Cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình lên tiếng về clip bắt vợ xôn xao ở Hà Giang
(Dân trí) - Ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình cho biết, người Mông không có phong tục nào tên là tục "bắt vợ".
Mới đây, vụ việc cô gái bị "bắt vợ" tại Mèo Vạc (Hà Giang) thu hút đông sự quan tâm của dư luận. Trong clip được đăng tải trên mạng xã hội, mặc cho cô gái trẻ chống cự quyết liệt, chàng trai vẫn nhất quyết khống chế, ôm chặt, kéo cô gái đi theo mình.
Điều đáng nói là rất nhiều người xung quanh đứng xem nhưng không ai lên tiếng hoặc ngăn cản mà chỉ lấy điện thoại ra quay hình. Sự việc chỉ kết thúc khi có một cán bộ công an đến giải quyết.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình, đồng thời là nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, rất bức xúc, xấu hổ khi xem clip trên.
"Đây không phải là lần đầu tiên những clip như trên được chia sẻ. Năm ngoái, tôi cũng xem một clip thanh niên trẻ bắt vợ ở Hà Giang được đăng tải. Nhiều người bức xúc nói đây là một hủ tục của người Mông rồi lên án. Nhưng tôi khẳng định người Mông chúng tôi không có tục lệ nào có tên là tục "bắt vợ"", ông Bảo nói.
Cháu nội Vua Mèo cho biết thêm, người dân tộc Mông chỉ có tục "kéo dâu". Đây là nét văn hóa lâu đời mang tính nhân văn, rất đẹp và nhiều ý nghĩa. Trước đây, để một đôi nam nữ thành vợ chồng, người Mông có rất nhiều thủ tục cưới hỏi phức tạp. Ngoài ra, nhà trai cũng cần chuẩn bị số lượng sính lễ lớn như: lợn, gà, tiền mặt, rượu… mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện sắm sửa.
Tục kéo dâu chính là để rút ngắn lại các thủ tục trên, đồng thời tạo điều kiện cho các nam thanh, nữ tú yêu nhau đến được với nhau. Tuy nhiên, không phải chàng trai nào thích "kéo" cô gái nào về làm vợ cũng được. Điều kiện để tiến hành thủ tục này là đôi nam nữ phải cùng ưng thuận, có tình cảm với nhau.
Trước khi tổ chức kéo dâu, chàng trai sẽ thông báo cho gia đình mình chuẩn bị mâm cơm, đồng thời hẹn bạn bè và cô gái mình thích ra một địa điểm nhất định. Tại đây, chú rể, bạn bè sẽ cùng "kéo" cô gái về nhà mình, chàng trai sẽ nắm tay cô gái đi trước. Khi vào nhà, bước qua cửa nhà trai, bố mẹ chồng tương lai của cô gái sẽ đợi sẵn ở cửa, cầm con gà trống quay trên đầu cô gái 3 vòng phải, 3 vòng trái. Đồng thời sẽ làm mâm cơm thắp hương khấn vái tổ tiên chứng giám cho người con dâu mới.
Nhà trai sau đó sẽ cử một đoàn đại diện sang thông báo với nhà gái rằng: "Con gái ông bà đã ưng thuận về làm dâu nhà tôi. Chúng tôi cũng đã làm lễ báo cáo với tổ tiên". Chỉ cần như vậy là chàng trai, cô gái chính thức trở thành vợ chồng mà không phải trải qua bất cứ thủ tục cưới hỏi rườm rà, tốn kém nào nữa.
"Đây là tập tục đẹp của người Mông, nhưng hiện nay lại đang bị hiểu sai. Những nam thanh niên trẻ "bắt vợ" như trong các clip đăng tải, tôi cho rằng, phần lớn là không am hiểu văn hóa, thiếu kiến thức.
Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật bắt giữ người trái phép mà còn xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ. Tôi không thể chấp nhận được và thật sự rất đau lòng khi xem", ông Bảo thẳng thắn nói.
Cháu nội Vua Mèo cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải xử lý hình sự. Không thể để năm nào cũng tái diễn những câu chuyện bức xúc về một tập tục đẹp của người Mông.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian TS Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, thông thường trước đây khi chàng trai đi "bắt vợ" thì cả hai đã yêu nhau rồi. Chàng trai làm một động tác "bắt vợ" như diễn kịch, mang tính biểu trưng. Còn bây giờ, tập tục này đang bị biến tướng đi rất nhiều, đẩy nhiều bé gái vào các cuộc hôn nhân buồn. Thậm chí, nhiều thiếu nữ còn bị bắt bán sang biên giới.
"Xã hội tiến lên thì tối thượng vẫn là pháp luật. Những gì vi phạm pháp luật như tục bắt vợ biến tướng hiện nay phải sửa chữa dần dần và ngăn cấm. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm", vị chuyên gia này nhấn mạnh.