Chỉ học hết lớp 5, "kỹ sư chân đất" sở hữu 6 sáng chế máy nông nghiệp

(Dân trí) - Dù mới học hết lớp 5, nhưng với tính ham học hỏi, thích sáng tạo, anh Phi Anh Đệ (41 tuổi, ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đã cải tạo và sáng chế thành công nhiều loại máy nông nghiệp phục vụ bà con sản xuất thu hoạch mía.

Bắt đầu sự nghiệp từ một người thợ cơ khí rèn cày bừa cho trâu, bò ở những năm 2001, anh Đệ nhận thấy nhiều nông dân trồng mía phải cuốc đất, xẻ hàng, thu hoạch vất vả, các máy nông nghiệp nước ngoài thì giá thành quá cao, lại không phù hợp với địa hình vùng núi Sơn Hòa.

Với suy nghĩ đó, năm 2004 anh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp với rất nhiều khó khăn. Anh Đệ chia sẻ: "Bước đầu làm những máy móc này hết sức khó khăn, thứ nhất là do không có kiến thức như những kỹ sư máy được học hành đàng hoàng nên tôi cái gì cũng phải tự tìm lấy, học hỏi. Thứ hai là trang thiết bị không có, nên hư hại cũng nhiều, nhưng với quyết tâm của bản thân nên cuối cùng tôi cũng thành công. Đến nay tôi đã có thể cho ra 6 loại máy phục vụ cho bà con trồng và thu hoạch mía”.


Anh Phi Anh Đệ với chiếc máy trồng mía đang sản xuất của mình

Anh Phi Anh Đệ với chiếc máy trồng mía đang sản xuất của mình

Qua áp dụng thực tế tại đồng ruộng, máy móc của anh đã thể hiện được những ưu điểm rõ rệt so với các loại máy nhập khẩu khi phải áp dụng vào địa hình vùng núi như Sơn Hòa. Đặc biệt máy của anh có thể làm một lúc đa chức năng nên đã giảm được tối đa công lao động, tiết kiệm chi phí. Điển hình như máy cày ngầm bỏ phân giúp nông dân vừa bỏ phân, vừa làm cỏ mía trên diện tích 2 ha đất chỉ trong 1 ngày. Với cùng diện tích này, nếu làm thủ công truyền thống có thể mất từ 2 đến 3 ngày và tốn hàng chục công lao động.

Anh Nguyễn Văn Ánh mua và sử dụng máy của anh Đệ chia sẻ: Máy của anh Đệ hoạt động rất hiệu quả, chỉ riêng khâu trồng mía nếu sử dụng máy của anh Đệ, chi phí là 3,8 - 4 triệu/ha, hơn nữa cắt gom tới đâu trồng và lấp ngay tới đó, không bị khô đất. Đặc biệt máy của anh hoạt động hiệu quả ở những khoảng đất không bằng phẳng, đồi dốc so với các thiết bị ngoại nhập. Với việc sử dụng máy móc của anh chi phí sản xuất cho 1 ha mía giảm từ 5 - 10 triệu đồng.

Máy của anh không chỉ được người dân ở những vùng trồng mía trong tỉnh ưa chuộng, mà hiện nay nhiều người ở các địa phương khác như Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Lăk… đến tìm và đặt hàng rất nhiều. Cơ sở của anh, mỗi năm cho ra lò từ 30 – 40 máy các loại, trừ chi phí anh thu lợi gần 300 triệu đồng. Ngoài ra anh còn giải quyết lao động thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên ông Đặng Văn Thiện cho biết, anh Đệ là một công dân tốt tại địa phương, giúp địa phương giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên ở đây. Và máy móc của anh đã áp dụng rất tốt vào thực tiễn cuộc sống, tăng hiệu quả, giảm đầu tư cho bà con nông dân trong lao động sản xuất.

Anh Đệ cho biết thêm, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục nghiên cứu và chế tạo máy thu hoạch mía, một loại máy rất khó chế tạo. Mỗi chiếc như thế nếu nhập khẩu phải mất hơn cả tỷ đồng, nên người dân ở đây hầu như không có khả năng mua.

"Từ nay đến cuối năm tôi sẽ tích cực nghiên cứu và cho ra lò loại máy này với giá thành chỉ 200 đến 300 triệu đồng, để thêm một phần nào đó giúp đỡ người nông dân trồng mía giảm bớt một phần khó khăn, và đồng thời cũng giúp mảnh đất vùng núi này ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn", "kỹ sư chân đất" chia sẻ.

Trung Thi