Chị em đổ xô lên chợ online sắm lễ Rằm tháng 7
(Dân trí) - Thay vì ra chợ, tự tay mua đồ cúng lễ Rằm tháng 7 như mọi năm, nhiều người chọn cách ở nhà, lên chợ mạng đặt hàng online.
Gần 1 tháng nay, từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chị Nguyễn Dung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chọn cách đi chợ online. Các vật dụng trong nhà từ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu chị đều đặt qua các ứng dụng, website, chợ chung cư online. Cho nên, vào Rằm tháng 7 năm nay, mọi đồ cúng lễ, tiền vàng, hoa quả chị cũng đều mua qua mạng.
"Tôi thấy các mặt hàng trên mạng rất phong phú, không thiếu thứ gì nên có thể chọn thỏa thích, so với giá ở chợ dân sinh thì tương đương, thậm chí còn rẻ hơn. Trừ một thứ là phí giao hàng hiện tăng cao và thời gian giao nhận cũng chậm hơn trước", chị kể.
Chị Dung cho biết, để chuẩn bị cúng Rằm tháng 7 năm nay, chị đặt mua một mâm cỗ cúng làm sẵn với giá 600.000 đồng. Mâm cỗ bao gồm gà luộc, bánh chưng, nem rán, canh bóng, củ sen xào thập cẩm.
"Biết là tháng 7 sẽ phải sử dụng nhiều tiền vàng, đồ hàng mã nên ngay từ đầu tháng, tôi đã lên sàn thương mại điện tử đặt mua sớm. Mọi người thường hay kiêng nhưng mấy năm nay, nhà tôi đều mua như thế", chị chia sẻ.
Tương tự, chị Phạm Mơ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, 2 năm nay, nhà chị có xu hướng đi chợ mạng và mua đồ online. Rằm tháng 7 năm nay, chị không mua lẻ tẻ từng thứ một mà mua theo combo. Thông thường, các shop sẽ chuẩn bị đầy đủ từ A-Z mọi thứ, khách chỉ cần trả tiền là hàng về tới tận cửa.
"Do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng shipper được cấp phép ít nên các shop đều khuyến khích khách đặt sớm. Các đơn được mở từ ngày 10/7 đến ngày 14/7 âm lịch, sau thời gian trên chúng tôi dừng không nhận đơn nữa, để tập trung làm và trả hàng đúng hạn", chị Mơ cho biết.
Trao đổi với Dân trí, chị Nguyễn Hà, một tiểu thương bán hoa, quả trên chợ mạng cho hay, 3 ngày gần đây, lượng đơn hàng nhà chị đều tăng vọt. Trong đó, các dòng quả để thắp hương như cam, na, nhãn, thanh long đều cháy hàng. Đồng nghĩa với việc, giá các mặt hàng này đều nhích tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Cụ thể, thanh long ruột trắng từ 30.000 đồng/kg tăng lên 33.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 35.000 tăng lên 40.000 đồng/kg. Giá nhãn hiện tại là 22.000 đồng/kg, tăng so với tuần trước là 2.000 đồng/kg. Cam sành từ 40.000 đồng tăng lên 43.000 - 45.000 đồng/kg. Măng cụt chạm mốc 43.000 đồng/kg, tăng so với tuần trước là 5.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, chị Hà cũng chỉ ra những khó khăn mà tiểu thương online đang gặp phải là phí giao hàng tăng chóng mặt, không những thế, việc tìm shipper cũng vô cùng khó khăn. Nhiều hôm, chị phải hủy đơn hàng của khách khi không tìm được người vận chuyển.
Chị Phương ở quận Tây Hồ cho biết, từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, việc kinh doanh ở cửa hàng chị không tốt như trước. Cho nên, chị đã nghĩ ra cách cấp đông xôi, bán dưới dạng như là một loại thực phẩm ăn sẵn để khách mua về tự chế biến.
Theo ước tính, dịp Rằm tháng 7 năm nay, nhà chị bán ra thị trường hơn 500 kg xôi cấp đông. Để đảm bảo quá trình vận chuyển xôi tới tay khách sớm nhất, nhà chị nhận đơn đặt hàng bắt đầu từ ngày mùng 10/7 đến ngày 14/7 âm lịch.
"Mọi năm vào dịp Rằm tháng 7, nhà tôi đều nấu xôi bán cho khách. Còn năm nay, do tình hình dịch bệnh, khách ngại ra ngoài mua nên tôi chuyển sang làm xôi cấp đông. Hàng bán ra rất chạy, khách thì thích và phản hồi tích cực, thậm chí, nhiều người còn quay lại mua thêm", chị Phương thông tin.
Còn chị Trần Nguyệt, chủ một tiệm tạp hóa ở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bình thường, chị chỉ bán các loại thực phẩm khô như gạo, mì tôm, miến, mì. Mới đây, chị còn nhập thêm cả vàng mã, hương thắp, nến đốt về phục vụ khách hàng trong Rằm tháng 7. Bởi chị nhận thấy, các cửa hàng vàng mã thuộc mặt hàng kinh doanh không thiết yếu nên sẽ đóng cửa, do đó, khách sẽ tìm đến các tiệm tạp hóa hay khu chợ để mua đồ.