Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả "đáy đại dương" lên mặt bàn

Thảo Trinh

(Dân trí) - Chỉ với lớp keo trong suốt, qua bàn tay khéo léo của Viết Tùng, phần mặt bàn làm từ gỗ đơn điệu được "hô biến" thành những bức tranh đa màu sắc, khắc họa cảnh quan tuyệt đẹp dưới đáy đại dương.

Anh Đậu Viết Tùng (31 tuổi, sống ở quận Tân Phú, TPHCM) biết đến Epoxy Resin (ES - một dạng keo trong suốt) từ năm 2017.

Thời điểm đó, anh tình cờ nhìn thấy chiếc bàn đẹp mê làm từ chất liệu này trên kênh YouTube của một nghệ nhân nước ngoài. Sẵn có niềm đam mê với gỗ, chàng trai trẻ nảy ra ý tưởng kết hợp vật liệu này với ES. Anh quyết định thử sức chinh phục bộ môn mới mẻ theo cách riêng, sáng tạo các mô hình đại dương trên nền Epoxy vì yêu thích vẻ đẹp kỳ vĩ nơi đáy biển.

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 1

Anh Viết Tùng "điêu khắc" mô hình đại dương trên mặt bàn bằng keo trong suốt từ năm 2017 (Ảnh: Tùng Makin).

Thời gian đầu, anh Tùng chủ yếu tập làm các sản phẩm về hiệu ứng màu với một số mẫu bàn cá vẽ đơn giản. Khó khăn mà 9X gặp nhiều nhất là phải tìm hiểu các kỹ thuật quan trọng, điểm then chốt mà những kênh chia sẻ trên mạng cố ý giấu đi.

Để thực hiện một tác phẩm theo chủ đề san hô cần trải qua rất nhiều bước như lựa chọn phôi gỗ; phác thảo các mảng chính, phụ; tạo hình các mảng san hô, cá biển (mực, sứa, sao biển, cá,...) bằng đất sét; bố cục chúng lên phôi gỗ; tô màu và đổ keo; cuối cùng là mài gỗ và đánh bóng hoàn thiện.

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 2

Bước đầu tiên là tạo hình san hô, tôm, cá, mực,... Những sinh vật biển được tạo hình thủ công bằng đất sét để anh Tùng có thể kiểm soát độ linh hoạt cũng như tỷ lệ mô hình đồng nhất cho tác phẩm (Ảnh: Tùng Makin).

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 3

9X cũng tận dụng một số vật liệu có sẵn, dễ tìm kiếm và phù hợp về kích thước lẫn kiểu dáng như cỏ khô, vỏ ốc, san hô,... để tạo hình, giúp tác phẩm thêm tự nhiên và sống động (Ảnh: Tùng Makin).

Tiếp đến, anh lựa chọn phôi gỗ để sắp xếp, gắn những sinh vật biển lên trên rồi làm khuôn và đổ keo. Công đoạn này đòi hỏi các thao tác phải thật chuẩn xác, nếu không khi đổ keo lên, các chi tiết sẽ bị rời ra khiến tác phẩm coi như "bỏ đi". 9X cũng nghiên cứu tranh đại dương, về cách bơi của sinh vật biển để nắm bắt hình dáng, bố cục, chi tiết, giúp sản phẩm trở nên sống động, "có hồn".

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 4

Màu sắc, số lượng sinh vật biển, bố cục chiếc bàn,… cũng được tính toán và phác thảo cẩn thận trước khi thực hiện. Những chi tiết này làm điểm nhấn chính của tác phẩm nên chàng trai trẻ sáng tạo theo cảm xúc cá nhân (Ảnh: Tùng Makin).

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 5

Anh Tùng cho biết, độ khó của mỗi tác phẩm không ở chỉ kỹ năng tạo hình, sắp xếp vật phẩm,… mà còn nằm ở khâu xử lý nguyên liệu với khối lượng lớn. "Keo ES rất đắt, chỉ chút sai sót nhỏ trong quá trình thực hiện sẽ khiến sản phẩm hỏng toàn bộ", anh nói (Ảnh: Tùng Makin).

Các tác phẩm Epoxy Resin trên mặt bàn được anh Tùng thực hiện, tự sáng tạo với nhiều ý tưởng khác nhau. Anh cũng tự mày mò, nghiên cứu và học hỏi để cho ra đời những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt. Bởi vậy, mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt về màu sắc, kết cấu, số lượng sinh vật biển… và trở thành phiên bản duy nhất mà 9X sáng tạo nên.

Tự nhận mình là một người khá cầu toàn nên anh chỉn chu tất cả các công đoạn, thực hiện tỉ mỉ, tập trung cao độ để cho ra đời những sản phẩm đẹp và chất lượng nhất. "Nếu bạn khắc họa khung cảnh đẹp mà độ hoàn thiện xấu thì cũng không được, mà hoàn thiện đẹp nhưng hiệu ứng xấu thì tác phẩm cũng xem như bỏ đi", anh Tùng chia sẻ.

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 6

Chiếc bàn cá cửu ngư thể hiện 9 con cá 3 đuôi với kích thước 160 x 80 x 5cm mà anh Tùng cần đến 20kg keo và tốn 2 tháng trời để hoàn thiện (Ảnh: Tùng Makin).

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 7

Mỗi "đứa con tinh thần" của anh Tùng đều mang vẻ đẹp riêng, "có hồn" chứ không hề cứng nhắc (Ảnh: Tùng Makin).

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 8

9X hiện sở hữu cả trăm chiếc bàn vẽ ES lớn nhỏ khác nhau (Ảnh: Tùng Makin).

Ngoài chủ đề đại dương, chàng trai 31 tuổi còn thực hiện một số mô hình độc đáo khác như bộ xương rồng dưới biển, xác ướp Ai Cập, đầm lầy cá sấu, vùng biển cá đuối,... Anh hiện sở hữu "gia tài" hàng trăm tác phẩm bàn gỗ vẽ "đáy đại dương" với mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy vào kích cỡ và độ phức tạp.

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 9

Những chiếc bàn "chứa" cả "đại dương thu nhỏ" của anh Tùng đa dạng về chủ đề lẫn kích thước. Tùy thuộc độ phức tạp mà thời gian hoàn thiện mỗi tác phẩm cũng khác nhau (Ảnh: Tùng Makin).

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 10

Với những sản phẩm nhỏ để trưng bày đơn thuần, anh có thể làm trong 2-3 ngày. Nhưng cũng có tác phẩm tốn 2 tháng trời sửa đi sửa lại nhiều lần mới được đổ keo và hoàn thiện (Ảnh: Tùng Makin).

Chàng trai TPHCM nhặt cỏ khô, vỏ ốc, đưa cả đáy đại dương lên mặt bàn - 11

Chàng trai trẻ thực hiện nhiều mô hình, chủ đề khác nhau từ ES như xác ướp Ai Cập, vùng biển cá đuối,... (Ảnh: Tùng Makin).

"Thời gian đầu theo đuổi bộ môn này, mình cũng gặp thất bại, phải bỏ đi một số tác phẩm mà bản thân dành nhiều tâm huyết mới hoàn thiện xong. Có lần, mình đổ keo một mặt bàn ăn khá lớn. Lúc đổ xong rất ưng ý nhưng cuối cùng vẫn hỏng vì chưa kiểm soát được độ co rút của keo làm mặt bàn bị cong vênh, không thể sử dụng.

Mình tiếc lắm vì tốn nhiều thời gian và công sức mới diễn họa được cảnh quan dưới đáy đại dương", chàng trai trẻ nhớ lại.

Anh cho biết thêm, các tác phẩm tranh ES rất dễ chơi và độ bền cao nếu hiểu rõ được chúng. Vì chất liệu là nhựa nên những sản phẩm này thường dành cho trang trí nội thất. Chỉ cần chú ý tránh ánh nắng trực tiếp và gìn giữ kỹ càng thì các tác phẩm này vẫn sáng đẹp như lúc ban đầu và dễ dàng làm mới lại như đồ gỗ.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chàng trai trẻ bày tỏ mong muốn đưa cảnh sắc Việt Nam, đặc biệt là các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng,... vào các sản phẩm tranh ES của mình.

Hiện anh cũng thường xuyên tổ chức các buổi workshop, khóa học dạy nghề khắp ba miền để quảng bá loại hình nghệ thuật này tới những người có cùng đam mê hay chia sẻ kinh nghiệm tới các hội nhóm thông qua những bài viết, video hướng dẫn cụ thể, chi tiết.