bạn trẻ. Có khi chị tập nhảy chung lớp với con gái, hoặc cả "bốn chị mẹ con" cùng nghe các thể loại nhạc trẻ, nhạc rap, cùng hát và nhún nhảy khi ở nhà hay trên ô tô.
Chị nói thời gian bên con luôn ý nghĩa, đủ đầy trách nhiệm lẫn yêu thương từ hai phía.
Đôi lần chị Cath cũng gặp những tình huống "dở khóc dở cười" khi mọi người không biết tuổi thật. Hai mẹ con thường bị gọi nhầm là "hai chị em". Chị nói việc không thể phân biệt ai là chị, ai là em cũng là chuyện bình thường.
"Có lúc tôi như đứa trẻ tuổi teen, có lúc năng lượng "mẹ" bộc lộ tự nhiên như hơi thở không giấu được, bởi cách tôi quan tâm và lo lắng cho một ai đó hay một tập thể", chị nói.
Bí quyết trẻ từ đam mê nhảy, tâm an
Năm 17 tuổi, chị Cath bắt đầu tập Aerobic, trở thành vận động viên đội tuyển sau hai năm.
Chị dạy Aerobic dành cho người lớn và huấn luyện đội tuyển thiếu niên Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM đoạt giải Nhất toàn quốc năm 1996. Sau này, do cuộc sống có nhiều thay đổi, chị đã dừng tập luyện.
Hơn 10 năm trước, người phụ nữ quyết tâm mang thân hình nặng nề, chậm chạp của mình trở lại phòng tập. Đam mê nhảy múa tưởng đã ngủ yên bỗng trỗi dậy. Chị tập nhảy Zumba, thi lấy bằng quốc tế và dạy Zumba. Sau 5 năm, do gặp chấn thương ở lưng, chị quyết định nghỉ hẳn khi đã 50 tuổi.
Chị dành ba tháng nghỉ ngơi và bình phục, sau đó đến các phòng tập nhảy, phòng tập thể hình để rèn luyện sức khỏe.
Trong thời kỳ dịch Covid-19, chị dành thời gian mỗi ngày để tập nhảy thông qua các chương trình trên YouTube, tham gia TikTok truyền cảm hứng chống dịch "ở nhà vẫn vui".
"Hai năm gần đây, trên tinh thần một người mới bắt đầu, tôi trải nghiệm các thể loại nhảy, múa chuyên nghiệp hơn ở mức độ vừa phải, với mục đích chính là giải trí, vui, khỏe", chị nói.
Ngoài đam mê nhảy múa, người phụ nữ cho biết điều quan trọng giúp bản thân luôn trẻ khỏe chính là tinh thần.
Chị học cách biết ơn những điều "nhỏ nhưng không nhỏ" ngay trước mắt và gần bên, từ việc được sống cho đến ánh nắng, gió, cây xanh, nguồn nước nuôi dưỡng mình.
Chị duy trì tập thiền 4 năm nay qua, mỉm cười nhiều hơn khi học cách tha thứ, sống tốt trước tiên với chính mình giúp bản thân được thoải mái, tự do trở về con số không để luôn trong trạng thái bắt đầu học hỏi và cho đi.
"Tất cả với tôi được gọi bằng một chữ "an". Tôi áp dụng song song hai thái độ sống ngược nhau hoàn toàn, cân bằng giữa động và tĩnh, giữa kết nối bên ngoài hiện đại đầy năng động và sự tĩnh tại riêng mình", chị nói.
Sau thời gian gặp gỡ bạn bè, các buổi tập luyện sôi nổi, những chia sẻ rất đời trên mạng xã hội, là khoảng thời gian chị dành cho riêng mình, như đi ăn, du lịch, mua sắm, giải trí, học hỏi và đặc biệt là thong dong làm bạn với thiên nhiên rồi kết hợp thiền định.
Chị Cath cho rằng bản thân phải là người bạn tuyệt vời nhất của chính mình, không trông chờ vào sự chăm sóc của bất kỳ ai, càng ít làm phiền đến người khác càng tốt.
Chị Hồ Thị Khánh Vân (quận 10, TPHCM), học viên lớp zumba 7 năm trước, nói khi tiếp xúc với chị Cath, chị chỉ nghĩ giáo viên của mình "chắc khoảng 30 tuổi" bởi vẻ ngoài năng động và tràn đầy năng lượng.
Một lần tình cờ biết năm sinh của giáo viên, chị Vân đã vô cùng ngạc nhiên, "nghĩ không ai đoán ra tuổi của chị ấy". Chị không tin, xem đi xem lại hộ chiếu của chị Cath để kiểm tra có nhìn nhầm hay không.
"Chị Cath rất vui và thân thiện với các thành viên trong lớp. Sau một thời gian, chúng tôi trở thành chị em thân thiết của nhau", chị Vân nói.
Chị Cath nhận thấy nhiều bạn trẻ hiện chưa có cơ hội hoặc chưa đủ chịu khó để ý hơn đến tầm quan trọng của việc vận động thể chất. Tập luyện bộ môn nào cũng tốt miễn họ cảm thấy khỏe hơn, vui tươi và an lành.
Theo chị, riêng với nhảy, bởi gắn liền với âm nhạc nên giúp người tập quên đi tuổi tác, ngoại hình, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, lo toan và bệnh tật.
"Mọi người luôn thắc mắc vì sao đến tận bây giờ tôi vẫn có thể một mình đến phòng tập một cách vui vẻ, tung tăng, thưởng thức hết mình, không cần rủ ai, không trông chờ có ai đi cùng mới vui, mới có động lực.
Vì mục đích chính của việc đến lớp nhảy là giúp tôi khỏe mạnh rồi niềm vui tự đến sau khi nhạc lên. Cơ thể được hoạt động một cách nghệ thuật như thế còn gì bằng", chị Cath nói.