Bến Tre:
“Chạy” tiền để… nấu cơm từ thiện
(Dân trí) - Mấy năm qua, cứ đến ngày mùng 1 âm lịch, căn nhà của bà Kim Anh lại nhộn nhịp với hơn chục người đến nấu cơm chay từ thiện. Cả nhóm đóng góp nhưng tháng nào cũng phải “chạy” tiền mới đủ chi phí hoạt động của bếp từ thiện.
Người khởi xướng tổ chức nấu cơm từ thiện là bà Phan Kim Anh, (ngụ khu phố 1, phường 2, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Hàng ngày bà Kim Anh bán hủ tiếu chay ngay tại nhà ở gần chợ Bến Tre để kiếm sống. Bà Kim Anh kể về cơ duyên của bếp từ thiện: “Trước đây thấy người nghèo, những người trong bệnh viện khó khăn nhưng không biết làm gì để giúp. Cách đây khoảng 4 năm, tôi cùng mấy chị em ở xung quanh bàn bạc gom góp lại để nấu cơm chay đem phát cho người nghèo”. Cả nhóm chọn ngày mùng 1 (AL) hàng tháng nấu khoảng 400 suất cơm phát tại chổ cho người nghèo và gửi vô bệnh viện. Số lượng các suất cơm tăng dần khi nhu cầu ngày càng lớn.
Để duy trì hoạt động, bà Kim Anh phải vận động bạn bè gom góp tiền, những tiểu thương trong chợ không góp tiền thì ủng hộ rau, củ, gạo, nước tương… Tuy nhiên, hầu như tháng nào cũng thiếu nên các thành viên phải “chạy” kêu gọi ủng hộ hoặc tiếp tục góp vào lần 2, nếu tiếp tục thiếu bà Kim Anh sẽ bù vào bằng nguồn tiền lãi từ việc bán hủ tiếu chay của mình.
Luôn trong cảnh thiếu hụt nhưng bếp ăn này duy trì hoạt động suốt 4 năm qua. Hiện tại mỗi tháng các thành viên trong nhóm nấu khoảng 1.500 suất cơm vào ngày mùng 1 và tháng nào có nguồn vận động thêm thì nấu vài trăm suất ăn sáng vào ngày 18 (âm lịch). Những thành viên trong nhóm sẽ tổ chức nấu rồi phát ngay tại chỗ khoảng 500 suất, số còn sẽ gửi vào các bệnh viện phát miễn phí cho người nghèo. Khi đó, nhóm sẽ liên hệ trước với các bệnh viện để tới ngày là có nhân viên đến tận nơi nhận cơm đem về phát cho người nghèo ở bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Muôi, ngụ xã Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi kinh doanh bán cà phê tại nhà, trung bình mỗi tháng góp từ 400 ngàn đến 1 triệu đồng để cùng nấu cơm cho người nghèo. Tháng nào nhóm gom không đủ tiền phải chạy đi vận động tiếp và nếu không đủ mấy chị em lại góp thêm 1 lần nữa. Tuy luôn thiếu hụt nhưng cả nhóm luôn quyết tâm duy trì và tăng suất cơm chay phục vụ người nghèo bằng tất cả tấm lòng của mình”. Theo bà Muôi, những lúc vô bệnh viện thấy người nuôi bệnh vừa tất tả chạy lo tiền thuống thang, viện phí, có khi lại không có tiền ăn cơm nên cả nhóm ráng cố gắng duy trì dù mỗi tháng chỉ được một lần. Sắp tới, nếu có điều kiện sẽ tăng số ngày nấu cơm miễn phí phục vụ người nghèo.
Nhóm nấu cơm chay từ thiện phần lớn là những người lớn tuổi làm nhiều nghề khác nhau. Một số người kinh tế không khá giả cũng cố gắng bỏ công cùng nấu cơm giúp người nghèo. Ông Lê Tấn Đạt, ngụ phường 8 (TP Bến Tre) gắn bó từ những ngày đầu bếp ăn từ thiện hoạt động. Gia cảnh của ông cũng chẳng khá giả gì với nghề vá, sửa xe kiếm sống qua ngày. Không có tiền, ông ráng đến góp công cùng mọi người nấu cơm. Ông Đạt chia sẻ: “Mình cũng nghèo nên thấm thía cảnh thiếu thốn, đến đây làm thấy vui lắm vì giúp được những người khó khăn. Trung bình mỗi đợt tôi nấu suốt cả ngày với 22 nồi cơm (1 nồi 6 kg gạo) để phục vụ cho hơn 1.500 người ăn. Mấy chị khác thì đến đây phụ nấu canh, làm các món xào, lặt rau… cũng tất bật suốt cả ngày”.
Để duy trì hoạt động, mỗi tháng cả nhóm gom góp, vận động khoảng 10 triều đồng mới đủ chi phí. Tuy vậy, có tháng tới ngày nấu mà chỉ gom được hơn 2 triệu đồng nhưng cả nhóm vẫn quyết tâm vừa nấu vừa “chạy” đi vận động gom tiền. Nhóm hoạt động chẳng có quy chế, nội quy hay tổ chức mà chỉ tập hợp những người thiện nguyện cùng nấu cơm chay phục vụ miễn phí cho người nghèo bằng cả tấm lòng của mình dù kinh tế của họ cũng chẳng dư giả gì.
Hoàng Trung